Chàng trai tuổi Sửu làm giàu từ đất

Từng là thủ lĩnh thanh niên, anh Nguyễn Mạnh Quyết ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) luôn ham học hỏi, cần cù chịu khó để làm giàu từ đồng đất quê hương.

Thiếu thợ, anh Quyết vẫn lái máy cày phục vụ nông dân vào ngày nghỉ

Thiếu thợ, anh Quyết vẫn lái máy cày phục vụ nông dân vào ngày nghỉ

Đổi đời từ máy cấy, máy cày

Đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Quyết ở thôn Quang Trung, xã Hồng Phong, cán bộ Huyện đoàn Thanh Miện chỉ vào ngôi nhà phía xa nói: "Đấy, đến ngôi nhà mới xây, to nhất làng thì chúng ta dừng lại". Quả nhiên ngôi nhà 3 tầng rộng rãi được xây theo kiểu hiện đại dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Cơ ngơi của chàng trai mới 36 tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ. Trong khoảng sân rộng dành cho những chiếc máy cấy "nghỉ ngơi" để chuẩn bị bước vào mùa mới, một góc nhỏ đặt những chậu cây cảnh được tạo thế độc đáo nhờ bàn tay khéo léo của chủ nhà. Từ cánh đồng trở về, anh Quyết vừa pha trà vừa vui vẻ nói: "Máy đang cày ngoài đồng, tôi tranh thủ ra xem anh em làm đất thế nào".

Dù trời đã muộn nhưng trên cánh đồng rộng lớn ở xã Hồng Phong, những "con trâu sắt" của anh Quyết vẫn miệt mài làm việc cho kịp thời vụ. Anh Quyết đang bố trí 2 máy cày làm đất để chuẩn bị đổ ải. Ngoài ra, mùa này anh còn nhận làm đất trồng màu.

Không chỉ có máy làm đất, gia đình anh Quyết còn có 3 máy gặt, 2 máy cấy. Công việc tất bật từ ngày này sang tháng khác. Vào mùa cấy, mùa gặt, hầu như anh không có thời gian nghỉ mà xong công việc ở xã là lại chạy ra đồng ngay. Anh cũng thuê thêm gần hai chục lao động phụ giúp. Bình quân mỗi thợ sẽ được nhận 500.000 đồng/ngày công. Mỗi năm gia đình anh gặt được khoảng 400 ha, cày gần 250 ha và cấy khoảng 160 ha.

Để phục vụ người dân theo mô hình khép kín, gia đình anh Quyết xây xưởng gieo mạ khay rộng hàng chục nghìn m2, cung cấp mạ cấy máy cho bà con. Trước khi vào mùa, anh đến thỏa thuận, ký hợp đồng với từng HTX Dịch vụ nông nghiệp trong huyện và các huyện lân cận. Người dân trồng giống lúa nào sẽ đăng ký với HTX. Anh Quyết tập hợp danh sách để gieo mạ, làm đất và cấy cho bà con. Ngoài cấy, gặt ở địa phương, anh Quyết còn nhận hợp đồng gặt thuê ở Thái Bình, Phú Thọ từ nhiều năm nay. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh Quyết còn cấy hơn 25 mẫu lúa nếp tập trung mang lại giá trị cao. Do nhiều người đi làm doanh nghiệp nên bỏ ruộng, anh Quyết bàn với vợ mượn lại để trồng lúa. Mỗi năm, gia đình anh Quyết thu hơn 3 tỷ đồng từ nông nghiệp, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

Tận tâm với đồng đất, quê hương

So với một số thanh niên khác, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm có thể chưa phải là lớn nhưng để tìm được những người tận tâm với đồng đất, có khát vọng vươn lên làm giàu từ quê hương không phải nhiều.

Trước khi bén duyên với máy cấy, máy cày, anh Quyết từng lái xe tải chở hàng thuê giao cho chợ đầu mối ở Long Biên (Hà Nội). Cuộc sống rong ruổi trên những con đường xa xôi, vất vả, chi phí nhiều, thu nhập bấp bênh. Anh Quyết nghĩ: "Nếu cứ bám với nghề này sẽ không thể khá hơn được". Vì vậy, năm 2011, anh bỏ nghề lái xe tải về quê lập nghiệp. Trong khi đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì tình cờ anh Quyết được một số người bạn giới thiệu về máy nông nghiệp. Anh nhận ra làm nông nghiệp ngày nay đã khác trước nhiều, việc đưa máy móc vào sản xuất là nhu cầu cần thiết. Vì vậy, anh vay mượn người thân và ngân hàng 1,5 tỷ đồng để mua 2 máy cày, 2 máy gặt. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, khi làm quen anh tiếp tục mua thêm máy cấy, máy gặt. Đối với anh sự hài lòng của người dân chính là thành công của mình. Vì thế, với mỗi hợp đồng thuê cấy, gặt, làm đất anh đều trân trọng. Anh đến tìm từng HTX Dịch vụ nông nghiệp, tạo sự gần gũi, tin tưởng. Khi bắt tay vào việc, anh giao từng thợ máy phải làm thật kỹ, gọn gàng, tạo uy tín với nông dân. Nhờ đó, mùa nào anh Quyết cũng làm không hết việc. Thời gian tới, anh Quyết tiếp tục mua thêm máy cấy để chinh phục những cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh, huyện lân cận.

Bây giờ, anh Quyết không phải trực tiếp lái máy cày, máy gặt hằng ngày nhưng vẫn chỉ huy đội thợ làm. Suốt ngày anh tất bật trên đồng ruộng nên ít ai biết trước đây anh từng là Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Diên Hồng (trước khi sáp nhập). Sau khi sáp nhập 2 xã Diên Hồng và Tiền Phong thành Hồng Phong năm 2019, anh Quyết chuyển sang công tác tại Văn phòng UBND xã, hiện vẫn là Ủy viên Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên xã.

"Tuổi con trâu chỉ có thể phát triển nhờ vào đồng đất, quê hương. Tôi tin đây là hướng đi đúng của mình. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mua thêm máy móc về phục vụ bà con với quy mô rộng hơn", anh Quyết vui vẻ nói.

Trước đây, kinh tế gia đình anh Quyết gặp nhiều khó khăn nhưng nay là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Anh là một trong 10 thanh niên trong tỉnh nhận Giải thưởng Lương Định Của cấp tỉnh vào tháng 10 vừa qua. Đây là giải thưởng cao quý lần đầu tiên được Tỉnh đoàn tổ chức nhằm tuyên dương thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên, phong trào của địa phương, anh Quyết luôn tích cực tham gia, được mọi người quý mến.

MINH NGUYỆT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/chang-trai-tuoi-suu-lam-giau-tu-dat-158402