Chàng trai Anh rời khu cách ly: Hai tuần sống khác như một nút 'reset'

Cách ly tập trung không phải là điều gì khổ cực, thiếu thốn; đó là thời gian để trưởng thành. Tôi chứng kiến người dân Việt Nam biến hoàn cảnh khó khăn thành tình huống tích cực.

Cuối cùng quãng thời gian cách ly 14 ngày tại Sơn Tây của tôi cũng kết thúc. Trước khi những người hết hạn cách ly rời đi, đội ngũ phụ trách dành tặng chúng tôi nhiều lời động viên ấm áp và cấp chứng nhận đảm bảo sức khỏe cho mỗi người.

Những chiếc máy ảnh mở ra để quay lại khoảnh khắc chia tay. Nhiều người khác đứng ngoài hành lang dõi theo những ai chuẩn bị rời khỏi khu cách ly.

14 ngày qua là một hành trình có phần đáng sợ nhưng khó quên, để lại những trải nghiệm mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời.

Một lần nữa, tôi có dịp ngẫm lại những điều mình vừa trải qua. Tất cả những người tôi gặp mặt ở đây đều thấy bản thân rơi vào tình huống không mong đợi nhưng rồi đã cùng nhau vượt qua.

Khu cách ly thành ngôi nhà chung và những người xa lạ trở thành bạn bè của nhau. Trước khi rời đi, tôi dành thời gian tạm biệt những người ở lại. Mặt khác, tôi cũng mong chờ cuộc sống mới ở Việt Nam.

Chiếc xe lăn bánh rời khỏi khu cách ly, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ về khoảng thời gian mình ở đó. 14 ngày qua là một hành trình có phần đáng sợ nhưng khó quên, để lại những trải nghiệm mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời.

Cái tôi quá lớn luôn là trở ngại

Trước khi vào đây, tôi chứng kiến tại sân bay nhiều cách hành xử khác nhau khi lệnh bắt buộc cách ly được thiết lập.

Nhiều người không phàn nàn, chấp nhận làm theo yêu cầu. Nhưng cũng có không ít nhóm du khách liên tục làm phiền các phiên dịch viên bằng những câu hỏi lặp đi lặp lại. Nhiều người thậm chí la hét vì không vừa ý họ và quát mắng, trút sự tức giận lên bất cứ ai xung quanh.

Không ai trong số đó có khả năng giúp tình hình bớt căng thẳng.

Bản ngã khiến một số người tìm đến sự giận dữ để che giấu nỗi bất lực. Cái tôi quá lớn luôn là vấn đề khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.

Trong số bốn người nước ngoài chúng tôi quyết định chọn ở lại Việt Nam, chẳng ai biết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Song, tất cả đều hiểu cách ly tập trung là điều cần thiết.

Tất nhiên, những điều xảy đến nhiều khi nằm ngoài sự kiểm soát của mỗi người nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn tâm thế, cách thức phản ứng với những tình huống bất ngờ.

Dù chúng tôi có phản đối hay im lặng chấp nhận yêu cầu, rủi ro lây nhiễm bệnh vẫn luôn tồn tại. Kinh nghiệm này đã đem lại cho tôi bài học về tầm quan trọng của việc biết bỏ qua lợi ích cá nhân khi cần.

Tại khu tôi cách ly, hầu hết mọi người đều khiêm tốn, nhã nhặn. Tuy vậy, gần đây tôi chứng kiến không ít cá nhân dần trở nên thô lỗ, đòi hỏi.

Khi nhận được thông báo chúng tôi có thể phải ở lại cách ly lâu hơn sau khi một trường hợp được xác nhận dương tính với virus, có người đã lên tiếng phản đối. “Ở đất nước tôi, họ không làm vậy” là lý lẽ được đưa ra.

Đối với tôi, hành động này thật khó mà chấp nhận. Trong khi hầu hết mọi người luôn đánh giá cao và cảm kích sự tận tình của đội ngũ phụ trách, lại có người dùng lời lẽ nặng nề với một tình nguyện viên.

Một cuộc cãi vã lớn đã nổ ra. Cái tôi ích kỷ khiến họ chỉ quan tâm đến vấn đề của bản thân và bắt người khác phải theo ý mình, thay vì thừa nhận bản thân đang tức giận vì không thể tự khắc phục tình hình.

Bản ngã khiến một số người tìm đến sự giận dữ để che giấu nỗi bất lực. Cái tôi quá lớn luôn là vấn đề khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.

Như một nút “reset"

Hầu như mọi người và cả tôi ban đầu đều coi việc phải đi cách ly tập trung thật đáng sợ. Ở nguyên 14 ngày trong một khu vực riêng biệt, không được phép ra ngoài chắc chắn khiến nhiều người thấy chán nản.

Thế nhưng, vào một đêm khi ngồi ngắm trời trở giông, bình thản lấy máy ảnh ra quay lại cảnh tượng thiên nhiên và nhâm nhi ly cà phê, tôi chợt nhận ra lòng mình bình yên như thế nào khi ở trong đây.

Quãng thời gian 2 tuần cách ly giống như một nút “reset”, loại bỏ đi những thói quen sống có hại thường ngày và đem lại chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Cách ly tập trung không phải là điều gì đó khổ cực, thiếu thốn. Đó là thời gian để trưởng thành.

Bản thân tôi đã không động vào các món ăn chứa nhiều đường, lượng cà phê tiêu thụ cũng giảm đáng kể.

Cách ly tập trung không phải là điều gì đó khổ cực, thiếu thốn. Đó là thời gian để trưởng thành.

Cả người Việt và người nước ngoài trong cùng khu cách ly mà tôi có dịp nói chuyện đều nhìn nhận sự việc lạc quan và vui vẻ đón nhận.

Lực lượng y tế, quân đội, các tình nguyện viên đã chấp nhận hy sinh rất nhiều khi tham gia lực lượng tuyến đầu chống lại dịch bệnh ở Việt Nam. Họ còn chẳng than vãn lời nào, vậy sao chúng ta, những người được chăm sóc tận tình, lại có thể lên tiếng chê bai?

Họ chính là tấm gương cho chúng ta noi theo. Vì nhiệm vụ, người chỉ huy khu vực tôi cách ly đã không về nhà suốt 3 tháng ròng. 3 tháng xa cách người thân, họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn khi tiếp xúc với nhiều người từ vùng dịch.

Thậm chí, chẳng ai rõ những tháng ngày ròng rã này sẽ kéo dài bao lâu. Dẫu mang áp lực khổng lồ, họ vẫn giữ tinh thần lạc quan và không hề gục ngã.

Việt Nam chắc chắn sẽ thắng đại dịch

Tôi nhớ rõ một câu nói của Tôn Tử có đại ý: “Đạo cầm quân, binh gia cần chuẩn bị cho chiến thắng trước khi ra chiến trường. Ra đến chiến trường rồi mới tìm cách để chiến thắng tất yếu sẽ bại".

Đối với tôi, câu nói trên tóm gọn cách Việt Nam xử lý, đối mặt với cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Không ngồi yên một chỗ chờ đợi, Việt Nam khẩn trương lập kế hoạch chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Từ việc khử trùng đường phố, sắp xếp chỗ cách ly cho hàng nghìn người cho đến thử nghiệm thành công bộ kit xét nghiệm.

Tất cả những điều trên khiến tôi tin tưởng mục tiêu của Việt Nam không phải là giảm thiểu, hạn chế mà là quyết tâm loại bỏ, tiệt trừ mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.

Tôi tin tưởng mục tiêu của Việt Nam không phải là giảm thiểu, hạn chế mà là quyết tâm loại bỏ, tiệt trừ mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.

Hiện tại, người dân được khuyên nên ở yên trong nhà, hạn chế ra đường. Nhiều hàng quán, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Tất nhiên, động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của rất nhiều người.

Nhưng điều tôi nhận thấy là sự ủng hộ và quyết tâm của mọi người chứ không phải nỗi sợ hãi, hoang mang bao trùm. Người dân tuân thủ các quy định, không chủ quan bởi họ biết rằng đó là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Tôi cũng nhận thức rõ việc kết thúc 14 ngày cách ly không có nghĩa là rủi ro đã hết. Lúc này sẽ rất dễ bị bản năng thôi thúc "tận hưởng" tự do sau hai tuần sống gò bó. Nếu hành xử theo cách đó, tôi có thể sẽ phá hỏng những nỗ lực ngăn chặn ca nhiễm mới và kiềm chế lây lan.

Do vậy, tôi sẽ vẫn phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân, những người xung quanh lẫn cộng đồng. Và tôi hy vọng sẽ góp phần khiến nhiều người khác cũng làm như mình.

Câu chuyện của tôi ở Việt Nam được nhiều người biết đến, điều làm tôi cảm thấy cảm kích phần nào. Nhưng hơn ai hết, tôi hiểu sự nổi tiếng ấy chỉ tồn tại một quãng ngắn ngủi.

Vậy nên, tôi hy vọng có thể tận dụng thời gian này để truyền tải thông điệp tích cực tới cộng đồng, cổ vũ người dân giữ vững sự mạnh mẽ và tiếp tục "chiến đấu", nhất là khi dịch Covid-19 đang đe dọa thế giới ngày một trầm trọng hơn.

Kể từ khi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội, tôi có phần choáng ngợp trước cách mọi người sẵn sàng đóng góp, đoàn kết với nhau.

Tôi chứng kiến người dân Việt Nam biến hoàn cảnh khó khăn thành tình huống tích cực. Không có bất ổn, hoảng loạn, chỉ có một nỗ lực hợp tác, chung tay tiến về phía trước.

Và do vậy, tôi có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam không chỉ chắc chắn chiến thắng đại dịch mà còn sẽ vượt qua nó với niềm tự hào.

Gavin Wheeldon
Đồ họa: Hà My - Biên dịch: Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chang-trai-anh-roi-khu-cach-ly-hai-tuan-song-khac-nhu-mot-nut-reset-post1065486.html