Chàng trai trẻ mê lan giả hạc

Cũng như nhiều thanh niên tự tin lập nghiệp theo cách riêng của mình, Doãn Tuấn Vũ (24 tuổi) mê lan, tình cờ nhận ra những giá trị đặc biệt của cây lan giả hạc và quyết tâm theo đuổi nghề trồng lan giữa vùng nông thôn mới Lộc Nam, huyện Bảo Lâm.

Doãn Tuấn Vũ và vườn ươm lan giả hạc

Doãn Tuấn Vũ và vườn ươm lan giả hạc

“Bây giờ, dân chơi lan không phải chơi hoa, không chờ xem bông, mà là sở hữu được những loài, dòng quý, độc đáo về hình hài, mặt hoa, cũng như hương thơm và nét duyên dáng của giả hành. Trong đó, giả hạc như một huyền thoại về lan bởi sự phong phú và khác biệt từ màu sắc bông, cho tới mắt, mũi, môi, lưỡi, cánh, lá… cũng như đặc tính sinh trưởng và xuất xứ vùng miền”.

Đấy là nhận xét của Vũ khi đón chúng tôi vào vườn lan rộng khoảng 4-5 trăm mét vuông với nhiều giống khác nhau; trong đó, Vũ đặt một tầng riêng trên không gian sinh hoạt của gia đình làm khu vực ươm giống lan giả hạc. Giả hạc có giá thành tính theo cm, tùy giống loài và tính độc đáo, mà có cây lên tới 20 triệu đồng/cm. Cá biệt có chậu lan giả hạc của một gia đình ở Phú Hội (Đức Trọng), là loài giả hạc vùng Ma Bó đột biến, gồm 3 nhánh, cao khoảng 90 cm, đường kính giả hành khoảng 2 cm, lá sọc và có hình tròn, hoa có màu hồng cánh sen, khuôn hoa đều và mặt hoa rất đẹp, được bán với giá 5 tỷ đồng vào trung tuần tháng 7, là vậy.

Vũ mê lan từ rất lâu rồi, nhưng tiếp cận và chính thức làm lan được khoảng 2 năm nay. Học xong trung học phổ thông, Doãn học nghề điện tử, đi làm thấy nhiều nhà khách ở Sài Gòn trưng lan rất đẹp và rất sang, nên quay ra học kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, rồi về nhà gây dựng sự nghiệp bằng nghề lan. Vũ khẳng định sẽ theo đuổi nghề trồng lan, vì cho thu nhập tốt mà lại được thỏa mãn đam mê. Vũ chọn giả hạc, vì giả hạc đang được người tiêu dùng ưa chuộng bởi màu sắc của hoa, mùi thơm, cách chăm sóc và nhiều đặc tính đặc biệt khác về giống, dòng, đặc biệt là khả năng lai tạo ra các dòng khác một cách ngẫu nhiên, nhưng lại vô cùng độc đáo.

Được sự quan tâm của gia đình, chính quyền và Đoàn xã, Vũ đầu tư khoản vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng vốn vay chương trình hỗ trợ sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện nay, trong vườn lan, Vũ trồng và nhân giống khoảng 50 dòng thuộc các loài hạc đỉnh, long tu, giả hạc, hồ điệp… phục vụ nhu cầu sản xuất, sưu tầm và trưng bày. Bên cạnh đó, Vũ làm thêm dịch vụ rửa xe và bán vật tư chăm sóc lan ngay tại nhà để trang trải cuộc sống hằng ngày. Vũ lấy giống chuẩn từ những nhà vườn thân quen, cho các mặt hoa đẹp. Trong quá trình sưu tầm giống, Vũ tìm được một cây Nam Kinh trắng H.O mua tận miền Bắc khoảng 3 tháng trước, từ một mắt rất nhỏ gần 10 triệu đồng mang vào chăm sóc, đến nay đã lên được khoảng một gang tay và có giá trị khoảng 2-3 triệu đồng/1cm. Giống sản xuất trong vườn của Vũ chủ lực là giả hạc xuân, giả hạc nù, hạc đỉnh, long tu, kiều, catlaya…, sử dụng phân chì, phân dê và phân trùn quế trộn vỏ trấu…; đồng thời, dùng vỏ thông nhập làm giá thể vì vỏ thông sạch, thoáng và không bị ốc sên.

Lạc vào thế giới của các chàng trai trẻ mê lan qua màn bán đấu giá trực tiếp cây giống giả hạc, chúng tôi được tiếp cận với các thuật ngữ rất chuyên “ngành”, kiểu “thân già làm kie” là dùng thân già của cây lan để gây mầm, “mắt bệt” là mắt đậm và cùng một màu, như cùng là lưỡi đỏ, đậm, không có màu hay vết khác xen vào, “hàng zin” là cây nguyên bản, chưa từng được biết mặt hoa, “mặt hoa chính chủ” là chưa bị lai màu hay lai các đặc điểm của cây khác, Nhiều thanh niên như Doãn Tuấn Vũ, dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng chỉ nhìn vào hình dáng và màu sắc của hoa lan mà biết được xuất xứ, đặc tính sinh trưởng, thời gian ra hoa, cách chăm sóc…; hoặc, có thể phân biệt được các dòng lan từ các vùng và tiểu vùng, như: Lào, Campuchia, Lâm Đồng, Ma Bó, Kon Tum, Núi Chúa… dựa vào đặc tính thân, lá, mặt hoa, đường chỉ, màu sắc mỗi cây lan và biết được giá trị của cây lan từ những đặc tính này.

Những người mới bắt đầu chơi lan giả hạc, sẽ được Vũ giới thiệu dòng cây bình dân nhất, tức là đơn giản từ cách chăm sóc đến đặc tính và giá trị, cũng là dòng công nghiệp, như giả hạc Châu Như (Di Linh) - do người dân tự thụ phấn cho cây, rất dễ trồng nhưng lại cho mặt hoa rất đẹp. Rồi, từ kinh nghiệm và đam mê, người chơi sẽ biết phải chọn tiếp loài nào, dòng nào cho bộ sưu tập của mình. Cứ mỗi 6 tháng, Vũ xuất 1 lô giống từ 200 đến 1.000 cây bán online hoặc trực tiếp cho các nhà vườn quanh vùng, với giá thành từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng mỗi cây giống. Hiện tại, giả hạc đang là loài lan rất được ưa chuộng. Vũ đã có sản phẩm bán và dự tính sẽ trả nợ và tái đầu tư mở rộng diện tích để tạo việc làm cho người dân địa phương.

Với niềm đam mê có vẻ chỉ hợp với tuổi già, nhưng từ nhận thức và ý chí của tuổi trẻ, Vũ đang và chắc chắn sẽ thành công hơn nữa với mô hình sản xuất lan thương phẩm, mà chủ lực là giả hạc.

NHẬT QUÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/chang-trai-tre-me-lan-gia-hac-2962460/