Chàng trai xây dựng thương hiệu dầu lạc Yên Thủy
Chàng trai thế hệ 8x Đinh Đức Chiến, ở khu phố Lạc Vượng, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chọn khởi nghiệp bằng cách xây dựng thành công thương hiệu dầu lạc Yên Thủy. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020, với khát vọng giúp người nông dân trồng lạc Yên Thủy thoát khỏi tình trạng 'được mùa mất giá, được giá mất mùa'.
Năm 2017, sau gần 10 năm đi làm công nhân ở nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Đinh Đức Chiến quyết định nghỉ việc, trở về quê hương khởi nghiệp, thành lập cơ sở ép dầu Nhàn Xuân, kinh doanh theo hộ gia đình. Anh chia sẻ: "Là người con sinh ra trên mảnh đất Yên Thủy, nơi mà hàng năm có trên 2.000 ha lạc được gieo trồng, nhưng sản phẩm bị thương lái ép giá, còn tình trạng được mùa mất giá nên tôi quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp từ cây lạc với mong muốn giúp bà con nông dân địa phương”.
Để mở rộng và phát triển mô hình, năm 2019, anh thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn Yên Thủy với 12 thành viên, vốn ban đầu gần 1,4 tỷ đồng. HTX do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. HTX có ngành nghề sản xuất, kinh doanh: trồng cây lạc, vừng và các loại cây lấy dầu; bưởi và các loại cây ăn quả có múi; trồng rau các loại; trồng cây dược liệu; ép dầu thực vật và chế biến nông sản; hoạt động dịch vụ trồng trọt; hoạt động dịch vụ sau thu hoạch; buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; bán buôn, bán lẻ dầu thực vật và các sản phẩm nông nghiệp do HTX sản xuất; trồng hoa, cây cảnh; hoạt động dịch vụ chăn nuôi.
Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, cách quản lý và cách vận hành máy móc nên anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với lợi thế có trụ sở và xưởng sản xuất tại vùng dồi dào nguyên vật liệu về các hạt chứa dầu như lạc, vừng đen, vừng vàng nên việc thu mua, vận chuyển nguyên vật liệu rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí, ổn định nguồn cung nguyên liệu.
Năm 2020, mặc dù do ảnh hưởng dịch Covid-19, HTX vẫn thu mua được nguyên liệu đủ dự trữ cho nhu cầu sản xuất trong năm. Duy trì hoạt động sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm dầu ăn đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dần chiếm lòng tin và khẳng định thương hiệu sản phẩm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 10 công nhân thời vụ.
Theo anh Chiến cho biết, quy trình sản xuất dầu lạc gồm 5 giai đoạn: Tách hạt, sơ chế, ép dầu, lọc dầu và lưu mẫu đóng chai. Trung bình khoảng 2 kg lạc ép được 1 lít dầu lạc. Các sản phẩm phụ như vỏ và bã lạc được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ trồng cây. Mỗi năm, HTX tiêu thụ 60 tấn lạc cho bà con nông dân trong huyện và các vùng lân cận.
Năm 2020, tổng doanh thu của HTX đạt gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 122 triệu đồng. Cũng trong năm 2020, sản phẩn dầu lạc của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, cá nhân anh Chiến được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thành công đạt được của chàng thanh niên 8x không phải 100% là ngẫu nhiên. Khi còn làm công nhân, mỗi lần nghỉ phép, anh đã đi nhiều nơi thăm quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình ép dầu. Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Chiến cho biết: Tôi mong muốn kết nạp thêm nhiều thành viên để mở rộng vốn hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô, năng suất của HTX để có thể thu mua hết toàn bộ sản lượng lạc của huyện, tạo đầu ra ổn định cho bà con, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân, đưa sản phẩm dầu lạc ra thị trường ngoài tỉnh và vươn xa ra thị trường thế giới”.
Giờ đây, những người nông dân trồng lạc ở huyện Yên Thủy không ai không biết đến anh Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy. Với ý chí và nghị lực, anh đã mạnh dạn liên kết các hộ nông dân trong huyện để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thành công thương hiệu dầu lạc Yên Thủy. Năm 2021 này, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dầu vừng đen. Anh Chiến cũng đăng ký tham gia cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình” lần thứ III do Tỉnh Đoàn, Sở KH&CN, Liên minh HTX tỉnh tổ chức phát động.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)