Chàng trai không chân mơ được như Nick Vujicic

Từ chàng trai lành lặn cao 1m70, bỗng một ngày Tô Đình Khánh phải mất đi đôi chân nhưng bây giờ từng ngày trôi qua của anh rất ý nghĩa.

Hai lần vượt cửa tử

Căn hộ chung cư rộng hơn 60 m2 của gia đình Tô Đình Khánh, 27 tuổi - chàng trai không chân ở đường Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP.HCM. Căn hộ này, gia đình anh thuê gần hai năm qua để ở và làm nơi chứa đồ cho Khánh bán hàng online.

Tô Đình Khánh trong một chuyến đi du lịch trước đây.

Tô Đình Khánh trong một chuyến đi du lịch trước đây.

Trước đây, Khánh là chàng thanh niên khỏe mạnh, cao 1m70, gương mặt điển trai. Ở tuổi 25, Khánh có bạn gái, nuôi giấc mơ mở shop thời trang thì căn bệnh quái ác làm anh phải cắt đi đôi chân.

Chuyện buồn của Khánh diễn ra vào ngày 23/4/2018. Trưa hôm đó, Khánh đang ngồi làm việc thì thấy các đầu ngón chân tê cứng, không di chuyển được, anh phải nhờ bạn gái và một người em đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám.

Sau khi chụp chiếu, làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, Khánh bị tắc mạch máu ở bụng, hai chân đã hoại tử đến đầu gối, phải phẫu thuật cắt. Tỷ lệ thành công của ca mổ là 50/50. Khánh nghe như sét đánh bên tai.

Trấn tĩnh lại, Khánh tự nhủ, đôi chân cắt đến đầu gối thì có thể mang chân giả được. Quan trọng, mình được sống. Anh gọi về cho bố mẹ ở quê báo tin mình sắp phẫu thuật.

Hai giờ sáng ngày 24/4/2018, vợ chồng ông Tô Thuyên, 60 tuổi đang ngủ thì có cuộc gọi của cậu con cả nói bố mẹ xuống Sài Gòn ngay. Hiểu ra câu chuyện, ông gọi vợ dậy, gấp quần áo để hai vợ chồng bắt chuyến xe đi trong đêm.

Không còn đôi chân nhưng Khánh luôn tự tin, yêu cơ thể hiện tại của mình.

Không còn đôi chân nhưng Khánh luôn tự tin, yêu cơ thể hiện tại của mình.

6 giờ sáng, Khánh vào phòng mổ. Ca mổ được được xem là thành công.

Hơn 5 giờ hậu phẫu, Khánh mới mở mắt. Nhìn khắp người mình toàn dây truyền, ống thở, hai tay đã bị cột vào thành giường, anh tự hỏi: “Mình có phải là Khánh không?”. Đang miên man suy nghĩ, tay anh chạm phải vết mổ ở chân. "Thấy đau nên tôi mới tin mình còn sống”, Khánh nói. Nhìn con trai, vợ chồng ông Thuyên rơm rớm nước mắt.

Một tuần sau, phần chân còn lại của Khánh bị hoại tử, buộc phải cắt đến khớp háng. Nghe bác sĩ nói, gia đình chuẩn bị tâm lý, vì ca phẫu thuật tỉ lệ thành công thấp, người bà Trần Thị Nhiên, 60 tuổi, mẹ Khánh lạnh toát, ngã gục xuống nền nhà.

Để chồng chăm con, bà về căn phòng Khánh thuê dọn hết đồ của con đưa vào bệnh viện. “Tôi chuẩn bị để lỡ con có chuyện gì xấu sẽ đưa thẳng về quê”, mắt bà Nhiên ngấn lệ nhớ lại.

Mục tiêu của Khánh là mở được một shop thời trang, viết sách, đi du lịch khắp nơi và làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Mục tiêu của Khánh là mở được một shop thời trang, viết sách, đi du lịch khắp nơi và làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Hôm Khánh vào phòng mổ lần hai, có hơn 20 người thân đến bệnh viện động viên, chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ đưa anh về quê. Trước khi đưa con vào phòng gây mê, bà Nhiên nắm tay Khánh nói: “Con gắng ra với mẹ nhé” rồi ngồi gục xuống ủ rũ.

Ngay lúc đó, Khánh tự nhủ, mình phải sống, không được chết. Để bố mẹ yên tâm, anh xin bác sĩ lấy điện thoại quay lại hình ảnh mình tươi cười gửi cho mẹ như muốn nói: “Bố mẹ ơi, con ổn”.

10 ngày sau mổ, Khánh mới tỉnh lại. Suốt hai tháng sau đó, sức khỏe anh yếu, ăn không được. “Không biết sao tôi có thể sống được nữa”, Khánh nói.

Hết thuốc giảm đau, Khánh đau nhưng luôn vui cười với bố mẹ. “Tui biết, nó đau lắm nhưng chịu đựng. Nó sợ bố mẹ buồn, lo thêm. Nhiều đêm, tôi nghe nó khóc mà đứt ruột”, người mẹ quê gốc Hà Tĩnh nhìn con trai rơm rớm nước mắt.

Ngày nào trôi qua cũng ý nghĩa

Sáu tháng sau, Khánh mới được xuất viện. Đôi chân đã cắt tận đến khớp háng, không thể làm chân giả được nữa, anh quyết định chia tay bạn gái, vì sợ bạn gái vất vả vì mình. “Giờ, tôi với cô ấy vẫn là bạn”, Khánh chia sẻ.

Về nhà, vết thương chưa lành, Khánh phải nằm một chỗ. Mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm rửa phải nhờ mẹ, anh khó chịu, tinh thần xuống dần. “Trước mắt tôi lúc đó, chỉ có bốn bức tường. Bố mẹ thì lo lắng, nhìn tôi đau là khóc. Gia đình tôi khi ấy ảm đạm vô cùng”, chàng trai quê Đắk Lắk nhớ lại.

Tết năm 2019, cả gia đình 4 người của ông Thuyên về nhà ở Đắk Lắk đón năm mới. Đêm giao thừa, những tràng pháo hoa bắn lên bầu trời, tạo cảnh tượng lung linh. Nhưng nhà Khánh lại đón cái Tết ảm đạm.

Nhìn bố mẹ khóc, mặt lúc nào cũng buồn hiu, Khánh quyết tâm tìm lại mình trước đây, luôn vui vẻ, sống có mục tiêu cho tương lai. “Nếu mình cứ buồn, bố mẹ cũng buồn theo thì cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa”, Khánh quả quyết.

Cuối năm 2019, Khánh gặp Nick Vujicic. Ảnh: NVCC.

Cuối năm 2019, Khánh gặp Nick Vujicic. Ảnh: NVCC.

Khánh mua chiếc xe lăn để đi ra ngoài, gặp gỡ bạn bè. Cuối năm 2019, nghe tin Nick Vujicic, người đàn ông Australia gốc Serbia - không tay, không chân nhưng làm được mọi việc như người bình thường sang Việt Nam, diễn thuyết ở một hội trường lớn quận Gò Vấp, Khánh tự bắt xe đến nghe.

“Nick nói với tôi: 'Cậu hãy tự tin lên, hãy thay tôi truyền động lực sống cho người khuyết tật ở Việt Nam'". Từ đó, Khánh lấy hình mẫu Nick làm động lực cho mình. Rồi anh chụp hình ảnh hiện tại, kèm câu chuyện của mình đăng lên trang cá nhân. Những lời động viên, khích lệ tinh thần của những người không quen biết giúp Khánh tự tin, hạnh phúc.

Hằng ngày, Khánh giúp mẹ nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa.

Hằng ngày, Khánh giúp mẹ nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa.

Khánh cũng tập di chuyển, nâng đỡ cơ thể bằng đôi tay. Ban đầu, anh co duỗi tay để các cơ hoạt động. Khi đôi tay cứng cáp, anh tự ngồi dậy, rồi dùng tay nâng cơ thể lên xuống xe lăn, ghế ngồi, bồn vệ sinh...“Lúc tôi tự nâng được cơ thể lên, cảm giác rất tuyệt vời”, giọng Khánh hạnh phúc.

Rồi Khánh tập hít đất (chống đẩy) cho cơ thể khỏe mạnh. “Khi mới tập, tôi chỉ đẩy được 6-7 cái. Bây giờ, mỗi ngày, tôi đẩy được 15-20 cái”, Khánh khoe. Anh cũng tập chơi bóng bàn, leo cầu thang để rèn luyện thể lực.

Rồi Khánh bắt đầu bán hàng online, lập kênh Youtube để chia sẻ về những biến cố, cách mình đã vượt qua khó khăn.

Chàng trai Tây Nguyên cho biết, kế hoạch hiện tại của anh là học tiếng Anh để có thể giao tiếp với nhiều người, đi du lịch khắp nơi bằng xe lăn, rồi viết sách từ chuyến đi.

“Với tôi bây giờ, từng ngày trôi qua rất ý nghĩa. Tôi chỉ mong, mình sẽ làm được những điều như Nick đã làm", Khánh nói.

Tú Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/chang-trai-khong-chan-mo-duoc-nhu-nick-vujicic-662119.html