Chàng trai dùng miệng viết nhật ký, trở thành diễn giả truyền cảm hứng
Sinh ra là người khỏe mạnh nhưng do một tai nạn nên Phạm Sỹ Long đã bị liệt toàn thân. Anh đã cố gắng, nỗ lực vượt lên số phận trở thành diễn giả người truyền cảm hứng, viết truyện, thơ và nhật ký bằng miệng.
Trước đây Phạm Sỹ Long, SN 1988, quê ở Hà Tĩnh là một cậu thiếu niên hoạt bát và lanh lợi, thế nhưng vụ tai nạn xảy ra đúng vào ngày 2/9/2003 đã khiến cuộc đời cậu bé Hà Tĩnh thay đổi hoàn toàn. Long kể lại, hôm đó anh đi chăn bò, vì hiếu động nên đã trèo lên cây phi lao rồi không may bị ngã từ trên cắm đầu xuống. Cú ngã khiến răng anh bị gãy nhiều chỗ, giập hai đốt sống cổ và từ đó đến nay anh không thể cử động được nữa.
Sau vụ tai nạn, Long bị liệt và mất cảm giác từ vai xuống, dù tìm mọi cách điều trị nhưng không tiến triển. Từ viện trở về gia đình, Long dường như sợ mọi thứ xung quanh. Nhìn thấy màu trắng là Long gào thét, sợ hãi vì thời gian ở viện quá lâu, để rồi trong nhà có vật dụng gì màu trắng đều phải thay hết. Không chỉ có vậy, Long còn bị khủng hoảng tâm lý nặng nề, nhất là khi có người thay quần áo, vệ sinh bộ phận “nhạy cảm” cho mình. Bởi lẽ, dù chân tay Long liệt nhưng đầu anh vẫn rất tỉnh táo. Vì thế anh thấy xấu hổ, tủi nhục vô cùng mỗi khi được mọi người giúp đỡ vệ sinh.
Hay mỗi khi mọi người đi làm vắng nhà, anh luôn có cảm giác mình bị bỏ rơi và hầu như mỗi lần như vậy anh đều nổi điên lên. Khi mẹ về là anh trút lên đầu mẹ những lời mắng chửi, những hành động khiến cho mẹ bị tổn thương. Nhưng mẹ chưa từng oán trách anh, bởi mẹ hiểu được rằng trong anh đang đau đớn.
Những lúc đó, chàng trai này chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và những người thân yêu. Khi đó Long nghĩ rằng, nếu cứ sống như vậy thật là tội lỗi và bất hiếu khi làm khổ mẹ và những người xung quanh. Thế nhưng sự động viên của mọi người đã khiến tâm lý Long dần ổn định trở lại và nghĩ về tương lai.
Thấy mẹ vất vả, Long nghĩ không thể quay ngược lại quá khứ để thay đổi chuyện đã xảy ra nên anh đành chấp nhận và tự động viên, cố gắng vượt lên số phận. Anh bắt đầu ngậm bút và tập viết, thời gian đầu rất khó khăn nhưng với sự cố gắng, bền bỉ, Long đã viết được những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên. Sau này, Long còn học được đánh máy bằng miệng trên các thiết bị điện tử.
Hiện tại, bằng ý chí và sự nỗ lực, Long đã thành thạo trong việc viết chữ bằng miệng. Qua đó, anh cũng đã sáng tác 367 bài thơ, 6 truyện dài, 4 quyển sổ tự truyện. Trong đó, một tập thơ gồm 32 bài mang tên Miền Khát Vọng đã được xuất bản và tái bản 3 lần. Lần gần nhất là vào năm 2020. Ngoài ra, Long còn là tác giả của tập truyện dài mang tên “Không chỉ là giấc mơ”, do nhà xuất bản Nghệ An xuất bản năm 2020. Những quyển sách đã được nhiều người đón nhận, các em học sinh cấp 2, cấp 3 đã mua và lấy câu chuyện của anh để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Những tác phẩm của anh được nhận xét là không quá kỹ thuật, không quá văn vẻ, hoa mỹ. Nhưng tất cả đều rất đời, rất thực nên dễ chạm vào lòng độc giả.
Hiện tại, Long mong muốn làm tốt vai trò là diễn giả truyền cảm hứng cho những người có chung số phận như mình, để họ vượt qua định kiến, vượt qua khó khăn, hướng tới một tương lai tốt đẹp ở phía trước. Và để trở thành một diễn giả truyền cảm hứng như bây giờ, Long đã phải mất gần nửa năm vùi đầu vào học tập và rèn luyện. Sau đó, Long được mời đến các trường để truyền cảm hứng cho những em học sinh, đồng thời còn mở các khóa học online để chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng cảnh ngộ.
“Tôi mong muốn mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật như tôi hiểu rằng có thể cơ thể chúng tôi bị khiếm khuyết, chúng tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi và được gọi là "người yếu thế", nhưng mỗi người khuyết tật đều là một thiên tài, đều là một tấm gương truyền cảm hứng. Chỉ là họ có tự tin, có dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để có thể tìm thấy và phát huy khả năng thiên tài của mình hay không”, Long chia sẻ.