Chàng trai không dám về nhà khi tham gia đội cấp cứu F0 tại TP.HCM

Nhờ nắm rõ địa bàn, Hữu Phương chịu trách nhiệm chở bác sĩ tới nhà F0. Nhiệm vụ của cậu không chia ca, luôn phải túc trực 24/24, bất cứ lúc nào có cuộc gọi là lên đường.

Nhận tin báo từ bộ phận online về trường hợp một F0 diễn tiến nặng, Nguyễn Hữu Phương (sinh năm 1996) lập tức mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị vật tư y tế và chở y bác sĩ đến tận nhà người bệnh để cấp cứu.

Trạm y tế lưu động quận Tân Phú (TP.HCM) được thành lập từ ngày 26/8, có nhiệm vụ thăm khám, cấp cứu cho những F0 triệu chứng nặng trên địa bàn. Đó cũng là thời điểm Phương làm tình nguyện viên tại đây, hỗ trợ công việc cho các bác sĩ và lực lượng quân y có chuyên môn.

Cấp cứu

Chia sẻ với Zing, Phương cho biết trong ngày đầu nhận nhiệm vụ, cậu được phân công sắp xếp máy móc, thuốc và các vật tư để trạm có thể đi vào hoạt động.

Những ngày sau, Phương trợ giúp y bác sĩ thăm khám những ca dương tính được phát hiện thông qua xét nghiệm cộng đồng, đồng thời gửi giấy cam kết cho F0 về việc tự cách ly tại nhà và gửi tặng thuốc điều trị triệu chứng từ trung tâm y tế đến F0.

 Phương cùng lực lượng quân y cấp cứu cho một gia đình có F0.

Phương cùng lực lượng quân y cấp cứu cho một gia đình có F0.

Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của cậu chính là cùng y bác sĩ cấp cứu cho những bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn quận Tân Phú gặp sự cố khẩn cấp.

Theo đó, Trạm y tế lưu động có đội tình nguyện viên online tiếp nhận cuộc gọi, tin nhắn từ F0 hoặc gia đình F0. Khi được báo về tình huống cần cứu trợ, Phương và các tình nguyện viên khác chủ động chia nhau chở bác sĩ đến từng nhà người bệnh.

"Thời gian đầu, trạm gặp một số khó khăn do thiếu vật tư. Tuy nhiên đến hiện tại, trạm đã hoạt động tốt và chúng mình ngày càng cố gắng để hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể.

Mỗi ngày, riêng cá nhân mình hỗ trợ y bác sĩ cấp cứu, khám chữa cho khoảng 5-6 F0", Phương chia sẻ.

Những ca cấp cứu thường diễn ra vào buổi tối, đêm.

Những ca cấp cứu thường diễn ra vào buổi tối, đêm.

Theo Phương, do nắm rõ đường đi lối lại trên địa bàn, cậu có thể chở y bác sĩ di chuyển rất nhanh chóng. Nhiệm vụ của cậu không chia ca cố định mà luôn phải túc trực 24/24, bất cứ lúc nào có cuộc gọi là lên đường.

Phương kể về một tình huống mà cậu ghi nhớ nhất sau những ngày tham gia cấp cứu F0, đó là vào đêm 30/8, cậu cùng bác sĩ đến nhà một nữ bệnh nhân Covid-19 đã cao tuổi và có nhiều bệnh nền.

Gia đình cô chỉ có 2 người, cô sức khỏe rất yếu nhưng vẫn gắng sức chăm sóc cho người mẹ già 90 tuổi và cũng dương tính SARS-CoV-2. Cô chỉ có thể gọi điện đến trạm rồi nằm gục.

Khi Phương và bác sĩ đến nơi để đo khí thở, nhịp tim và huyết áp, cô rơi tình trạng bất tỉnh và không còn ý thức. Bác sĩ đã phải gấp rút liên hệ xe cấp cứu, chuyển bệnh nhân vào bệnh viện.

"Lúc này trong gian nhà chật hẹp chỉ còn mỗi cụ bà mà thôi. Cụ khóc rất nhiều. Thấy khoảnh khắc đó, mình rất thương họ mà không thể làm gì hơn", Phương tâm sự.

Không sợ hãi

Phương cho biết lúc đầu khi đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch, cậu dự định xin vào đội hình trực chốt hoặc phun khử khuẩn. Cậu khá lo ngại nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu F0 vì cho rằng có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn, có thể tử vong nếu không được giúp đỡ kịp thời, Phương đã thay đổi quyết định.

"Từ ngày nhận nhiệm vụ, mình đã không còn sợ hãi, xác định có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Mình ở lại trạm hoàn toàn để đảm bảo công việc, không dám về nhà vì sợ ảnh hưởng gia đình.

Mình và bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ hoàn toàn trong thời gian tiếp xúc F0, đồng thời xịt khuẩn toàn cơ thể sau khi hoàn thành công việc. Tuy vậy mình không thể đảm bảo được bản thân an toàn 100% trong quá trình làm việc", Phương nói.

 Phương tham gia hoạt động tặng thuốc cho những F0 trên địa bàn quận Tân Phú.

Phương tham gia hoạt động tặng thuốc cho những F0 trên địa bàn quận Tân Phú.

Sau thời gian trực tiếp tham gia cấp cứu người bệnh Covid-19, Phương cho rằng các F0 hoặc gia đình có F0 cần nghe lời hướng dẫn và uống thuốc theo lời khuyên và chỉ định từ bác sĩ. Điều này giúp người bệnh giảm nguy cơ chuyển nặng cũng như hạn chế tình trạng tử vong.

Ngoài ra, cũng theo Phương, dù cách ly tại nhà hay cách ly tập trung, các F0 vẫn nên đeo khẩu trang hoàn toàn khi tiếp xúc người khác, đồng thời dành 10- 20 phút mỗi ngày để tập thể dục, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19

Đội ngũ y tế của các trạm y tế lưu động tại TP.HCM sẽ theo dõi sức khỏe cho các F0 hằng ngày, giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong. Với những trường hợp F0 điều trị tại nhà có diễn tiến trở nặng, nhân viên của trạm y tế lưu động có thể cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển F0 lên các tuyến trên.

Ngoài ra, trạm y tế lưu động có các chức năng triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng; kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện; phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chang-trai-khong-dam-ve-nha-khi-tham-gia-doi-cap-cuu-f0-tai-tphcm-post1257814.html