Chàng trai 9X và câu chuyện đẹp khi Sài Gòn về đêm
'Sài Gòn ơi! Ăn tối chưa?' là câu chuyện mà Phạm Huỳnh Thanh Tuấn (28 tuổi, sống tại TP. HCM ) cùng nhóm bạn mang đến với những lao động khó khăn trên địa bàn TP. HCM.
Thanh Tuấn cùng nhóm bạn đã lập nên một nhóm thiện nguyện để có thể giúp đỡ người vô gia cư, người lao động khó khăn tại TP. HCM. Kể về điều thôi thúc bản thân lập nhóm, Tuấn nhớ lại: “Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mình và nhóm thấy được sự khó khăn trong đời sống của những người lao động nghèo. Từ đó, chúng mình muốn góp một phần nào đó để chia sẻ, giúp đỡ các cô chú. Có thể nói, động lực chính của nhóm là được thấy niềm vui, nụ cười của các cô chú khi nhận được những phần quà nhỏ từ nhóm”.
Theo Phi Vũ - cái tên thân thương mà mọi người thường hay gọi thay cho Thanh Tuấn, hoạt động phát cơm cho người khó khăn trên địa bàn thành phố đã hoạt động được một năm, nhóm chủ yếu giúp đỡ các cô chú bán ve chai, bán vé số, người thân bệnh nhân ở các bệnh viện, các chú chạy xe ôm khó khăn. Nhóm không hoạt động cố định ở một tuyến đường, mỗi tháng sẽ đi một quận để tặng cơm, để có thể giúp đỡ được nhiều người.
Nhóm tình nguyện của Tuấn đa số có độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi, tuy nhiên vẫn có các thành viên nhí mới chỉ khoảng 8 tuổi, 9 tuổi. Chia sẻ về việc nhóm tình nguyện của mình có các bạn nhỏ như vậy, Tuấn cho biết đây là con, em của các thành viên nhóm, cho các bạn nhỏ tham gia nhóm để thấy được sự khó khăn, từ đó có thể đồng cảm, giúp đỡ.
Trong những ngày đầu hoạt động, nhóm của Tuấn đã gặp những khó khăn. Tuấn bộc bạch: “Khó khăn nhóm từng gặp phải là thời gian đầu nhóm đi tặng cơm hơi sớm, lúc đó các cô chú còn đi mưu sinh nên không gặp được ai cả. Nhóm cũng từng gặp những thách thức trong việc sắp xếp thời gian bởi mỗi thành viên có lịch công việc khác nhau. Nhưng may mắn, hiện tại mọi thứ đều đã ổn định”. Chàng trai 9X cho biết thêm: “Thường thì mình sẽ tạo cuộc bình chọn ngày đi để nhóm sắp xếp cho phù hợp lịch công việc của từng người. Nhóm sẽ tập trung lúc 19h, sau đó chia sữa, nước suối, phần ăn và di chuyển lúc 20h. Có tháng, nhóm đi một lần, cũng có tháng nhóm đi 2 lần”.
Tâm tình về nguồn quỹ để nhóm hoạt động từ trước đến nay, Tuấn cho biết, nhóm tạo kinh phí chính bằng cách bán dưa lưới và thành viên nhóm cũng đóng góp tùy vào khả năng tài chính cá nhân. Trong suốt một năm tặng cơm cho người dân khó khăn, Tuấn và nhóm có rất nhiều câu chuyện được ghi dấu, nhưng có một câu chuyện khiến Tuấn đặc biệt ấn tượng: “Có một lần, mình gửi phần ăn cho một bé nhỏ đang nhặt ve chai. Sau đó, bạn nhỏ cứ đạp xe theo mình như có điều gì muốn nói nhưng ngại. Mình dừng xe lại hỏi thì em nói là ‘Chú có thể cho con xin thêm một phần nữa được không? Con không có tham lam ăn hai phần đâu, con cho bạn ngủ chung với con, nay bạn đó bị bệnh nên không có đi bán vé số được. Chú không tin con sẽ dẫn chú tới chỗ con ngủ’. Khi đến nơi, mình rất bất ngờ vì đó chỉ là cái sạp ở trong chợ”, Tuấn trải lòng.
Khi thực hiện những hoạt động này, Tuấn nghĩ mình nhận được sự hạnh phúc, những hình ảnh và câu chuyện ấm áp được người lao động khó khăn chia sẻ. Nguyễn Văn Tín (25 tuổi, thành viên nhóm) chia sẻ: “Lúc mới thực hiện hoạt động, mình tự hào vì làm được điều ba mẹ dạy, đi nhiều hơn thì mình thấy nhận được thêm niềm vui khi được thấy nụ cười của những người lao động khó khăn”. Với Ngô Nguyệt Minh, 23 tuổi, cũng là thành viên nhóm từ những ngày đầu thì: “Mình nhận lại được niềm vui và sự hạnh phúc, niềm vui khi nhìn thấy những người mình giúp đỡ có được cái ăn, cái mặc và đặc biệt là nụ cười rạng rỡ của họ”.
Trong tương lai, nhóm của Tuấn vẫn tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương, mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn, làm những điều có giá trị cho xã hội để cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn.