Chàng trai Kon Tum với khát khao phát triển bộ môn dù lượn ở quê hương

Mỗi chúng ta ai cũng từng có rất nhiều những ước mơ và hoài bão nhưng vì cuộc sống mà đành bỏ ngõ đâu đó; tuy nhiên, khi đến lúc thích hợp, hội tụ các yếu tố cần và đủ thì ước mơ ấp ủ bấy lâu sẽ lại được thực hiện. Câu chuyện của anh Trần Thanh Hiếu ở huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum quyết tâm thực hiện ước mơ bay lượn trên bầu trời cũng như thế.

Anh Hiếu đang chuẩn bị cho chuyến bay.

Anh Hiếu đang chuẩn bị cho chuyến bay.

Anh Trần Thanh Hiếu, sinh năm 1987, lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ, có ba anh chị em tại xã Đăk Rơ Ông, một xã vùng sâu nằm ở phía Tây của huyện Tu Mơ Rông với đường sá đi lại khó khăn, trắc trở.

Tuổi thơ của anh Trần Thanh Hiếu, gắn liền với sông suối, núi đồi, nương rẫy và những đứa trẻ người Xơ Đăng bản địa cùng trang lứa. Anh Hiếu ước mơ một ngày nào đó có thể bay lượn như những chú chim trên bầu trời để được thỏa thích ngắm nhìn vẻ đẹp của quê hương từ trên cao.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Hiếu theo học nghề điện tử ở Quy Nhơn mà không thi vào đại học hay cao đẳng. Trải qua nhiều năm làm việc, tích góp kinh nghiệm tại Nha Trang, Đà Lạt, TPHCM, Hiếu quay về Đăk Tô mở cửa hàng điện máy, lập gia đình và ổn định cuộc sống tại đây.

Anh thực hiện chuyến bay trên Chư Tan Kra – xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.

Anh thực hiện chuyến bay trên Chư Tan Kra – xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.

Năm 2019, tình cờ thấy tivi chiếu cảnh bay dù lượn ở Việt Nam, ước mơ trở thành phi công bay lượn từ bấy lâu của anh Hiếu lại trỗi dậy. Ngay lập tức, anh Hiếu lên mạng tìm hiểu về điều kiện để chơi môn này và nơi đào tạo ở trong nước. Sau khi thấy phù hợp, anh đã mua sắm thiết bị bay và lao vào tập luyện, tìm hiểu các kiến thức về khí động học, về thời tiết, khí hậu, địa hình… để thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ thời niên thiếu.

Cứ mỗi khi sắp xếp được thời gian, anh Hiếu vác dù đi khắp nơi tập luyện và học hỏi kinh nghiệm từ những người chơi trước để trau dồi kiến thức thực tế, hoàn thiện kỹ năng, xử lý tình huống khi bay.

Anh thực hiện chuyến bay tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.

Anh thực hiện chuyến bay tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.

“Với đam mê được ngắm nhìn quê hương từ trên cao, tôi từng mua flycam (thiết bị bay không người lái) để quan sát, chụp ảnh nhưng khi được bay trên bầu trời, cảm giác thật sự rất khác, không một từ nào có thể diễn tả hết được nhất là những chuyến bay đầu tiên”, anh Hiêu nói.

Cảm giác lâng lâng, sung sướng trong khoảnh khắc cơ thể mình được nhấc lên cao, tầm nhìn mở rộng bao la về tứ phía, thấy rõ những ngôi làng, sông suối, núi đồi từ trên cao như những chú chim thực thụ. Xen lẫn cảm giác đó là sự rùng mình, sợ hãi, cố gắng làm chủ bản thân khi những cơn gió vít qua, toàn bộ cơ thể đong đưa như muốn văng ra ngoài không gian vô tận. Và rồi anh cũng quen dần qua thời gian, khi kinh nghiệm bay nhiều hơn, kiểm soát cánh dù tốt hơn, anh Hiếu tâm sự.

Những đứa trẻ ở Rờ Kơi, huyện Sa Thầy hiếu kỳ ra xem anh chuẩn bị cho chuyến bay.

Những đứa trẻ ở Rờ Kơi, huyện Sa Thầy hiếu kỳ ra xem anh chuẩn bị cho chuyến bay.

Chia sẻ về việc cân bằng công việc và thỏa mãn đam mê, anh Hiếu nói lúc đầu vì quá đam mê nên bỏ bê công việc và dành thời gian tập luyện hơi nhiều. Nhận thấy điều đó về lâu dài sẽ không tốt cho công việc kinh doanh, duy trì thu nhập cho gia đình nên về sau anh thường sắp xếp công việc ổn thỏa xong mới đi bay. May mắn là vợ anh rất đồng cảm với đam mê của chồng cũng như sẵn sàng đảm đang mọi công việc khi anh không ở nhà.

Nhiều khi việc kinh doanh liên tục phải đi xa hoặc ở lại công trình, anh Hiếu đành gác lại đam mê. Hôm nào xong việc sớm, lại vác dù ra bãi đất nào trống, rộng rãi để tập các kỹ thuật mặt đất như dựng dù, giữ thăng bằng, các kỹ thuật cất cánh để không bị lãng quên. Nói chung tất cả mọi việc phải linh hoạt, tự sắp xếp cho hài hòa để dành thời gian tập luyện.

Nói về rủi ro và sự mạo hiểm của bộ môn này, anh Hiếu chia sẻ “Rủi ro thì môn nào cũng có, nếu đem ra so sánh thì môn dù lượn có độ an toàn rất cao và có những quy tắc an toàn khắt khe nên giảm thiểu được phần lớn rủi ro”.

Đây là môn bay độc lập, cất cánh từ những đỉnh đồi và hoạt động hoàn toàn trên cao nên thường được xếp vào loại hình thể thao mạo hiểm, đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe, can đảm, vượt qua những trở ngại tâm lý. Còn rủi ro xảy ra thường đến từ những nguyên nhân như người chơi chủ quan, chưa nắm chắc kỹ thuật mà đã bay, khi bay tinh thần không được tốt và chưa có kinh nghiệm xử lý sự cố. “Vì vậy, tôi đã giành thời gian tìm hiểu học hỏi rất nhiều về lý thuyết lẫn thực hành bộ môn này và cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng mọi tình huống trước khi cất cánh”, anh Hiếu nói.

Đã bay nhiều nơi trên cả nước như Sơn Trà (Đà Nẵng), Đồi Bù (Vĩnh Phúc), Tam Đường (Lai Châu), Khánh Vĩnh (Nha Trang), Tà Đùng (Đăk Nông)… và tại một số điểm ở Kon Tum, đặc biệt là Sa Thầy, anh Hiếu cho rằng Kon Tum rất phù hợp để phát triển bộ môn dù lượn do địa hình có nhiều đồi núi cao, thung lũng rộng, chênh lệch cao độ lớn thuận tiện cho việc cất, hạ cánh; mùa khô kéo dài 6 tháng và ngược với mùa bay ở các khu vực khác nên dễ thu hút những người đam mê bộ môn này kéo về đây bay lượn. Đặc biệt, vùng Sa Thầy hoàn toàn có đủ điều kiện để tổ chức các giải đấu lớn, kể cả các giải quốc tế.

Được ngắm nhìn những ngôi nhà của xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy trong một chuyến bay.

Được ngắm nhìn những ngôi nhà của xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy trong một chuyến bay.

Bên cạnh đó, các địa phương khác như thành phố Kon Tum, Măng Đen (Kon Plông) cũng rất phù hợp để phát triển bộ môn dù lượn và dù lượn có động cơ, góp phần thu hút khách du lịch và quảng bá du lịch của Kon Tum ra bạn bè quốc tế.

“Ở Kon Tum hiện nay có ba vận động viên đã học tập bài bản và chơi bộ môn này, trong đó có tôi. Mong rằng với điều kiện tuyệt vời để bay lượn như Kon Tum, thời gian tới sẽ có nhiều người yêu thích và tham gia cùng chúng tôi”, anh Hiếu bày tỏ.

Về việc phát triển loại hình dù bay và dù bay có động cơ ở Kon Tum, anh Hiếu cho rằng rất cần các cấp chính quyền tạo điều kiện cho các thành viên bay khảo sát để phát triển thêm nhiều điểm bay mới, điểm nào phù hợp để sẽ xin cấp phép bay theo quy định, tiến tới thành lập các pháp nhân, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, an toàn bay phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế.

“Sau này còn có thể liên kết, phát triển Kon Tum thành một trong những trung tâm đào tạo phi công dù lượn cho những người đam mê trong và ngoài nươc cũng như bay dịch vụ cho những ai thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp Kon Tum từ trên cao”, anh nói thêm.

Nguyễn Ban

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/chang-trai-kon-tum-voi-khat-khao-phat-trien-bo-mon-du-luon-o-que-huong/