Chàng trai trẻ 'thổi hồn' cho nón lá xứ Huế

Thời gian qua, nhiều đoàn du khách đến tham quan di tích Hổ Quyền, điện Voi Ré ở Thừa Thiên - Huế đã ghé đến căn nhà nhỏ của Phan Quang Nhật, gần các di tích này để chiêm ngưỡng sản phẩm nón lá Huế và trải nghiệm vẽ tranh lên nón lá. Các du khách tỏ ra thích thú khi ngồi bên những chiếc bàn nhỏ và tự cầm cọ để vẽ những bức tranh yêu thích lên nón lá xứ Huế.

Nhật chia sẻ rằng, từ nhỏ đã đam mê hội họa và có nhiều năm theo học nghề vẽ tranh lụa. Tuy nhiên, khi nghề vẽ tranh lụa không còn thịnh hành như trước nên anh quyết định tìm lối đi riêng cho mình. “Khoảng 5 năm trước, trong một lần đi qua cầu Trường Tiền, tình cờ bắt gặp các thiếu nữ với vành nón lá trên tay chụp hình bên dòng sông Hương, tôi liền nghĩ tại sao mình không thử vẽ những bức tranh phong cảnh lên nón lá để chiếc nón lá trở nên đẹp hơn. Và từ ý tưởng đó, tôi đã bắt tay nghiên cứu để có thể vẽ tranh lên nón lá”, Nhật kể lại.

Những chiếc nón lá vẽ hình ảnh quê hương, đất nước của Phan Quang Nhật.

Những chiếc nón lá vẽ hình ảnh quê hương, đất nước của Phan Quang Nhật.

Ban đầu, việc vẽ tranh lên nón của Nhật gặp khá nhiều khó khăn khi những bức tranh bị lem, chảy màu, màu sắc thiếu hài hòa. Tuy nhiên, sau gần 1 năm cần mẫn vừa vẽ, vừa học hỏi, những bức tranh được Nhật vẽ lên nón dần trở nên đẹp hơn, bắt mắt hơn. Tranh của Nhật rất đa dạng, trong đó chủ yếu là phong cảnh các miền quê nước Việt, phong cảnh xứ Huế, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, dòng sông Hương, cây đa, bến nước, con đò… Nhật cho biết, để hoàn thiện một bức tranh trên nón lá phải qua nhiều công đoạn, từ vẽ phông nền, vẽ thô đến vẽ từng chi tiết nhỏ.

Thời gian hoàn thành tùy vào kích cỡ chiếc nón và bức tranh vẽ trên nón. Sau nhiều năm gắn bó với công việc vẽ tranh trên nón lá, hiện bình quân mỗi ngày, Nhật có thể vẽ khoảng 20 bức tranh lên nón. Mỗi sản phẩm tranh nón lá của Nhật được bán với giá bình dân, từ 70 đến 150 nghìn đồng tùy theo kích cỡ, mẫu mã và những sản phẩm này đã có mặt tại các địa phương khắp cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Điều đặc biệt, nhờ cách pha màu tinh tế nên tranh do Nhật vẽ lên nón nếu gặp trời mưa sẽ không bị lem hoặc phai màu.

Vào cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, có rất đông du khách tìm đến căn nhà của Phan Quang Nhật để cùng vẽ tranh lên nón lá.

Trước lúc chia tay chúng tôi, chàng trai trẻ Phan Quang Nhật chia sẻ rằng, với mong muốn đưa hình ảnh chiếc nón lá xứ Huế cùng hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/chang-trai-tre-thoi-hon-cho-non-la-xu-hue-i674573/