Chàng trai nghèo gây sửng sốt làng cử tạ thế giới
Năm ngoái, từ tấm vé vớt may mắn, lực sĩ vô danh Ngô Sơn Đỉnh đã gây sửng sốt làng cử tạ thế giới với tấm HCV Olympic Trẻ trên đất Argentina.
Chỉ sau đúng 4 năm ăn tập, chàng trai 18 tuổi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng quê biển Tiền Giang đã thực sự tạo nên một cuộc chinh phục đỉnh cao thần tốc và ngoạn mục như chuyện cổ tích.
Nỗ lực vượt quá tưởng tượng
Từng trải qua hàng trăm cuộc đấu quốc tế lớn nhỏ dẫn quân tranh tài, song như thừa nhận của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Hành trình bước lên ngôi cao nhất Olympic Trẻ 2018 của Ngô Sơn Đỉnh là một trường hợp “độc nhất vô nhị”, vượt khỏi mọi khả năng tính toán, dự báo hay tưởng tượng của giới chuyên môn.
Kết thúc vòng loại, Đỉnh không có suất đến Argentina. Phải đến sát ngày tranh tài, cử tạ Việt Nam mà Đỉnh đã tham gia thi đấu lại được trao vé bởi một số đoàn bị Liên đoàn Cử tạ Quốc tế cấm thi đấu do dùng doping. Càng may mắn hơn, đô cử sinh năm 2001 vừa đủ tuổi để tham dự. So với các đồng đội khác của đoàn TTVN được đầu tư cao độ và có đủ quỹ thời gian chuẩn bị, Đỉnh thua thiệt đủ đường. Cậu lên tuyển khi vẫn đang tập luyện với các điều kiện hạn chế tại Cần Thơ và chỉ có đúng một tháng để chuẩn bị cho Olympic Trẻ 2018.
Tuy nhiên, ở cuộc đấu hạng 56 kg nam, cậu đã khiến tất cả phải kinh ngạc trong sự thán phục với một màn trình diễn hoàn hảo, hội tụ đỉnh cao của tài năng, ý chí và khát vọng để giành tấm HCV. Chung cuộc, Đỉnh vươn tới tổng cử 262 kg, bỏ xa ứng viên người Thái Lan Natthawat đứng thứ hai tới 23 kg. Điều đặc biệt, nhà vô địch Olympic Trẻ này đã có hiệu suất thi đấu 100% khi giật và đẩy thành công cả 6 lần mà vẫn chưa bung hết sức. 262 kg là thông số vượt xa mức 256 kg từng giúp đàn anh Thạch Kim Tuấn đăng quang ở kỳ Đại hội cách đây 4 năm.
Kỳ tích của chàng trai Tiền Giang đã khiến ông Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ Thế giới xuống tận sân để chúc mừng. Sáng hôm sau, bản tin Đại hội căng ảnh cùng thông tin nhà vô địch “gây sửng sốt” đến từ Việt Nam trên trang nhất.
4 năm từ vùng quê biển nghèo bước ra thế giới
Rất khó tin, trước khi bước lên ngôi cao nhất tại Olympic Trẻ, Đỉnh mới ăn tập được đúng 4 năm. Thời gian này quá ngắn so với quy trình và sự khắc nghiệt của chuẩn quốc tế môn cử tạ. Càng đáng nói hơn, vì đô cử này được phát hiện từ Tiền Giang, một địa phương mới chỉ gây dựng môn cử tạ được đúng 7 năm, nơi mà Đỉnh chính là đô cử lứa đầu.
Mặt trái nghiệt ngã của tấm HCV
Tấm HCV tại Olympic Trẻ đã mang tới cho Ngô Sơn Đỉnh một bước ngoặt trong sự nghiệp, cũng như cuộc sống. Thế nhưng, chính nó cũng đang khiến anh phải trả giá, với một chấn thương khớp vai, do quá gồng mình gắng sức trong chuẩn bị và tranh tài. Dù đã được tích cực điều trị song chấn thương của Đỉnh tái phát nặng khi tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, khiến anh phải bỏ cuộc. Cũng kể từ đó, Đỉnh đã phải nghỉ tập luyện, để tập trung chữa trị hồi phục. Đến thời điểm này, khả năng Đỉnh có thể kịp trở lại để dự tranh SEA Games 2019 hay không vẫn còn để ngỏ. Theo dự báo của giới chuyên môn, nếu kịp cũng khó đạt được tình trạng thể lực, phong độ vốn có.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo ở vùng quê biển, cậu bé Đỉnh đen nhẻm chẳng có ước mơ gì ngoài suy nghĩ lớn lên sẽ đi biển đánh cá giống như cha mình, hay phụ nghề buôn bán nhỏ cho mẹ. Ngã rẽ cuộc đời đã đến với anh chàng một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Năm 13 tuổi, trong một lần các thầy cô của đội cử tạ Tiền Giang về trường tuyển quân, Đỉnh cũng dự tuyển cho vui rồi được chuyên gia người Trung Quốc chấm ngay. Ở thời điểm đó, Đỉnh chưa từng biết đến quả tạ nhưng nghe nói theo thể thao được bao cấp ăn ở, học hành nên đồng ý theo ngay. Chỉ có điều, lúc đầu bố mẹ Đỉnh phản đối quyết liệt một phần vì không muốn con đi xa, phần nữa bởi cũng chẳng hình dung con trai mình có thể “nên cơm cháo gì” với món tạ lạ hoắc. Các HLV phải cất công mấy lần về tận nhà thuyết phục, Đỉnh mới được bố mẹ “giao” hẳn cho ngành thể thao.
Không có vốn liếng gì, song Đỉnh dường như sinh ra để dành cho cử tạ. Từ thể hình, sức mạnh, sức bền, khả năng thích ứng đều đạt mức hơn người. Đỉnh chỉ mất một thời gian ngắn để “làm chủ” những kỹ năng nâng giật cơ bản và đáp ứng cực tốt cường độ tập luyện cùng mức tạ ngày càng cao.
Sự thăng tiến của Đỉnh nhanh tới mức, chính các HLV cũng phải kinh ngạc. Đó là nguyên do khiến thể thao Tiền Giang dù rất khó khăn vẫn quyết định tự bỏ tiền để tài năng trẻ này dự giải Cử tạ trẻ châu Á 2017. Để rồi gương mặt duy nhất không thuộc Đội tuyển trẻ quốc gia ấy đã bất ngờ đoạt một HCB, hai HCĐ trong sự sửng sốt của các nhà quản lý huấn luyện cùng các đô cử Việt Nam. Ngay lập tức, Đỉnh được đặc cách gọi vào Đội tuyển trẻ quốc gia tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ. Trong một môi trường mới tốt hơn ở địa phương về mọi mặt, Đỉnh với quyết tâm và động lực cao nhất, đã liên tục đột phá về cả kỹ thuật, thông số, mà thành quả nâng lên rõ rệt qua từng tháng, thậm chí từng tuần.
Tiền thưởng để sửa nhà, sắm tivi
Và 4 năm lớn như thổi của Ngô Sơn Đỉnh đã được kết đọng ở 6 tháng kỳ diệu vừa qua, khi tài năng trẻ này liên tiếp gặt hái những chiến tích tuyệt vời ở tầm châu lục và thế giới. Nó được khởi đầu từ tháng 4 năm nay khi Đỉnh đoạt ba HCV giải Cử tạ trẻ châu Á, rồi hai tháng sau đó là 2 HCĐ giải Cử tạ trẻ thế giới. Để rồi khép lại trọn vẹn với ngôi đầu Olympic Trẻ vào tháng 10 trên đất Argentina.
Những chiến tích quốc tế xuất sắc ấy chẳng những nâng Đỉnh lên tầm thế giới mà còn mang lại một khoản tiền thưởng mà trước đó không xuất hiện ngay cả trong mơ của đô cử con nhà nghèo này: Gần 500 triệu đồng. Đó cũng là một món quà, một thành quả khó tin mà cậu con trai hiếu thảo ít nói dành tặng cho gia đình, nơi bố mẹ làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ ăn. Nhờ thế, lần đầu tiên, họ mới có thể đủ tiền để sửa lại nhà cửa, sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt. Mấy năm trước, dù luôn tằn tiện chi tiêu, song phải vài tháng Đỉnh với mức tiền công bèo bọt mới tiết kiệm được 1 - 2 triệu để đỡ đần bố mẹ. Cả nhà đến giờ mới có thể thở phào, không còn phải chuẩn bị sẵn sàng phương án cho con về nối nghiệp bố đi biển đánh cá.
Cũng ngay sau kỳ tích tại Olympic Trẻ, Đỉnh đã được ngành thể thao đưa vào danh sách các tuyển thủ trọng điểm, hưởng mức tiền ăn 800 nghìn đồng/ngày, cùng các chế độ đặc biệt khác. Chính xác hơn, Đỉnh còn được xác định là một trong số ít tuyển thủ thuộc diện “trọng điểm của trọng điểm” để nhắm tới các mục tiêu tầm cao và dài hạn như ASIAD, Olympic. Chàng lực sĩ của vùng biển nghèo đất Tiền Giang đã có thể yên tâm dốc hết tâm sức cho việc tập luyện thi đấu khi đã bỏ ra mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, gấp tới 5 lần mức thu nhập khi chưa lập đại công tại Olympic Trẻ.