Chàng trai quả cảm ở làng chài Điện Dương

Những ngày đầu tháng ba, trong không khí náo nức của lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2021, chàng trai trẻ Trần Văn Tròn (20 tuổi, trú tại khối phố Hà Quảng Đông, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngượng ngùng đón nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn Quảng Nam vì hành động dũng cảm cứu người.

Nhìn vẻ ngoài chất phác, rụt rè là thế, nhưng trước sóng dữ, gió gào, người thanh niên này lại vô cùng mạnh mẽ, can đảm, không màng hiểm nguy lao ra cứu sống 3 trong số 4 em học sinh đang chới với giữa dòng nước xoáy.

Kỳ tích của lòng dũng cảm

 Khu vực biển xảy ra tai nạn đuối nước ngày 25-2 của 4 em học sinh Trường THCS Lê Ngọc Giá.

Khu vực biển xảy ra tai nạn đuối nước ngày 25-2 của 4 em học sinh Trường THCS Lê Ngọc Giá.

Tháng ba, biển Điện Dương vẫn ầm ào sóng vỗ. Thời điểm này đang là mùa biển dần chuyển mình từ đông sang hè nên dường như nó cũng trở nên “làm mình, làm mẩy”; ngúng nguẩy quất những đợt sóng dữ dằn vào bờ cát vốn đã bị bào mòn thành hõm sâu. Đã thế, biển lạnh còn ẩn chứa nhiều hiểm nguy với những “âu” nước sâu thẳm, cùng các xoáy nước và dòng chảy rút xa bờ (vốn được mệnh danh là những “kẻ giết người thầm lặng”).

Dẫn chúng tôi ra vùng biển ngay cạnh nhà mình, anh Trần Văn Tròn chỉ tay về khu vực biển xảy ra tai nạn đuối nước ngày 25-2 vừa qua. Anh vẫn nhớ như in, sáng hôm ấy, biển vắng tanh, vì đang thời điểm biển động, không ai đi tắm biển cả. Chỉ có 4 em học sinh lớp 6/1, Trường THCS Lê Ngọc Giá là: Phan Huy Tùng, Văn Đức Nam Hải, Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Cường (cùng 12 tuổi, trú phường Điện Dương) do được nghỉ học nên rủ nhau ra biển chơi. Vì mải mê đùa nghịch với miếng mút xốp, một em bị sóng cuốn ra xa. Thấy vậy, ba em còn lại đã lao ra cứu bạn. Nhưng do mới chập chững mới biết bơi, lại gặp phải dòng nước rút xa bờ nên các em bị đẩy ngược ra biển, rồi rơi trúng vào âu nước sâu tử thần (cách bờ khoảng 50m). Các em đều vô cùng hoảng loạn, ra sức vẫy tay kêu cứu. Thời điểm này, trên bờ không một bóng người. Những tiếng kêu cứu đều như vô vọng...

Đúng lúc ấy, anh Trần Văn Tròn vô tình đi ra biển dạo. Ngay khi phát hiện sự việc, nhận thấy tình hình nguy cấp, anh liền tức tốc bơi ra ứng cứu. Khi vừa tiếp cận được các em học sinh, anh Tròn ngay lập tức trấn an, hướng dẫn nhanh về tư thế nằm sao cho anh dễ dàng giữ và đưa người vào bờ nhanh chóng và đỡ mất sức nhất có thể. Nhờ vậy, anh thăn thoắt bơi, đưa em Nam Hải vào bờ an toàn. Lúc quay ra, thấy có một miếng mút xốp ở gần đó, anh Tròn nhanh trí mang theo, sau đó bơi ra đưa cho em Văn Cương và dặn dò phải giữ kỹ nó (như một chiếc phao cứu sinh) để kéo dài thời gian, rồi tiếp tục đưa em Huy Tùng vào bờ. Lúc này, sóng càng lúc càng lớn. Khi bơi ra đến âu nước sâu, quan sát thấy em Văn Cương đã đuối sức nên anh Tròn lập tức dìu em vào đến bờ. Dù đã thấm mệt nhưng anh quyết tâm một lần nữa bơi ra để cứu em học sinh cuối cùng. Thế nhưng, biển bỗng nổi sóng to, liên tục đánh mạnh vào bờ, khiến anh Tròn phải rất khó khăn mới bơi ra được vị trí các em gặp nạn. Đáng tiếc là vì kiệt sức, em Văn Cường bị chìm hoàn toàn, không thể tìm được. Sau nhiều lần ngụp lặn tìm kiếm nhưng không thành, anh Tròn đành cố bơi về bờ, tri hô và chạy đi tìm người giúp đỡ. Anh hy vọng, khi có thêm nhiều người giúp, anh và mọi người sẽ nhanh chóng tìm được em Cường. Sau đó, với kỹ năng sơ cứu người đuối nước, anh sẽ cứu được em ấy. Nhưng rồi, phải đến hơn 2 giờ đồng hồ huy động nhiều lực lượng, phương tiện tìm kiếm, thi thể em Cường mới được tìm thấy trong nỗi buồn, niềm tiếc nuối của anh Tròn và gia đình em.

 Anh Trần Văn Tròn đón nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn Quảng Nam vì hành động dũng cảm cứu người.

Anh Trần Văn Tròn đón nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn Quảng Nam vì hành động dũng cảm cứu người.

Trước hành động quả cảm, xả thân cứu người của anh Trần Văn Tròn, chính quyền địa phương, UBND thị xã Điện Bàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Thị xã Điện Bàn, tỉnh đoàn Quảng Nam và mới đây là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã trao Bằng khen tặng chàng trai trẻ dũng cảm và giàu lòng nhân ái này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Điện Dương khẳng định: “Việc cứu người của em Trần Văn Tròn là một hành động rất dũng cảm, giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng con người. Nếu không có Tròn, có lẽ đã xảy ra 4 cái chết thương tâm. Do đó, mặc dù không thể cứu được cả 4 em học sinh, nhưng lãnh đạo địa phương rất ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của em Tròn. Sau khi sự việc xảy ra, với sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, UBND phường Điện Dương đã làm đề nghị tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với em”.

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hý (62 tuổi, trú phường Điện Dương) và nhiều người dân ở Điện Dương, chúng tôi được biết, tai nạn đuối nước của 4 em học sinh xảy ra đúng vào ngày 14 âm lịch. Theo kinh nghiệm của các ngư dân lành nghề, thông thường, ngày này sóng biển thường rất mạnh, nhất là khi biển đang giao mùa. Vì thế, trong trường hợp trên, cứu được một, hai người là đã kiệt sức rồi. Vậy nên, khi anh Tròn xả thân cứu được ba cháu học sinh, người dân làng chài Điện Phương ai cũng khen anh giỏi, có sức khỏe tốt và rành về kỹ năng cứu người đuối nước; ai cũng vui mừng, phấn khởi và tự hào về chàng trai miền biển quả cảm này.

Khi biết con trai, chồng của mình dũng cảm cứu được ba mạng người, nhưng đến hôm nay bà Võ Thị Thu Thúy (mẹ anh Tròn) và chị Hứa Thị Mỹ Lệ (vợ anh Tròn) vẫn chưa hết bàng hoàng. Vui lắm, mừng lắm, nhưng bà Thúy, chị Lệ vẫn chưa quên bởi cái chết thương tâm của anh Nguyễn Quốc (cùng ở làng chài Điện Phương) hơn 3 năm về trước. Năm đó, vì cứu hai người đuối nước ở biển Hà My (Điện Bàn), anh Quốc đã không may kiệt sức và hy sinh. Vậy nên, khi anh Tròn một mình xả thân cứu 3 em học sinh, những người làm mẹ, làm vợ không khỏi vừa mừng, vừa lo; lo sợ câu chuyện “nếu chẳng may…” xảy đến thì gia đình, vợ con anh sẽ ra sao!

Thường trực tinh thần xả thân cứu người

Là con cả trong gia đình có 4 anh em, cha mẹ đều bươn chải mưu sinh nghề biển nên từ nhỏ, Trần Văn Tròn đã chịu khó làm lụng, đỡ đần cha mẹ. Vì gia đình quá khó khăn nên học hết lớp 9, anh Tròn phải nghỉ học để chuyển sang học nghề, phụ việc ở xưởng mộc gần nhà, kiếm tiền phụ giúp gia đình và nhường cơ hội đến trường cho các em. Với bản tính hiền lành, chất phác, ai kêu làm gì, từ làm lưới, chặt củi đến phụ hồ, vệ sinh môi trường… anh đều hăng hái nhận lời, không quản ngại khó nhọc. Không hút thuốc, không uống rượu bia, không cờ bạc, anh luôn nỗ lực, chí thú làm ăn. Mùa hè, anh thường theo cha là ông Trần Văn Út đi hành nghề đánh bắt cá trên vùng biển Cửa Đại (Hội An) nên kinh nghiệm đi biển, bơi, lặn, cách quan sát sóng, nhìn hướng gió... anh Tròn đều được cha truyền lại. Qua những mùa con nước lớn ròng, tình yêu biển và tinh thần cương nghị, dũng cảm của người dân miền biển cứ thế lớn dần lên trong anh, âm thầm mà bền bỉ.

Nhà sát biển nên cả tuổi thơ anh Tròn gắn liền với biển, với những tháng ngày bơi lội, vẫy vùng ở biển. Tuy vậy, biển cũng không ít lần đe dọa căn nhà nhỏ, xiêu vẹo của gia đình anh, nhất là mùa mưa bão. Vì thế, dù công việc làm ăn không thuận lợi, nhưng cha mẹ anh vẫn cố chạy vạy, ngược xuôi mượn tiền để xây căn nhà kiên cố, chắc chắn cho cả gia đình trú thân. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng anh Tròn vẫn luôn lạc quan, chăm làm và nuôi dưỡng tinh thần dũng cảm, sẵn sàng làm việc nghĩa.

Ít ai biết, năm đang học lớp 9, cậu nam sinh hiền lành, ít nói Trần Văn Tròn đã từng cứu hai em học sinh đuối nước ở biển Điện Dương. Anh Tròn vẫn nhớ, cả hai lần ấy, anh đều phát hiện có người đuối nước khi đang tắm biển gần đó. Không ngần ngại, anh bơi ra ứng cứu. Nhưng khi đó, phần do anh chưa có nhiều kinh nghiệm, phần vì cậu học sinh đó hoảng loạn nên ra sức ôm chặt, thậm chí nhấn anh xuống nước để tìm cách ngoi lên. Rất may, với thể trạng tốt và kỹ năng bơi thuần thục, cuối cùng anh cũng đưa được người đuối nước lên bờ an toàn. Cũng nhờ khả năng bơi tốt, năm đó, anh Tròn được bồi dưỡng tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp thị xã và giành giải Nhì nội dung bơi 50m nam. Lần ấy, anh còn được bồi dưỡng, chỉ dạy về cách tiếp cận, sơ cứu người đuối nước. Sau này, có cơ hội tiếp cận mạng internet, anh tiếp tục tìm, học cách xử trí tình huống cứu người đuối nước sao cho khoa học, đúng cách. Chính nhờ đó, trong vụ tai nạn ngày 25-2, anh Tròn mới đủ bình tĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm để nhanh chóng cứu được 3 em học sinh.

Khi dùng hết sức bình sinh bơi ra cứu người, anh Trần Văn Tròn cũng không nghĩ sau này sẽ được khen thưởng. Anh chia sẻ: “Trong lúc nguy cấp, trước sự sống và cái chết của các em, tôi chỉ biết lao ra, cố gắng bơi thật nhanh để cứu người. Lúc đó, trong đầu chỉ nghĩ làm sao cứu được tất cả các em”. Nói đến đây, giọng anh Tròn bỗng chậm rãi, trầm buồn… Dù biết bản thân đã cố hết sức, nhưng nhiều ngày sau khi sự việc xảy ra, anh Tròn đau đáu nỗi tiếc thương. Anh tiếc rằng, nếu lúc đó có thêm người hỗ trợ, có lẽ đã cứu được cả 4 em. Hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Cương và Nguyễn Văn Cường sẽ không phải chịu cảnh người còn, người mất… Trong ký ức kinh hoàng của em Cao Văn Nam Hải, mọi thứ lúc đó diễn ra quá nhanh. Giờ đây, khi định thần lại, em bồi hồi nói: “Lúc ở giữa biển, tụi em rất hoảng hốt, sợ hãi. Tụi em ai cũng uống nước no, người rất đuối. May có anh Tròn cứu, em thấy anh Tròn rất tốt. Em thấy mình rất may mắn vì được cứu. Nhưng lớp em có 46 bạn, giờ chỉ còn 45, em rất buồn”.

Sau hành động dũng cảm xả thân cứu người, anh Tròn được rất nhiều người biết đến, hết lời ca ngợi. Thế nhưng, bằng giọng “Quảng Nôm” đặc sệt, anh Tròn bộc bạch: “Tôi thiệt sự không muốn ai tung hô mình là “anh hùng”, “người hùng” chi hết, vì cứu người là việc nên làm. Nếu sau này gặp trường hợp có người đuối nước, tôi cũng sẽ sẵn sàng cứu giúp. Tôi nghĩ, ai cũng sẽ hành động như tôi thôi!”.

Nơi chúng tôi đứng, tiếng anh hòa cùng tiếng rít rào của sóng, của gió. Chàng trai trẻ măng với nước da rám nắng, nụ cười hiền thật hiền ấy vẫn hướng ánh nhìn xa xăm về biển cả. Dẫu biết anh vẫn nặng lòng về cái kết chưa viên mãn, nhưng hơn ai hết, gia đình các em học sinh trong vụ đuối nước, nhân dân Điện Dương luôn cảm phục và ngưỡng mộ anh với tất cả niềm trân quý. Trong lòng người dân nơi đây, anh thực sự là một người anh hùng, làm nên điều kỳ diệu; là người anh hùng chân chất, mộc mạc như trong câu nói đầy tự hào của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy (quá cố): “Ở đất nước chúng tôi, ra ngõ gặp anh hùng”.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/chang-trai-qua-cam-o-lang-chai-dien-duong-653226