Chàng trai chạy vì nụ cười cho trẻ kém may mắn

Giành nhiều Huy chương Quốc gia và khu vực nhưng với Phạm Tiến Sản, hạnh phúc hơn là anh cùng đồng đội vượt hành trình 'điên rồ'...

Vận động viên Phạm Tiến Sản. Ảnh: NVCC

Vận động viên Phạm Tiến Sản. Ảnh: NVCC

Đó là hành trình kéo dài 11 ngày, 11 giờ, 11 phút để đem lại nụ cười cho 99 em nhỏ kém may mắn…

Không nỗ lực sẽ bị đào thải

Anh Phạm Tiến Sản (31 tuổi) là một trong mười cá nhân được vinh danh “Công dân Bắc Giang ưu tú” năm 2022 vào sáng 7/10 vừa qua… Sản là con thứ ba trong một gia đình nông dân ở xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Vì muốn nâng cao sức khỏe, bố anh cứ 5 giờ gọi con dậy chạy quanh làng, 2 km, 3 km rồi 5 km… Từ đó, tình yêu với chạy bộ đến với anh Sản qua từng bước đi với người cha.

“Mùa ngô dưới quê trời tối đen. Mình lại sợ ma nên vừa chạy vừa cầm đèn pin. Cố mà chạy cho xong về còn ăn cơm, rồi đi học. Ban đầu rất sợ vì khi đó có 10, 11 tuổi nhưng thấy người rắn rỏi hơn, khỏe hơn, không ốm vặt nữa nên dần dần thành đam mê, chạy bất kể nắng mưa…”, Tiến Sản hào hứng kể.

Trong khi người khác thì 12, 13 tuổi đã được ăn tập chuyên nghiệp thì học lớp 11, anh Sản mới theo nghiệp vận động viên. Xuất phát chậm hơn các bạn khiến anh tâm niệm phải cố gắng hơn, từ ăn uống, tập luyện cho đến rèn ý chí. “Nhưng không phải đi tập chuyên nghiệp là sẽ theo mãi, có bạn theo nhiều năm nhưng không vượt qua khó khăn là nghỉ vì cuộc sống giờ đầy đủ hơn mình ngày xưa…”, anh Sản nói.

Anh Sản bộc bạch, thể thao sẽ đào thải ngay những người không cố gắng, không nỗ lực phấn đấu. Vì thế, ngay từ đầu, phải xác định mục tiêu phấn đấu, vượt qua “giai đoạn kiệt sức”, không có thành tích.

Anh Sản kể lại câu chuyện vào năm 2015, anh bị chấn thương khi tập huấn ở Trung Quốc. Khi ấy, thời gian đếm ngược chỉ còn 20 ngày nữa là bước vào thi đấu ở Singapore. Đang là đại diện của Việt Nam, anh cố gắng chăm chỉ trị liệu, phục hồi chấn thương để nhanh chóng trở lại “đường đua”. Vì anh Sản biết, chạy không chỉ vì mình, vì những người luôn động viên lúc khó khăn mà vì niềm tự hào khi lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bục nhận huy chương.

Dù là vận động viên điền kinh đạt nhiều thành tích nhưng “vận may” không mỉm cười với anh Sản. Ba lần thi SEA Games, ba lần giành Huy chương Bạc. Từ đó, đồng đội gọi anh là “vua về nhì”… Không ngừng nỗ lực trong rèn luyện và thi đấu, Phạm Tiến Sản đạt thành tích hiển hách nhất sự nghiệp với tấm Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 với môn Duathlon (3 môn phối hợp) sáng 15/5/2022.

Vận động viên Phạm Tiến Sản trong một chương trình hiến máu tình nguyện. Ảnh: NVCC

Vận động viên Phạm Tiến Sản trong một chương trình hiến máu tình nguyện. Ảnh: NVCC

Làm tốt từ những điều nhỏ

Là vận động viên, hiểu rõ lợi ích của tập luyện thể thao hàng ngày, Phạm Tiến Sản đã thành lập câu lạc bộ 98 Runners tại TP Bắc Giang (Bắc Giang), nay đã có hàng chục thành viên. Cùng với đó, anh còn tham gia các giải chạy phong trào khắp cả nước để lan tỏa tinh thần thể dục thể thao tới hàng nghìn người.

Sản tâm sự, anh có một người bạn có thói quen uống rượu bia nên sức khỏe rất yếu nhưng từ khi chạy bộ cuộc sống lành mạnh hơn, một năm giảm được hơn 10kg, giờ còn có thể tham gia chạy full-marathon (42,195 km). “Chạy bộ là môn thể thao nhẹ nhàng ai cũng có thể chơi được, bất cứ độ tuổi nào. Nên tập từng ngày như leo bậc thang, từng bước một, 5km lên 10km… Tập luyện giúp cơ thể khỏe hơn. Có sức khỏe sẽ có điều kiện làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội…” - Phạm Tiến Sản nói.

Không chỉ tổ chức câu lạc bộ chạy bộ, anh Sản còn luôn đau đáu tâm niệm giúp đỡ người khác, đặc biệt những người kém may mắn. Mỗi khi đến vùng đất mới, thấy cuộc sống người dân còn khó khăn, anh luôn tìm cơ hội để được giúp đỡ họ. Anh kể, mấy năm trước, khi nghe thông tin về “Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt” quyên góp phẫu thuật cho 99 em nhỏ sứt môi, hở hàm ếch tại Thái Nguyên, anh đăng ký ngay.

Để quyên tiền giúp các bạn nhỏ, anh và đồng đội đã vượt qua hành trình gần 2.600 km từ Bắc chí Nam, kêu gọi được hơn 1 tỉ đồng để đưa nụ cười trở lại với các em nhỏ. Ngoài ra, anh còn tham gia các giải chạy online, mỗi cây số là 1.000 đồng hỗ trợ cho trẻ em nghèo, giờ con số bao nhiêu anh đã không đếm được nữa.

Dù là tấm gương sáng nhận Giải thanh niên sống đẹp năm 2020 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhưng anh Phạm Tiến Sản nghĩ: “Mình chỉ làm những điều nhỏ bé. Mình thấy nhiều bạn trẻ xứng đáng hơn”.

Phát biểu tại Lễ tôn vinh “Công dân Bắc Giang ưu tú”, sáng 7/10, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh tổ chức xét tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú”. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh dành tặng cá nhân là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Bắc Giang đã có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết, trong 10 cá nhân được vinh danh “Công dân Bắc Giang ưu tú” sáng 7/10, thì Phạm Tiến Sản là người đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thể dục thể thao của tỉnh Bắc Giang.

Cùng với Phạm Tiến Sản, ở lĩnh vực văn hóa - xã hội còn có hai cô trò đến từ Trường THPT chuyên Bắc Giang. Đó là cô Trần Thị Hà Phương - Tổ phó chuyên môn Tổ Toán - Tin và em Hoàng Thanh Huyền - lớp 12 chuyên tiếng Trung. Em Hoàng Thanh Huyền là lớp trưởng, MC dẫn chương trình, đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi tuyển chọn HSG các cấp. Năm học 2021 - 2022, Hoàng Thanh Huyền là thí sinh duy nhất đạt giải Nhất Quốc gia môn Tiếng Trung.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chang-trai-chay-vi-nu-cuoi-cho-tre-kem-may-man-post611218.html