Chàng trai Cần Thơ lặn lội khám phá Hà Giang: Đi để cảm nhận hết cái mênh mông của đất trời và thiên nhiên Việt Nam

Nhiều người tự hỏi Hà Giang có gì mê mà ai nấy cũng đều cố gắng tới đây một lần trong đời? Có người đến đây vì đã 'trót yêu' cái sắc tim tím của hoa tam giác mạch. Có người lại muốn thử cảm giác mạo hiểm khi chinh phục những cung đường đèo uốn lượn giữa núi rừng.

Là một trong những nơi hiếm hoi được dân du lịch đánh giá "đi mùa nào cũng đẹp", Hà Giang sở hữu một sức hút khó cưỡng lại được. Có lẽ đó cũng chính là điều đã thôi thúc Dương Đặng Phương Toàn - một chàng trai người Cần Thơ - xách ba lô lên và tới thăm nơi địa đầu Tổ quốc. Phương Toàn đã không ngại chinh phục khoảng cách hơn 2.000 km để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất này.

(Ảnh: Facebook Dương Đặng Phương Toàn)

(Ảnh: Facebook Dương Đặng Phương Toàn)

DI CHUYỂN VÀ CHỖ Ở

Phương Toàn bay từ Cần Thơ đến Hà Nội, sau đó di chuyển lên Hà Giang bằng xe khách với giá 300.000 VNĐ/chiều. Xe xuất phát lúc 9h tối và có mặt ở Hà Giang khoảng 7 tiếng sau đó.

Tại đây, du khách có thể liên hệ thuê xe máy với giá khoảng 150.000 VNĐ/ngày, có đủ cả áo mưa, dây băng hành lý và cả ủng đi mưa - thứ rất cần thiết trong mùa này.

Trong chuyến đi, anh Toàn đã có dịp ngủ lại tại hai cơ sở lưu trú với phong cách hoàn toàn khác biệt. Đêm đầu tiên, vì muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Lô Lô, anh đã đặt homestay LoLo Ancient House - nơi có chủ nhà rất nhiệt tình và thân thiện. Đến đêm thứ hai, anh chuyển sang Hoàng Ngọc Hotel ở Đồng Văn. Khách sạn này cũng rất to, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi.

LỊCH TRÌNHNgày 1: TP. Hà Giang - Cột mốc số 0 - Dốc Bắc Sum - Núi Đôi - Quản Bạ - H’mong Village - Yên Minh - Dốc Thẩm Mã - Nhà của Pao - Lũng Cú

Ăn sáng xong, anh Toàn đã đến Dốc Bắc Sum để chụp ảnh và đi ngang Núi Đôi để nghỉ ngơi.

Tiếp đến, anh ghé H’mong Village để chụp ảnh check-in tại hồ bơi vô cực nổi tiếng ở đây. Giá vé vào cổng là 50.000 VNĐ và giá vé vào hồ bơi là 100.000 VNĐ/người. Nếu chọn đi đường 22 km, bạn sẽ bắt gặp "Cây Cô Đơn" cao sừng sững - địa chỉ check-in của giới trẻ. Đường tới đây cũng không quá khó đi.

Sau khi ra khỏi đường 22 km, anh Toàn tiếp tục tới thăm dốc Thẩm Mã. Nơi đây có rất nhiều em bé dân tộc đáng yêu và thân thiện, nên bạn có thể thoải mái chụp ảnh và cho các em kẹo bánh. Sau đó, anh còn ghé qua căn nhà được chọn làm bối cảnh quay cho bộ phim "Chuyện của Pao" - tác phẩm từng đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2006.

Theo anh Toàn, trên đường về Lũng Cú có rất nhiều cảnh đẹp, phù hợp với những bạn trẻ ưa thích chụp ảnh check-in để "sống ảo". Hôm đó, anh may mắn được tham gia lễ hội của người Lô Lô diễn ra ngay tại homestay, vô cùng đông vui và nhộn nhịp. Anh kết thúc một ngày di chuyển của mình bằng bữa tối với lẩu gà có giá 150.000 VNĐ/người.

Ngày 2: Cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn - Sông Nho Quế - Mã Pì Lèng - hẻm Tu Sản - Đồng Văn

Ngày 2: Cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn - Sông Nho Quế - Mã Pì Lèng - hẻm Tu Sản - Đồng Văn

Anh Toàn cho biết, đường lên cột cờ Lũng Cú sát ngay homestay, đi xe máy có thể chạy lên điểm bán vé với giá 10.000 VND/người (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên được giảm). Sau đó, bạn chỉ cần đi bộ lên cầu thang một chút là đến nơi, cảm giác rất mát mẻ và view toàn cảnh sẽ khiến bạn phải choáng ngợp.

Đi thuyền trên sông Nho Quế cũng là một trải nghiệm mà anh Toàn nghĩ mà ai cũng nên thử. Đứng từ Mã Pí Lèng nhìn xuống, con sông hiện lên trông thật tình tứ và lãng mạn.

Tuy nhiên, du khách cần cẩn trọng khi đi xuống bến thuyền. Anh Toàn chia sẻ rằng mình đã "suýt chết" mấy lần khi đổ dốc, bởi một bên là núi, một bên là vực, đường lại sạt lở. Quãng đường này dài khoảng 7-8 km (mất khoảng 30-45 phút), nên mọi người cần chạy chậm lại để đảm bảo an toàn.

Theo anh Toàn, cũng có đường để mọi người trekking (đi bộ) dài khoảng 2km. Thế nhưng, con đường này khá dốc, khiến du khách mất nhiều thời gian và thể lực. Do đó, chỉ những ai thực sự khỏe mới nên thử.

Anh Toàn cũng đặt thuyền với giá khá rẻ - 70.000 VNĐ/người. Thuyền rất to, có đủ chỗ để tạo dáng chụp ảnh. Bạn có thể nhờ người lái thuyền dừng lại ở bất cứ chỗ nào mình thích. Trung bình, một tour đi thuyền mất khoảng 1-2 tiếng.

Trên đường từ Mã Pí Lèng trở về, anh Toàn đã có dịp ghé thăm "mỏm đá tử thần" - nơi bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn thấy dòng Nho Quế nước xanh ngọc. Lúc này, đường đi đã dễ dàng hơn nhiều.

Sau khi về Đồng Văn nghỉ ngơi, anh Toàn đã tới chơi phố cổ vào buổi tối. Ở đây có rất nhiều quán bán đồ nướng, thắng dền (một loại bánh đặc sản tại Hà Giang), cơm dân tộc và lẩu gà.

Món "thắng dền" (trái) và bánh cuốn Hà Giang (phải). (Ảnh: FB Dương Đặng Phương Toàn)

Món "thắng dền" (trái) và bánh cuốn Hà Giang (phải). (Ảnh: FB Dương Đặng Phương Toàn)

Ngày 3: Đồng Văn - Mèo Vạc - Pả Vi - TP. Hà Giang

Do đến đúng vào ngày Chủ nhật, anh Toàn đã cơ hội được trải nghiệm chợ phiên của đồng bào dân tộc. Chợ phiên rất lớn, bán đủ loại hoa quả khác nhau. Tại đây, anh Toàn đã mua ít quà lưu niệm, cũng như thưởng thức món bánh cuốn bà Hà có giá 40.000 VNĐ/suất.

Sau đó, anh trở lại thành phố Hà Giang bằng cung đường Mèo Vạc. Đường Mèo Vạc rất xấu và nhỏ, nên mọi người cần chú ý kỹ. Thời gian di chuyển trung bình rơi vào khoảng 6-7 tiếng chạy xe.

Đối với anh Toàn, đây một chuyến đi rất đáng để trải nghiệm, nơi người dân thật sự dễ thương và thân thiện. "Còn trẻ và còn sức thì nên thử đi Hà Giang một lần trong đời để cảm nhận hết cái mênh mông của đất trời và vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam", anh nói.

Theo CafeF.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202010/chang-trai-can-tho-lan-loi-kham-pha-ha-giang-di-de-cam-nhan-het-cai-menh-mong-cua-dat-troi-va-thien-nhien-viet-nam-766996/