Chàng trai đến từ Đà Nẵng là thủ khoa Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy

'Là một người lính cứu hỏa, bản thân em không cho phép mình mắc phải sai lầm, vì một khi đã sai sẽ không thể quay đầu được…'

Thời gian nhận được lệnh xuất quân khi có báo cháy đến khi xe lăn bánh khỏi đơn vị không quá 90 giây. Những người lính cứu hỏa phải dùng tốc độ nhanh nhất mặc đồ bảo hộ cá nhân để sẵn sàng lên đường đến hiện trường.

“Nếu thông tin đám cháy là cháy rác, cháy cỏ,... em sẽ chỉ cần suy nghĩ tới việc làm sao để sử dụng các biện pháp nghiệp vụ làm lửa tắt nhanh và an toàn nhất. Nhưng nếu là cháy gara ô tô, cháy xưởng thiết bị điện, hay cháy nhà dân,... thì thực sự từng khoảnh khắc khi ngồi trên xe đến hiện trường đều là những phút giây căng thẳng”, Nguyễn Chí Cường chia sẻ.

Tốt nghiệp với điểm trung bình 8,61/10, Nguyễn Chí Cường (23 tuổi, Đà Nẵng) trở thành thủ khoa Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy và là một trong những học viên ưu tú được thăng hàm trung úy sớm hơn một năm.

Nguyễn Chí Cường là 1 trong 96 gương mặt xuất sắc được vinh danh tại Chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2023. Ảnh: NVCC

Nguyễn Chí Cường là 1 trong 96 gương mặt xuất sắc được vinh danh tại Chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2023. Ảnh: NVCC

Tự nhận lý do lựa chọn theo học Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy không có gì đặc biệt, Cường kể, vì có bố là bộ đội nên từ nhỏ, chàng trai đã nuôi dưỡng niềm yêu thích đặc biệt với ước mơ được đứng vào hàng ngũ lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Năm 2018, với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 26,6 điểm (khối A0), Cường chọn theo học khoa Chỉ huy chữa cháy, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy. Chàng trai đến từ Đà Nẵng tâm sự, những kết quả đạt được hôm nay là món quà bất ngờ, chứa đựng nhiều cảm xúc.

“Đạt danh hiệu thủ khoa và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng là những điều mà em chưa bao giờ ngờ tới”, Cường chia sẻ.

Thi đại học vào năm 2018 - năm mà đề thi được đánh giá là cực kì khó nhằn, điểm đầu vào lại cao, do đó, Cường cảm nhận những người bạn học quanh mình, tất cả đều xuất sắc và giỏi giang.

"Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, em chỉ có một suy nghĩ là cố gắng hết sức em trong tất cả mọi công việc, từ những mục tiêu cụ thể như được tham gia lớp học cảm tình Đảng, được kết nạp Đảng dự bị, rồi chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng đến phấn đấu tốt nghiệp bằng Giỏi ra trường…", Cường bày tỏ.

Chia sẻ về phương pháp học tập, tân thủ khoa cho rằng chính quá trình đảm nhiệm vai trò Trung đội phó phụ trách học tập (Lớp phó học tập) đã giúp bản thân rèn luyện kỹ năng học, tự học và tích lũy những kiến thức quan trọng.

Trong quá trình học tập, Cường là một học viên ưu tú, gương mẫu khi luôn tham gia sôi nổi trong các cuộc thi, phong trào học tập, nghiên cứu khoa học ở trường. Những nỗ lực, cố gắng trong học tập và rèn luyện của cậu học viên Nguyễn Chí Cường cũng đã được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận và trao thưởng (Chứng nhận Học viên tốt nghiệp xuất sắc, tiêu biểu trong Công an Nhân dân).

Hình ảnh Cường cùng đồng đội trong một lần chữa cháy thực tế. Ảnh: NVCC

Hình ảnh Cường cùng đồng đội trong một lần chữa cháy thực tế. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp ra trường, Cường về công tác tại quê hương Đà Nẵng. Tính đến nay đã hơn 10 tháng chính thức công tác tại đơn vị, Cường không nhớ em đã tham gia bao nhiêu vụ chữa cháy.

Từ học viên đến người lính cứu hỏa thực thụ, với Cường, đó là một bước ngoặt lớn cùng nhiều thử thách, giúp người lính trẻ từng bước trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Nhớ về những vụ cháy đầu tiên khi chính thức công tác tại đơn vị mới, chàng trai vẫn không quên cảm giác lo lắng, luống cuống tại thời điểm đó. Đến nay, Cường chia sẻ, em đã dần thích nghi được với công việc, nhưng vẫn cần học hỏi và trau dồi thêm rất nhiều.

“Ở trường, em được học tập kiến thức và thực hành khá nhiều, tuy nhiên đây chỉ là những kiến thức nền tảng cơ bản để học viên có cơ sở triển khai với từng loại hình riêng biệt khi thực chiến. Quá trình đi thực tập và chính thức trở thành lính cứu hỏa, chúng em phải đối mặt các tình huống thực tế với nhiều điểm khác biệt từ địa hình, phương tiện chữa cháy, tính chất các vụ cháy, hay các yếu tố bất ngờ chi phối khác,...”, Cường phân tích.

Bên cạnh đó, khi đã trở thành một người lính cứu hỏa chính thức, nhiệm vụ đảm nhận trên vai của Cường cũng nhiều và lớn hơn.

Từ người học viên được các giảng viên đảm bảo an toàn khi ở trường, đến những người lính “học việc” ngày thực tập, và bây giờ khi đã chính thức là lính cứu hỏa, Cường không chỉ phải bảo đảm an toàn cho bản thân mà còn cả đồng đội, tính mạng và tài sản người dân khi có cháy xảy ra.

“Lúc này không còn là thời điểm để em học tập nữa, mà bản thân phải thực chiến, phải làm thật. Ngày còn đi học, sai sót còn có thầy giáo nhắc nhở, nhưng hiện tại khi đã là người lính cứu hỏa, bản thân em không cho phép mình được mắc phải sai lầm vì một khi đã sai sẽ không thể quay đầu được”, chàng lính trẻ tâm sự.

Cường trong một lần đi tuyên truyền an toàn phòng cháy chữa cháy cho các hộ gia đình. Ảnh: NVCC

Cường trong một lần đi tuyên truyền an toàn phòng cháy chữa cháy cho các hộ gia đình. Ảnh: NVCC

Công việc cứu hỏa là một nghề với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy khi phải trực tiếp chiến đấu với những ngọn lửa, giành giật lấy ”cái còn trong cái mất”. Dẫu vậy, Cường vẫn kiên định lựa chọn theo nghề với mong muốn góp sức nhỏ vào công tác phòng cháy chữa cháy.

“Em sẽ chăm chỉ học hỏi thêm nhiều điều mới, trau dồi các kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực. Đồng thời, em cũng mong muốn truyền tải kiến thức về phòng cháy chữa cháy tới mọi người dân một cách gần gũi và có sức lan tỏa hơn. Giúp người dân hiểu và thực hành tốt, cố gắng phòng ngừa thấp nhất tình trạng cháy nổ xảy ra”, người lính trẻ Nguyễn Chí Cường bày tỏ.

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chang-trai-den-tu-da-nang-la-thu-khoa-truong-dai-hoc-phong-chay-chua-chay-post238653.gd