Chàng trai 9X nuôi chí làm giàu

Thanh niên Lào Cai đã và đang hăng hái phát huy sức trẻ, lựa chọn những con đường khác nhau để lập thân, lập nghiêp, làm giàu chính đáng. Trong số đó có chàng trai 9X Nguyễn Đức Quyền Anh ở thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng).

Anh Nguyễn Đức Quyền Anh sinh năm 1997. Tốt nghiệp THPT vào năm 2015, anh chọn con đường bươn trải, phát triển kinh tế bằng nhiều công việc khác nhau. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Từ chạy bàn, bảo vệ, sửa chữa máy móc đến buôn bán, mình đều đã trải qua”.

Nguyễn Đức Quyền Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp.

Nguyễn Đức Quyền Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp.

Dấu chân của Quyền Anh đã có ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh và điểm dừng chân tại thành phố Hải Phòng đã để lại cho anh những nền móng quan trọng sau này. Tại thành phố cảng, Quyền Anh có cơ hội thấy những trang trại nuôi chim bồ câu rất lớn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh đến quan sát các cơ sở chăn nuôi và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi giống chim này. Sau 2 năm làm việc và học hỏi ở Hải Phòng, Quyền Anh quyết định trở về quê hương Xuân Quang để theo đuổi ước mơ nuôi chim bồ câu.

Khi đưa ý tưởng nuôi bồ câu, gia đình Quyền Anh cũng thấy băn khoăn, thậm chí là phản đối khá quyết liệt. Cùng với đó, bạn bè, hàng xóm, láng giềng cũng khuyên can nhưng Quyền Anh đã hạ quyết tâm là theo đến cùng. Anh mạnh dạn vay 40 triệu đồng thêm vào phần vốn dành dụm được để xây dựng khu nuôi nhốt, mua lồng nuôi, máy ấp trứng và 100 đôi bồ câu sinh sản giống Pháp. Ít lâu sau, anh vay thêm được tiền, mua tiếp 200 đôi giống và đầu tư thức ăn chăn nuôi.

Quyền Anh kể rằng, nuôi bồ câu thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng trên thực tế lại khác. Rủi ro đầu tiên là sau 3 tháng, 50 đôi bồ câu bố mẹ bị chết không rõ nguyên nhân. Số còn lại tuy bắt đầu cho ra những lứa trứng đầu tiên nhưng do thiếu kinh nghiệm ấp máy nên trứng không nở, tỷ lệ trứng thối, hỏng nhiều. Suốt 3 tháng ròng, lãi chưa thấy đâu nhưng số tiền nợ đã lên tới 180 triệu đồng, áp lực ngày càng đè nặng lên chàng trai mới hơn 20 tuổi.

Cú trượt ngã đầu đời chỉ làm Quyền Anh thêm quyết tâm và nỗ lực hơn cho con đường mình đã chọn. Anh dành nhiều thời gian hơn để dạo trên các trang thông tin internet, đọc tài liệu, sách, báo về tập tính của loài bồ câu, cách nhận biết các loại bệnh và phòng, chữa bệnh trên chim nuôi.

Mỗi ngày trôi qua anh tích lũy cho mình những bài học quý giá từ tất cả các khâu chăm sóc, phân chia tỷ lệ thức ăn, vệ sinh chuồng trại, theo dõi nhiệt độ và sự sinh trưởng, các biểu hiện bất thường trên đàn chim. Ngoài thời gian ăn, ngủ và sinh hoạt bình thường, anh ở lỳ trong khu nuôi, quan sát “nhất cử, nhất động” của từng chú chim và ghi chép đầy đủ vào sổ sách để tổng hợp thành kinh nghiệm một cách hệ thống. Tự mình học hỏi và rút kinh nghiệm chưa đủ, anh còn lặn lội đến nhiều các cơ sở lớn nuôi bồ câu ở một số tỉnh, thành để trao đổi và hỏi thêm “bí kíp” nghề để ứng dụng vào cơ sở của mình. Những gì thu được là số lượng chim bố mẹ bị chết giảm dần cho đến tháng thứ 7 thì tỷ lệ sống sát con số 100%. Nhờ làm chủ công nghệ ấp trứng nên tỷ lệ ấp thành công đạt trên 95%. Những lứa chim thịt đầu tiên được xuất bán trong niềm vui vô bờ, bạn bè đến chúc mừng thành quả và bố mẹ anh ngày càng đặt niềm tin vào mô hình.

Đến nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của Quyền Anh xuất ra thị trường đều đặn từ 800 đến 1.200 con chim bồ câu thịt mỗi tháng, giá bán 160.000 đồng/cặp. Ngoài ra, ông chủ 9X Quyền Anh còn cung cấp ra thị trường hơn 1.000 đôi giống bồ câu sinh sản mỗi tháng, nhờ đó mà cơ sở của anh ngày càng được nhiều người biết tới. Từ 100 cặp bồ câu ban đầu, đến nay mô hình duy trì 1.100 cặp giống. Nhiều nhà hàng nổi tiếng tại thành phố Lào Cai và các huyện đã đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Việc sản xuất, kinh doanh ổn định nên tính ra mỗi năm, anh thu lãi từ mô hơn 300 triệu đồng.

Mô hình có thể chưa lớn nhưng đó là thành công đáng khen ngợi ở chàng trai 22 tuổi. Điều đáng nói là ý chí của anh chưa dừng lại ở đó. Từ lâu, anh đã nghĩ tới việc đầu tư mở rộng cơ sở và tích cực ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Với bản tính rộng lượng, dễ bề sẻ chia, đồng cảm, anh không ngần ngại hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp cho nhiều hộ trên địa bàn. Anh còn hỗ trợ một phần con giống cho 2 hộ gia đình trẻ khác làm cơ sở khởi nghiệp và nhận bao tiêu sản phẩm cho những hộ này.

Trò chuyện với phóng viên, anh Quyền Anh mong gửi lời nhắn tới các bạn trẻ đang có tinh thần khởi nghiệp rằng: “Nếu có ước mơ, lý tưởng thì hãy nuôi dưỡng nó bằng lòng quyết tâm và sự kiên trì ở mức cao nhất. Hãy cứ lạc quan rằng, vấp ngã, thử thách chỉ là tấm thảm lót đường dẫn đến thành công mà thôi”.

Chị Lâm Thị Mỹ Hảo, Bí thư Đoàn thanh niên xã Xuân Quang khi nói về mô hình chăn nuôi của Quyền Anh cho biết, thời gian qua, Đoàn xã luôn lấy tấm gương chàng trai 22 tuổi làm ví dụ cho các buổi sinh hoạt của thanh niên có chủ đề về phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp và công tác phong trào. Điều đó rất xứng đáng ở Quyền Anh, chàng thanh niên có nhiều hoài bão và lòng quyết tâm, nghị lực vượt khó.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nhip-song-tre/chang-trai-9x-nuoi-chi-lam-giau-z35n20190803093141892.htm