Chàng trai Tày và khát vọng lan tỏa văn hóa nhà sàn

Với đôi tay tài hoa cùng niềm đam mê những nếp nhà sàn, anh Lương Ngọc Tú (người dân tộc Tày, ở xóm Tân Thành, xã Thượng Nung, Võ Nhai) đã 'hô biến' những mẩu gỗ, vật liệu nhỏ thành các mô hình nhà sàn vô cùng sống động.

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Võ Nhai, từ nhỏ, anh Tú đã có niềm say mê đặc biệt với kiến trúc nhà sàn. Có bố là “thợ cứng” chuyên đi dựng nhà sàn cho người dân địa phương, anh Tú thường “vòi” đi theo trong những lần bố làm việc, rồi tò mò khám phá từng ngóc ngách trong ngôi nhà sàn truyền thống.

Từ chỗ tò mò về công việc của bố, anh Tú tỉ mẩn học cách dựng mô hình nhà sàn từ những vật liệu tự thu thập được như gỗ vụn, que kem, giấy bìa… Lớn hơn một chút, anh biết đọc bản vẽ nhà sàn của bố, rồi ngày càng hoàn thiện các mô hình nhà sàn của mình để đem đi thi tại các hội trại, trại hè.

Đam mê văn hóa nhà sàn nên dù sau này khi xa quê đi học chuyên nghiệp và trải qua nhiều công việc khác nhau, bất cứ khi nào có thời gian rảnh, anh Tú đều tìm hiểu và tự làm các mô hình nhà sàn như một thú vui tiêu khiển.

Điểm đặc biệt ở các mô hình của anh là tái hiện đến 95% những ngôi nhà sàn của người Tày trong thực tế. Từ hướng cầu thang, các kèo, cột, cửa đến không gian bên trong như bàn thờ tổ tiên, bếp lửa… đều được anh tái hiện với tỷ lệ hoàn chỉnh. Từng bậc cầu thang gỗ, ánh đèn vàng ấm áp, bếp đun củi trong nhà... được anh Tú làm rất thật, sống động. Khi chia sẻ các bức ảnh chụp mô hình nhà sàn lên mạng xã hội, anh nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Từ chỗ coi việc làm mô hình nhà sàn như một thú vui trong thời gian rảnh rỗi, khi nhận được lời khen ngợi và động viên của mọi người, anh Tú đã nghĩ đến việc làm mô hình để bán. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên trong suốt nhiều năm, anh chưa thể hoàn thành mong muốn ấp ủ này.

Bước ngoặt khiến anh Tú gắn bó với việc làm mô hình nhà sàn đến vào năm 2021, khi anh phải đóng cửa xưởng may của bản thân do dịch bệnh. Thất bại trong công việc cộng thêm gánh nặng nợ nần khiến anh rơi vào tâm trạng chán nản suốt một thời gian. Khi đó, ngoài làm thuê cho một người bạn, việc duy nhất khiến tâm lý của anh tích cực hơn là làm mô hình nhà sàn.

Đúng vào thời điểm này, những tấm ảnh mô hình nhà sàn anh Tú đăng tải lên Facebook nhận được sự quan tâm rất lớn từ bạn bè và nhiều người khác, có vài người còn nhắn tin đặt hàng làm nhà sàn theo mẫu.

Thời gian đầu, anh Tú chưa dám nhận đơn hàng nhưng sau gần 4 tháng đắn đo và được sự động viên của người thân, bạn bè, anh quyết định thương mại hóa việc làm mô hình nhà sàn. Vì vậy, anh đến các xưởng gỗ ở địa phương, xin các mảnh gỗ thừa rồi lên mạng tìm thêm các nguyên liệu khác (tấm ngói, bóng đèn, keo dán gỗ…) để làm.

Từ những đơn hàng đầu tiên được khách đón nhận, anh Tú mạnh dạn quảng bá các mô hình nhà sàn của mình và nhận thêm nhiều đơn hàng khác ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… và cả những mô hình được khách hàng “xuất khẩu” sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu…

Tính đến nay, anh Tú đã hoàn thiện hàng nghìn đơn hàng mô hình nhà sàn cho khách hàng. Không những vậy, anh còn mở rộng hợp tác với một số người khác để làm mô hình Lăng Bác, mô hình nhà Bắc Bộ, nhà sàn Bác Hồ… Mới đây, anh được Ban Quản lý Khu di tích Phủ Chủ tịch trao đổi về việc đặt làm 100 mô hình nhà sàn Bác Hồ để làm quà tặng.

Dù đã thương mại hóa việc làm mô hình nhà sàn, nhưng với anh Tú, mỗi sản phẩm đều là “đứa con tinh thần” quý giá, nơi anh dành biết bao tâm huyết và niềm đam mê.

Theo anh, mỗi mô hình nhà sàn không phải là khuôn mẫu, mà phải “thổi hồn” cho chúng trở nên sống động. Như vậy, những người yêu thích văn hóa nhà sàn mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị của chúng. Trước khi làm anh luôn phác thảo hình dáng, đưa ra những thông số cơ bản nhằm tạo ra tác phẩm đạt tỷ lệ thích hợp, vừa đẹp, vừa bền chắc. Sau đó chọn nguyên liệu để dựng, thông thường là tre, gỗ…

Nguyên liệu có giá thành rẻ và tương đối dễ kiếm, nhưng khó nhất trong quá trình làm là lắp ráp, rất nhiều chi tiết nhỏ nên đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ. Chính sự kỳ công này đã giúp anh Tú tạo nên tác phẩm vô cùng sống động. Hiện nay, anh đã ký hợp đồng với một xưởng sản xuất gỗ để cung cấp đủ nguyên liệu. Do các chi tiết để làm mô hình rất nhỏ, nên anh cũng đặt mua các loại máy móc, vật liệu để tự chế máy cắt, xẻ, bào…

Tuy kỳ công như vậy, nhưng bất kỳ ai tìm đến vì yêu thích văn hóa nhà sàn, anh Tú không ngần ngại truyền lại “món nghề” của mình.

Dù lượng khách đặt hàng khá nhiều và đã có những đơn hàng lớn, nhưng hiện nay anh Tú chỉ có 2-3 người phụ giúp các công đoạn (cắt gỗ, đánh bóng, sơn…), còn công đoạn chính là lắp ghép anh vẫn tự tay làm. Bởi theo anh, người hoàn thiện sản phẩm phải am hiểu về nhà sàn, sự khéo tay, tính kiên trì, cẩn thận.

Chính vì vậy, anh đang vận động một số người dân ở địa phương tham gia học làm mô hình để cùng mình làm các công đoạn sản xuất. Với anh, đây chính là cách hiệu quả để vừa bảo tồn văn hóa nhà sàn, vừa mang lại thu nhập khá cho đồng bào ở vùng cao. Qua đó cân bằng được việc phát huy giá trị văn hóa và kinh doanh mang lại lợi nhuận.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/chang-trai-tay-va-khat-vong-lan-toa-van-hoa-nha-san-4a220ad/