Chàng trai nặng lòng với văn hóa M'nông
Mặc dù là dân tộc Kinh nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk) – nơi có những buôn làng người M'nông bản địa sinh sống lâu đời nên có niềm đam mê đặc biệt với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.
Từ nhỏ, khi nhìn thấy những người M'nông mưu sinh trên cánh đồng cạnh hồ Lắk cùng vật dụng đặc trưng riêng, anh Hiếu đã tỏ ra thích thú. Sau này, khi lớn lên, anh Hiếu làm thêm công việc buôn bán nên có cơ hội thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ và đến từng nhà trong buôn, làng của người M’nông. Những lần ấy, hễ thấy đồ dùng, vật dụng nào đặc trưng của người dân không dùng đến, anh đều ngỏ ý mua lại.
Theo anh Hiếu, những người trẻ trong buôn bây giờ rất ít người sử dụng dụng cụ, vật dụng xưa để làm việc. Bởi vậy, những vật dụng truyền từ đời trước dần bị lãng quên nơi góc bếp, góc vườn. Nghĩ đến tương lai nếu không được lưu giữ thì sẽ dần mai một đi nét đẹp văn hóa truyền thống nên anh rất đam mê với việc sưu tầm những vật dụng của người M'nông.
Cứ thế, mỗi lần vào buôn, anh thường bỏ tiền ra để mua lại những vật dụng mà người M’nông nơi đây không dùng đến. Sau thời gian dài, nhà của anh chất đầy vật dụng từ nia, chóe, cuốc, xẻng, bầu khô… Những thứ đơn sơ, bình dị ấy được anh coi là “báu vật” nên anh tìm mua gỗ dựng nhà sàn trên mảnh đất nhỏ của gia đình tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn) để có nơi cất giữ và tái hiện lại không gian sinh hoạt, đời sống mang đậm bản sắc người M’nông. Ban đầu, anh chỉ định thiết kế ra để cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi rủ người thân, bạn bè cùng đến thư giãn. Dần dà, được nhiều người yêu thích nên anh đã nảy ra ý tưởng làm dịch vụ kinh doanh từ không gian này để vừa có thêm kinh phí duy trì việc bảo tồn, vừa làm “cầu nối” cho người dân và du khách khám phá văn hóa truyền thống người bản địa.
Nghĩ là làm, tháng 8/2023, anh đầu tư chi phí sửa sang, trang trí lại không gian và xây dựng thêm công trình phụ để đón du khách. Không gian này được anh đặt tên là Vườn Nhà Út. Được nằm giữa lòng thị trấn, xung quanh bao bọc bởi cánh đồng lúa càng tô thêm vẻ đẹp cho không gian văn hóa này. Khách hàng đến với Vườn Nhà Út không chỉ được "check in", khám phá văn hóa của người bản địa mà còn được thưởng thức những món ăn chế biến theo kiểu truyền thống người M'nông như: gỏi cà đắng, canh rau rừng lá bép, gà nướng cơm lam, lẩu chả cá thát lát, cá lóc nướng…
Mặc dù mới hoạt động hơn một năm nhưng mỗi tuần, Vườn Nhà Út đón 2 đoàn khách từ 20 - 30 người tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ ăn uống. Khách hàng đến đây có thể thuê vườn nguyên ngày với giá 300.000 đồng/lượt để tự nấu nướng trong bếp của người M'nông hoặc đặt món ăn trước.
Anh Hiếu trải lòng: "Có lẽ, đến nay điều tôi tự tin nhất về bản thân là tình yêu dành cho văn hóa truyền thống, nó đủ lớn để trở thành động lực để tiếp tục những dự án nhỏ của mình. Đối với tôi, khi gìn giữ nét đẹp, sản phẩm văn hóa truyền thống chính là “hồi sinh” những giá trị thẩm mỹ đã mai một. Đó cũng là những yếu tố mà tôi muốn gửi gắm, lan tỏa đến người dân, du khách khi đến với Vườn Nhà Út".
Thời gian tới, anh dự định sẽ hỗ trợ, kêu gọi những người cùng đam mê tại địa phương cùng phục dựng lại những căn nhà sàn của người M’nông. Đồng thời, sưu tầm thêm vật dụng văn hóa truyền thống của họ, hướng tới xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng tại địa phương.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chang-trai-nang-long-voi-van-hoa-mnong-post307210.html