Chàng trai chuyên 'make up' giày sneakers bằng họa tiết cung đình
La Quốc Bảo (năm thứ ba, ngành Thiết kế Kiến trúc, ĐH Monash, Melbourne, Úc) đã kết hợp tinh tế những họa tiết cung đình nhà Nguyễn ứng dụng trên những đôi giày sneakers, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
“Sai một li, đi một dặm”
La Quốc Bảo đang là sinh viên năm thứ ba ngành Thiết kế Kiến trúc (Architectural Design) tại trường ĐH Monash (Melbourne, Úc). Từ nhỏ, Quốc Bảo có cơ hội tiếp xúc với mỹ thuật nhà Nguyễn rất sớm do gia đình có truyền thống đam mê sưu tập đồ cổ. Bên cạnh, Bảo có sở thích với giày sneakers. Với tài năng vẽ vời, Bảo đã thử nghiệm ứng dụng hoa văn từ chiếc áo Nhật Bình - thường phục của Thái hậu, Hoàng Hậu… và hoa văn từ trang phục Bình Lĩnh - triều phục của chánh thất (vợ cả) của các quan lớn triều Nguyễn… ứng dụng lên những đôi giày thời trang hiện đại.
Để sáng tạo ra một sản phẩm mãn nhãn người xem, theo Bảo, các công đoạn cơ bản gồm: Lên ý tưởng, vẽ phác thảo, nhuộm màu, lên chi tiết, tinh chỉnh và sấy khô… Mọi họa tiết trang trí trên đôi giày đều vẽ thủ công, vì vậy, Bảo chăm chút từng đường nét, không được vẽ sai chi tiết nào vì vải giày thấm sơn rất nhanh, gần như không tẩy xóa được. Bí quyết để không “sai một li, đi một dặm”, Bảo sẽ vẽ thử nghiệm lên một tấm vải canvas, sau đó tiến hành vẽ thật trên giày.
“Để ứng phục họa tiết triều phục lên đôi giày, mình phải hiểu rõ về trang phục gốc trước, nắm rõ điểm chính cần giữ lại họa tiết của loại trang phục đó và lên ý tưởng ứng dụng vẽ lên giày. Và nó cũng quyết định sản phẩm “ra lò” có sự khác biệt hay không”, Bảo nói.
Nhìn những đôi giày tự phối hoa văn đẹp mắt, Bảo hào hứng chia sẻ, cảm hứng từ trang phục “Nhật Bình” là chủ đề nhỏ của bộ sưu tập “Annam Heritage”. Từ đây, Bảo lấy ý tưởng sáng tạo với 6 gam màu chính: Chánh hoàng (vàng), hỏa hoàng (cam), xích đào (đỏ đào), chánh tử (tím thuần), đạm tử (tím nhạt) và màu đen (huyền). Khi thực hiện dự án, Quốc Bảo phải tìm hiểu kiến thức lịch sử, tài liệu khảo cứu từ các chuyên gia: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, Nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi… Song song đó, cậu còn tham gia các hội nhóm nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa cổ và phục dựng văn vật Việt Nam. Theo Bảo, nhà Nguyễn có gu thẩm mỹ theo trường phái maximalism (tối đa). Lối trang trí và phối màu khai thác tối đa hóa các hoa văn và phối màu sắc theo tone nóng - lạnh, trầm - nổi, trải dài nhiều sắc độ. Đây cũng là lý do để Bảo chọn họa tiết của triều đại này để lấy cảm hứng sáng tạo.
Khơi nguồn cảm hứng văn hóa Việt
Mỗi họa tiết thiết kế trên vải giày phải đảm bảo chống thấm nước, bền màu. Quốc Bảo sử dụng loại màu acrylic chuyên dụng và pha chế liều lượng dung môi đặc biệt. Vẽ thủ công hoàn toàn trên từng đôi giày, nên sản phẩm của anh có giá thành hơi đắt. Bởi lẽ, các tác phẩm thời trang hiện đại được đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, có độ khó nhất định, mang giá trị nghệ thuật. Khi “trình làng”, bộ sưu tập của Bảo nhanh chóng nhận được sự quan tâm của mọi người. “Thông qua mỗi sản phẩm sáng tạo, Bảo mong muốn gắn kết, khơi gợi giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng người trẻ yêu thích tìm hiểu vẻ đẹp của màu sắc và họa tiết Việt”, Bảo cho biết.
Cuối năm 2019, Bảo có dịp tham gia triển lãm “Vietnamme Talk”, tổ chức tại TP. HCM. Tại đây, cậu đã mang 3 mẫu giày đi trưng bày gồm: “Nhật Bình” màu cháng hoàng, “Mành Rồng” (dựa trên ba chiếc mành treo ở Thái Bình Lâu), “Bình Lĩnh” màu ngọc lam. Ở mỗi sản phẩm, Quốc Bảo đều lồng ghép các câu chuyện lịch sử, chia sẻ thêm về ý nghĩa của những họa tiết, các quy tắc tinh tế trong cách thể hiện hoa văn triều phục nhà Nguyễn… Điều này giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Hiện tại, Quốc Bảo trăn trở là làm sao để giữ lửa sáng tạo, tiếp tục tìm kiếm cảm hứng để cho ra các sản phẩm ý nghĩa, chỉn chu về mặt thẩm mỹ lẫn nội dung. Sắp tới, Bảo mong muốn giới thiệu công chúng những đồ án họa tiết về: Hoa lá, mỹ tự, động vật nhỏ (chim, cá, dơi…), mang ý nghĩa phúc lành, gần gũi để mọi người biết thêm về văn hóa Việt Nam.