Chàng trai trẻ muốn truyền nghề hát xẩm đến mọi người
Bùi Công Sơn (sinh năm 2000, Thái Bình) là một người dành nhiều đam mê đối với bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Công Sơn hiện đang truyền dạy lại hát xẩm cho mọi người với hi vọng sẽ lan tỏa và lưu giữ được văn hóa truyền thống dân tộc.
Gia đình Sơn không ai theo nghệ thuật, cái duyên với nghề hát xẩm đến với Sơn cũng là một điều tình cờ. Công Sơn biết đến và bắt đầu dành đam mê của mình đối với hát xẩm vào năm 10 tuổi khi được nghe cố nghệ nhân Hà Thị Cầu hát trên truyền hình. “Mình đã học qua nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác nhau, nhưng với xẩm, mình cảm thấy là bộ môn phù hợp nhất. Vì vậy mà mình quyết định theo đuổi”.
Để thành thục và có thể truyền nghề như ngày hôm nay, Công Sơn đã dành thời gian 3 - 4 năm và đã trải qua không ít khó khăn. Công Sơn chia sẻ: “Học hát xẩm không khó mà cũng không dễ. Vì hát xẩm cũng như các loại hình âm nhạc khác, phải có năng khiếu, tố chất. Đặc biệt, kĩ thuật đàn hát cho ra “chất xẩm” thì rất khó. Ban đầu, phải học hát cho chuẩn, rồi lại phải học đàn. Sau rồi đàn hát nhuần nhuyễn để có thể kết hợp uyển chuyển kĩ thuật. Mình học qua rất nhiều nghệ nhân và nghệ sĩ khác nhau về đàn và hát. Nói chung có thể mất đến 3 - 4 năm liên tục thì mới có thể thành thạo được nghề, còn nâng cao thì phải tập luyện liên tục trong quá trình phát triển nghề".
Bùi Công Sơn với nhiều thời gian khổ luyện với nghề hát xẩm. (Ảnh: NVCC)
Theo chia sẻ, ban đầu khi quyết định bỏ nghề mộc để theo hát xẩm thì Công Sơn cũng vấp phải phản đối từ gia đình. Trải qua quá trình thực hiện và cố gắng, Sơn đã dần chứng minh cho gia đình và được chấp nhận. Anh cho biết thêm: “Gia đình mình ban đầu cũng không ủng hộ việc mình theo nghiệp đàn hát. Lúc đó, mình đang làm thợ nghề chạm khắc gỗ có thu nhập rất ổn định, trong khi đó đi đàn hát thì lại không làm ra được kinh tế. Ngoài ra xu hướng xã hội thì lại không muốn con cái làm những thứ xưa cũ này. Cũng có thời gian dài gia đình phản đối, nhưng rồi mọi người cũng đều chấp nhận khi nhìn thấy một chút thành quả cố gắng của mình”.
Sơn đang "ươm mầm" cho những bạn trẻ còn nhỏ tuổi mê hát xẩm. (Ảnh: NVCC)
Đối với Công Sơn, hát xẩm cần có những kỹ thuật về đàn và hát. Thông qua lời hát, người nghệ nhân truyền đạt lại những điều hay lẽ phải mà người đi trước muốn gửi gắm cho thế hệ mai sau. “Hát xẩm khó nhất là vừa đàn vừa hát được, phải hiểu lời mình hát và thể hiện tâm tư tình cảm của mình vào bài hát. Hát phải tròn vành rõ chữ, buông câu nhả chữ, những kĩ thuật rất khó của xẩm cũng cần phải có thời gian tập luyện lâu dài. Hát xẩm là kể chuyện, người nghệ nhân kể những câu chuyện đời sống muôn màu thông qua âm nhạc, giúp cho người nghe cảm nhận được những gì sâu sắc nhất mà người hát truyền lại. Qua đó gửi gắm những lời răn dạy, châm biếm, giáo dục sâu sắc”.
Chiếu xẩm sinh hoạt do Sơn thành lập và diễn ra cuối tuần thu hút nhiều bạn trẻ tham dự. (Ảnh: NVCC)
Công Sơn đã trải chiếu hát tại các chợ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh… vào năm 16 tuổi. Theo Công Sơn thì gốc rễ của hát xẩm là xẩm chợ và thời điểm hiện tại Việt Nam đang mất dần hình ảnh này, các nghệ nhân xẩm chợ cũng ít xuất hiện. Công Sơn bày tỏ: “Mình muốn đưa xẩm về không gian gốc, gắn liền với đời sống của người dân. Để hát xẩm trở lại là một hình ảnh quen thuộc, đúng với ý nghĩa và bản chất của nó từ khi được sinh ra và tồn tại, phát triển đến bây giờ”.
Công Sơn đã tập hợp các bạn trẻ để tạo thành một chiếu xẩm. Chiếu xẩm có 15 thành viên ở nhiều lứa tuổi, có thành viên chỉ từ 4 – 6 tuổi. Các thành viên gắn bó với Sơn từ những ngày đầu đến nay. Lịch trình sinh hoạt của chiếu xẩm thực hiện liên tục truyền dạy và biểu diễn suốt ba tháng Hè. Ngoài ra, vào lúc học thì chiếu xẩm sinh hoạt vào hai ngày cuối tuần. Chiếu xẩm của Công Sơn cũng nhận đi biểu diễn nếu được các tổ chức, cá nhân mời. Chiếu xẩm đã đạt được nhiều giải thưởng của huyện, tỉnh và quốc gia. “Năm 2019, chiếu xẩm tham gia liên hoan hát xẩm toàn quốc và đạt được một giải Nhất, một giải Nhì, một giải diễn viên xẩm nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Ngoài ra, chiếu xẩm cũng đạt được một giải Nhất của cuộc thi tìm kiếm tài năng tỉnh Ninh Bình 2020”, anh cho biết thêm.
Công Sơn vẫn cần mẫn truyền nghề hát xẩm miễn phí cho mọi người. (Ảnh: NVCC)
Việc thực hiện truyền nghề hát xẩm miễn phí của Công Sơn cũng xuất phát từ đam mê và nguyện vọng của bản thân anh. Thông qua đó, Sơn hi vọng bản thân có thể lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến với mọi người. “Điều mình mong muốn nhất là hát xẩm được lưu truyền mãi mãi qua các thế hệ. Để từ đó loại hình này không bị mai một và mất đi. Mình rất vui khi hiện nay xẩm nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung được rất nhiều bạn trẻ và nhân dân, các cơ quan Nhà nước quan tâm. Đó là điều mình cảm thấy hạnh phúc nhất khi những việc mình làm được mọi người đón nhận”, Công Sơn bày tỏ.