Chàng trai đam mê nghề khắc mộc bản

Bên khung cửa sổ nhìn ra cánh rừng thông Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) bạt ngàn, mùi tinh dầu thông thoảng trong gió, chàng trai trẻ Lê Viết Quyết đang tỉ mẩn bên những bản mộc. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng sột soạt của mũi dao nhọn chạy trên phiến gỗ để từng con chữ của bản kinh Phật dần hiện nên hình hài.

Hải Dương xưa kia là vùng đất nổi tiếng với nhiều nghệ nhân khắc mộc bản tinh xảo nhất nước, trong đó có Thám hoa Lương Như Hộc-một vị quan sống dưới thời Lê sơ. Ông được coi là ông tổ của nghề khắc mộc bản ở Việt Nam. Nhờ 2 lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được kỹ thuật khắc trên ván để in ấn. Kỹ thuật khắc bản in cổ xưa ấy dần được phổ biến, lưu truyền đến tận ngày nay. Sinh ra và lớn lên trên chính vùng quê của bậc tiền bối nổi danh, anh chàng điển trai, hiền lành Lê Viết Quyết chính là một trong những truyền nhân trẻ hiếm hoi còn giữ được “lửa” đam mê với nghề khắc mộc bản xưa.

Truyền nhân nghề cổ

Tôi gặp Quyết khi anh đang “trốn” tại Măng Đen để dành toàn thời gian cho từng bản mộc. Anh vừa kết thúc hành trình dài 7 ngày chỉ để nhìn ngắm những tấm mộc bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại TP. Đà Lạt. Là người ưa dịch chuyển nên cứ vài tháng là anh lại xách ba lô lên đường, lang thang hết các tỉnh thành mà điểm dừng chân thường là các chùa chiền. Trong hành trang, ngoài đồ dùng cá nhân bao giờ Quyết cũng mang theo bên mình bộ dụng cụ đục, khắc và vài tấm mộc. Tại mỗi điểm Quyết dừng chân, những bộ dụng cụ này lại bầu bạn cùng anh qua từng con chữ.

Dán văn bản lên bản mộc cũng đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Ảnh: P.L

Dán văn bản lên bản mộc cũng đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Ảnh: P.L

Theo dõi từng nét đục, khắc của Quyết, dường như ai cũng bị cuốn vào. Nghỉ tay giữa buổi, Quyết nhẹ nhàng kể về niềm đam mê đặc biệt của mình với việc khắc mộc bản. Cha của Quyết là ông Lê Viết Chiến-một thợ mộc có thâm niên và cũng là nghệ nhân san khắc mộc bản có tiếng ở đất Hải Dương. Hàng ngàn mộc bản đã ra đời qua đôi bàn tay tài hoa của ông. Từ ngày nhỏ, Quyết vẫn hay ngồi cạnh để xem cha tỉ mỉ gọt giũa từng con chữ. Cứ thế mùi gỗ, mùi mực và cả tiếng sột soạt cứ thấm dần vào tâm hồn chàng trai trẻ, khiến anh yêu thích nghề này lúc nào không hay. Dần dà, cùng phụ cha trong nghề mộc, anh tập tành khắc chữ. Đến nay đã là năm thứ 8 Quyết gắn với nghề khắc mộc bản độc đáo này.

Bộ đồ nghề của Quyết chỉ gồm 5 mũi dao khác nhau. “Mỗi chiếc có một nhiệm vụ riêng. Mũi nhọn thì để khắc những phần rất nhỏ, mũi dài thì để tạo đường cong, mũi bằng thì để gọt những phần gỗ dư…”-Quyết giải thích. Với nghề khắc mộc bản này, sự chính xác luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một đường khắc sai thì cả bản mộc bị bỏ đi, không cách nào sửa lại được. Gỗ dùng để khắc mộc bản phải là loại gỗ mềm, dẻo, thớ mịn. Quyết vẫn thường dùng gỗ thị-một loài cây phổ biến ở các vùng quê Bắc bộ. Thân cây thị được xẻ thành từng tấm khoảng 23x40 cm, dày 2,5 cm; mài nhẵn 2 mặt. Quyết lấy một tờ kinh Phật, quết hồ rồi dán úp mặt chữ lên giữa tấm gỗ thị. Đợi cho khô hẳn, anh lấy nước chà xát để phần bột giấy rơi ra, chỉ còn lại phần mực đen in bản mộc. Lúc này đôi tay tài hoa của Quyết bắt đầu gọt cắt và từng con chữ dần nổi trên mặt gỗ. Nhìn Quyết tỉ mỉ cho từng công đoạn, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh các nhà san khắc ngày xưa tận tâm trên từng bản mộc của những tập sách quý báu, lưu giữ cho đời sau.

Để từng con chữ có hồn, Quyết tự mình học thêm chữ Hán, chữ Nôm. Không chỉ rèn nét chữ mà các đường nét hoa văn, những chi tiết nhỏ trên bìa sách cũng được Quyết tỉ mẩn khắc gọt chẳng chút chán nản, mỏi mệt. Quyết chia sẻ: “Mình thích cảm giác được ngồi bên bản gỗ để khắc chữ, cảm giác như đang thiền tịnh. Càng làm, càng gắn bó với mộc bản càng thấy mình trầm tính hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn và thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng”.

Xa rồi mộc bản

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. “Chiếu dời đô”, “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam thực lục”… là những bản mộc chứa đựng giá trị lịch sử vô giá còn được lưu truyền. Từ xưa, san khắc mộc bản là một nghề được các hoàng đế trọng dụng. Thợ san khắc giỏi trong cả nước được tuyển chọn về cung đình, ngày ngày cần mẫn dùng đôi tay tài hoa của mình để làm ra những bản mộc tinh xảo phục vụ cho việc in ấn, lưu trữ.

Những ngày này, Quyết đang tỉ mỉ hoàn thiện những trang mộc bản của cuốn “Ngự chế thi lục tập” của vua Minh Mạng. Quyết cho biết, ngoài sự chuẩn xác thì nghề này đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại bởi mỗi bản kinh Phật dày đến vài trăm trang, thậm chí cả ngàn trang với hàng vạn chữ, mỗi chữ khắc mất khoảng 15 phút. Vì vậy, khắc được hết một quyển Kinh ấy phải mất cả năm, thậm chí vài năm. Đặc biệt là những hoa văn, hình ảnh, bản đồ… tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết.

Có lẽ vì vậy mà những bản khắc gỗ có giá trị không gì thay thế được. Dù công nghệ in ngày nay đã phát triển vượt bậc, giúp tiết kiệm công sức, thời gian và giá thành in ấn nhưng không thể thay thế được những bản mộc khắc thủ công tinh xảo. “Mình cũng từng thử áp dụng công nghệ khắc laser vào mộc bản nhưng không thành công bởi gỗ sẽ bị cháy, kỹ thuật khắc của công nghệ cao theo phương thẳng đứng sẽ không tạo được những đường cong mềm mại hay chi tiết cực kỳ nhỏ như các bản sách yêu cầu. Vì vậy vẫn chưa thể thay thế công việc này bằng máy móc mà vẫn phải nhờ vào đôi tay của con người”-Quyết cho hay.

Hiện số người theo nghề khắc mộc bản không nhiều. Những người thợ lành nghề giờ cũng đã già yếu, còn lớp nghệ nhân trẻ rất hiếm. Quyết tâm sự: 8 năm trời rong ruổi khắp cả nước, anh chưa từng gặp ai cùng nghề. Giới hạn của nhu cầu cùng với sự đòi hỏi cao trong kỹ thuật khiến nghề khắc mộc bản ngày càng mai một. Đây cũng là nỗi trăn trở của chàng trai đất Hải Dương. “Đi đến đâu, mình cũng cố gắng tìm kiếm những người có cùng đam mê để truyền lửa, mong muốn gìn giữ nghề khắc mộc bản độc đáo này. Học khắc thực ra không khó, chỉ cần có đủ nhẫn nại ắt sẽ thành công”-Quyết bày tỏ.

Chúng tôi chia tay Quyết giữa một buổi chiều se lạnh nơi Măng Đen đại ngàn trước khi anh tiếp tục hành trình “giữ lửa” cho nghề san khắc cổ. Mong rằng, chàng trai trẻ ấy không đơn độc trên chặng đường phía trước…

PHƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12363/201912/chang-trai-dam-me-nghe-khac-moc-ban-5659631/