Chàng trai mắc bệnh lậu ở mắt vì 'yêu' bạn gái quen qua mạng

Có dấu hiệu cộm mắt, đỏ mắt và sưng nề, tiết dịch mủ ở mắt, chàng trai trẻ nghĩ mình bị đau mắt nên đến chuyên khoa mắt để kiểm tra. Kết quả thật bất ngờ khi bác sỹ nhãn khoa chuyển sang BV Da liễu để tầm soát bệnh... lây qua đường tình dục.

Hình ảnh nhuộm Gram thấy nhiều song cầu Gram (-) hình hạt cafe trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính

Hình ảnh nhuộm Gram thấy nhiều song cầu Gram (-) hình hạt cafe trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính

Theo đó, trước khi xuất hiện các dấu hiệu nói trên, chàng trai tên P đã quan hệ tình dục với bạn gái quen qua mạng xã hội, có dùng bao cao su. 10 ngày tiếp theo tình trạng khó chịu ở mắt bắt đầu xuất hiện. Ban đầu là mắt phải xuất hiện tình trạng đỏ, kèm cộm khi chớp. Ngày sau, mắt phải sưng nề nhanh chóng, phù mi và hốc mắt, hạn chế mở mắt kèm tăng tiết dịch mủ vàng xanh liên tục, số lượng nhiều.

Do đau rát nhiều nên P đi khám tại phòng khám tư, được chẩn đoán viêm kết mạc mắt điều trị thuốc uống, thuốc nhỏ mắt không rõ loại. Nhưng dù đã nhỏ thuốc 7 ngày mà tổn thương không thuyên giảm nên chàng trai này đến khám tại BV Mắt Trung uơng. Tại đây, bác sỹ nhãn khoa đã chỉ định bệnh nhân theo dõi tình trạng lậu mắt, chuyển đến BV Da liễu Trung ương.

BS. Nguyễn Thị Kim Cúc, khoa Điều trị bệnh da nam giới-BV Da liễu Trung ương (người trực tiếp trị cho bệnh nhân) cho biết: Tại thời điểm đến khám bệnh nhân tỉnh, toàn trạng ổn định; không sốt, nhiệt độ 36.5 độ C. Mắt phải sưng nề mi mắt và hốc mắt, chảy dịch mủ vàng xanh liên tục số lượng nhiều; giác mạc mắt phải đục, kết mạc mắt phải đỏ, cương tụ. Người bệnh đau rát nhiều, khó mở mắt phải, nhìn mờ, không phát hiện tổn thương tại vị trí niêm mạc họng-miệng và sinh dục.

Kết quả xét nghiệm vi khuẩn soi tươi dịch mủ mắt cho thấy nhiều song cầu Gram (-) hình hạt cafe (vi khuẩn lậu cầu) trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính. Khám mắt: Loét giác mạc, đáy mỏng, dọa thủng, có nhiều mủ tiền phòng.

Bệnh nhân đã được nhập viện điều trị bằng kháng sinh Rocephin và Azithromycin kết hợp chăm sóc tích cực tại chỗ. Sau 1 ngày bệnh nhân đáp ứng tốt, mắt phải bớt sưng nề và giảm chảy dịch mủ rõ rệt.

Theo BS. Kim Cúc, vi khuẩn lậu là cầu khuẩn Gram (-) hình hạt đậu, chúng gây bệnh tại các vị trí niêm mạc như niệu đạo, âm đạo, cổ tử cung trực tràng, họng-miệng, bao hoạt dịch và mắt. Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, dao động từ 2-5 ngày. Bệnh có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng, đây chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.

Con đường dẫn đến bệnh lậu ở mắt ngoài việc truyền từ bà mẹ mang thai sang trẻ trong quá trình sinh nở thì lậu mắt ở người lớn lây truyền chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch cơ thể có chứa vi khuẩn lậu.

Hình ảnh mắt bệnh nhân phù nề mi mắt, hốc mắt, kết mạc sưng nề, sung huyết, nhiều mủ trắng, giác mạc đục do nhiễm bệnh lậu (ảnh BVCC)

Hình ảnh mắt bệnh nhân phù nề mi mắt, hốc mắt, kết mạc sưng nề, sung huyết, nhiều mủ trắng, giác mạc đục do nhiễm bệnh lậu (ảnh BVCC)

Bệnh nhân có thể bị lậu mắt khi người bị bệnh xuất tinh hoặc đi tiểu vào hoặc xung quanh mắt bạn tình; bị nhiễm bệnh lậu ở những cơ quan khác và lây lan sang mắt; khi tay chạm vào mắt sau khi tiếp xúc với nước tiểu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm bệnh; dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt làm cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt.

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 2-5 ngày sau nhiễm, một số trường hợp có thể xuất hiện sớm sau 1 ngày hoặc muộn tới 14 ngày với các biểu hiện: Mắt đỏ, sung huyết; sưng nề mi mắt và tổ chức quanh mắt; khó mở mắt; chảy dịch mủ trắng, vàng hoặc xanh lá cây số lượng nhiều, liên tục tạo thành một lớp vảy trên mắt; đau, rát nhiều; giảm độ nhạy cảm với ánh sáng.

Ngoài ra, với nhóm đối tượng người lớn có quan hệ tình dục, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ở cơ quan khác ngoài mắt.

Bệnh lậu diễn tiến cấp tính, rầm rộ, tuy nhiên lậu mắt ở người trưởng thành tương đối hiếm gặp, do đó việc bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho bệnh nhân như viêm và tổn thương giác mạc, bao gồm sẹo và loét; mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.

Do vậy, trong bệnh lậu mắt, thời gian là vô cùng quan trọng, việc phát hiện chẩn đoán càng sớm càng tốt, giúp giảm thiểu các nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân. Chẩn đoán lậu mắt ngoài các biểu hiện lâm sàng đặc trưng có thể kết hợp thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

"Trường hợp bệnh nhân nam giới trẻ tuổi đến với chúng tôi đã được chẩn đoán xác định là tình trạng nhiễm lậu mắt, tương đối hiếm gặp với tổn thương cơ quan duy nhất là mắt phải, không có biểu hiện của lậu ở cơ quan sinh dục và vị trí niêm mạc khác. Chính vì hình ảnh lâm sàng đặc biệt nên bệnh nhân đã bị bỏ sót chẩn đoán ở giai đoạn sớm khiến bệnh cảnh kéo dài đến 10 ngày. Khi đến với bệnh viện, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn và bắt đầu xuất hiện các biến chứng do lậu ở mắt nguy cơ dọa thủng giác mạc. Mặc dù vậy bệnh nhân đã được điều trị tích cực, kịp thời để giảm thiểu tối đa biến chứng nặng nề hơn", BS. Kim Cúc chia sẻ.

Từ trường hợp trên, BS. Kim Cúc khuyến cáo, để hạn chế được tình trạng lậu nói chung và lậu mắt nói riêng mọi người cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách rửa tay sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, sử dụng xà phòng nhẹ và nước để để tránh lây nhiễm vi khuẩn lậu ở mắt.

Trong khi quan hệ tình dục, cố gắng để tinh dịch hoặc nước tiểu tránh xa mặt. Nếu bị dính tinh dịch hoặc nước tiểu vào mắt và không chắc chắn về tình trạng bạn tình có bệnh lây qua đường tình dục hay không hãy rửa thật sạch bằng nước muối 0.9% để loại bỏ vi khuẩn ngay lập tức.

Đồng thời, kiểm tra sức khỏe sinh sản mỗi năm một lần hoặc bất cứ khi nào có một mối quan hệ mới là một cách để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lậu ở mắt và các nơi khác.

Chưa đầy 2 tuổi đã mắc “bệnh xã hội”

Trẻ em cũng mắc bệnh "xã hội"!

Cảnh báo trẻ vị thành niên mắc bệnh xã hội

'Yêu' bạn gái mới quen qua mạng, nam thanh niên mắc 'bệnh xã hội'

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chang-trai-mac-benh-lau-o-mat-vi-yeu-ban-gai-quen-qua-mang-304076.html