Chàng trai thu lãi 2 tỷ đồng/năm nhờ 'chọn cá như lựa người mẫu'
Chàng trai gen Z, Nguyễn Phạm Tấn Công mở trang trại nuôi cá Koi trên mảnh đất của gia đình ở Tp.HCM, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn 'cá quý tộc'.
Đỗ 2 trường đại học nhưng vẫn quyết… rẽ ngang
Sau khi hoàn thành xong chương trình học phổ thông, Nguyễn Phạm Tấn Công (24 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, Tp.HCM) quyết định bỏ ngang để chuẩn bị cho dự định khởi nghiệp sắp tới. Hay tin, ba mẹ Công phản đối vì thấy con trai đỗ 2 trường đại học, không muốn con mạo hiểm.
Tuy nhiên, vì gia đình vốn kinh doanh cá thịt (cá ba sa, cá trê…) nên ngay từ nhỏ, Công đã có vốn kiến thức nhất định trong chăn nuôi.
Năm 2015, chàng trai 9X bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật chăn nuôi bằng cách tham gia nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật, tư vấn nuôi cá Koi do xã Bình Lợi tổ chức.
Tấn Công chia sẻ: "Mất khoảng 4 năm, mình mới có đàn cá ưng ý. Khi gặp những khó khăn, mình chưa từng nghĩ dừng lại, mình có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự động viên của ba mẹ. Mình muốn tự làm chủ bản thân, mình không muốn đi làm thuê những nơi khác".
Càng đi sâu vào tìm hiểu và nuôi giống cá Koi, Tấn Công càng thấy lợi nhuận từ dòng cá này mang lại cho gia đình rất cao, gấp 2 - 3 lần nuôi cá thịt thông thường.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng chút nào đối với một chàng trai trẻ. Công kể lúc đầu cũng khó khăn lắm. Khi đầu tư mở trang trại, anh phải chạy vạy khắp nơi để học tập kinh nghiệm.
Khi mới bắt đầu nuôi, trang trại của Công phải nhập cá từ nước ngoài về. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, Công bắt đầu tìm hiểu về quy trình nhân giống cá con, áp dụng những kinh nghiệm từ nuôi cá chép (dòng họ của cá Koi), lai tạo ra cá Koi. Để có cá đạt tiêu chuẩn, chàng trai phải lựa cá giống bố mẹ có thân hình đẹp, màu sắc đạt yêu cầu để lai tạo cá con.
Chàng trai gen Z tiết lộ: "Mình không dùng thuốc xử lý cho cá sinh sản, nếu xử lý thuốc thì con cá bị mất sức và thời gian phục hồi lâu. Mình áp dụng theo phương pháp nhân giống bán tự nhiên. Mình sử dụng vật thể giống môi trường tự nhiên nhất, tạo ra những vật bám cho cá bố mẹ đẻ vào đó".
Từ những kinh nghiệm, bài học đúc kết qua 5 năm tìm tòi và ứng dụng, Công cải tạo môi trường nuôi cá Koi đạt tiêu chuẩn, giúp doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với trước. Đến nay, với tổng diện tích 9 ha, trại của Công có 11 ao nuôi trên 5 tấn cá (hơn 5 triệu con) từ các con cá bố mẹ, cá giống và cá thành phẩm.
Kiếm tiền tỷ, giúp đỡ nhiều lao động địa phương
Công tập trung phát triển 4 dòng cá Koi được yêu thích nhất, gồm Yamabuki, Tancho, Showa và Shusui. Mức giá bán ra thị trường dao động từ 200-750.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích thước và dòng cá. Riêng cá giống cung cấp cho người dân nuôi lại, Công chỉ bán từ 100.000-150.000 đồng/kg.
Với cá trưởng thành, có kích thước trên 85 cm và màu sắc rực rỡ, người chơi cá Koi thường phải săn tìm, giá bán từ 20-40 triệu đồng/con. Thậm chí, có những chú cá được nhập từ Nhật về còn được bán với giá 7.000-16.000 USD.
"Chọn cá Koi như lựa người mẫu. Thân hình, màu sắc, đuôi cá phải đẹp thì quyết định giá trị của nó. Trong đó, màu sắc là quan trọng nhất, màu phải đều, óng ánh", Công chia sẻ.
Hiện mỗi tháng, trại cá của Công cung cấp ra thị trường toàn quốc gần 3 tấn cá Koi, thu lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/tháng, gần 2 tỷ đồng/năm. Kể cả thời điểm giãn cách do dịch COVID-19 bùng phát hay phục hồi sau dịch, trại cá vẫn chưa bao giờ rơi vào cảnh thua lỗ.
Trong thời gian sắp tới, chàng trai 9X sẽ tập trung phát triển mô hình nuôi cá Koi càng rộng rãi hơn. Đáng chú ý, Công hướng đến việc xuất khẩu sang Nhật. Từ thành lập Hợp tác xã, Công cố gắng đầu tư cho giống cá đạt tiêu chuẩn khi kiểm định.
"Để xuất ra nước ngoài thì cá bố mẹ phải có nguồn gen tốt, đảm bảo "thuần". Tôi còn phải làm sao để mỗi con cá có... giấy khai sinh, như con người vậy. Mọi thứ phải rõ ràng, để khách hàng bên Nhật hiểu rõ nguồn gốc con cá từ trại nào ở Việt Nam, tránh nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh khi nhập cá", Công nói.
LAM ANH (t/h theo Thanh Niên, Dân Trí)