Chàng trung úy trẻ đi gieo hạt hòa bình

'Hòa bình không phải là một khái niệm quá xa vời hay lớn lao, nó xuất phát từ những điều bé nhỏ giữa con người với con người hàng ngày. Chỉ cần chúng ta đối xử với nhau bằng tất cả sự chân thành, biết sẻ chia thì sẽ hiểu được nhau, từ đó mới có thể đi chung hướng', Nguyễn Sỹ Công chia sẻ như vậy trong cuốn sách 'Mũ nồi xanh Việt Nam' (NXB Kim Đồng).

Hành trình không dễ quên

Thuộc thế hệ 9X, sinh ra tại Đô Lương (Nghệ An), nơi có truyền thống cách mạng lâu đời, từ nhỏ Nguyễn Sỹ Công đã có ước mơ được tiếp bước thế hệ đi trước, trở thành “chú bộ đội” oai nghiêm, anh dũng, kiên cường.

“Trong thời chiến, người lính cầm súng chống giặc để bảo vệ quê hương, còn trong thời bình, khi lửa khói bom đạn không còn, bên cạnh việc rèn luyện quân sự thì việc chữa bệnh cứu người sẽ vô cùng hữu ích”, anh chia sẻ.

 Nguyễn Sỹ Công cùng các em nhỏ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Nguyễn Sỹ Công cùng các em nhỏ tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Từ suy nghĩ đó, Nguyễn Sỹ Công quyết tâm đi theo ngành y và về công tác tại Bệnh viện Quân y 103. Đây cũng chính là nơi ước mơ của anh dần trở thành hiện thực khi vào đầu tháng 9-2020 anh cùng đồng đội lên đường đến Nam Sudan trong đội hình Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nguyễn Sỹ Công tham gia công tác khám chữa bệnh tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound (TP Bentiu).

Đến vùng đất xa lạ ngay giữa lúc dịch Covid-19 đang ác liệt, điều kiện ở Nam Sudan lại rất khó khăn, cơ sở vật chất y tế thiếu thốn, môi trường sống còn hoang sơ và khắc nghiệt, chưa kể do vào đúng mùa mưa nên các bệnh truyền nhiễm khác cũng nhanh chóng sinh sôi khiến việc điều trị trở nên căng thẳng, bệnh mới chưa xong thì bệnh cũ lại tái phát. Trong bối cảnh đó, các chiến sĩ quân y Việt Nam đã phát huy hết sự nhạy bén, sáng tạo trong công việc để hỗ trợ người dân địa phương điều trị bệnh, phòng bệnh cũng như kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Nguyễn Sỹ Công kể, ở Nam Sudan có những ngày nhiệt độ lên đến hơn 63oC; còn bình thường cũng dao động từ 40-50oC. Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất, do tình hình Nam Sudan còn nhiều bất ổn, bom đạn, tiếng súng diễn ra hàng ngày mới là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người, nhất là những người dân nghèo. Nhưng chính hoàn cảnh khó khăn đó đã để lại trong lòng chàng trai trẻ Việt Nam những dấu ấn khó quên, giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều.

Bên cạnh công việc thường ngày, Công còn dành rất nhiều tình yêu thương cho các em nhỏ ở Nam Sudan. Không chỉ đơn thuần tặng quà, mỗi lần ghé thăm các em, Công còn đem đến nhiều bất ngờ: mời các em thưởng thức đặc sản Việt Nam vào dịp lễ tết như bánh chưng, bánh Trung thu; học tiếng Việt và hát các bài hát thiếu nhi Việt Nam… Đó là cách gieo hạt hòa bình vào trong lòng trẻ nhỏ. Từ đây, các em sẽ lớn lên trong tình yêu thương, góp phần xây dựng đất nước thêm phồn vinh

- nhà báo Nam Kha, người chấp bút Mũ nồi xanh Việt Nam, chia sẻ.

Mong hòa bình cho Nam Sudan

Cũng chính từ việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quãng thời gian đầy khó khăn đó. Sau thời gian trở về Việt Nam, tới đây Trung úy Nguyễn Sỹ Công tiếp tục được cử sang công tác tại Nam Sudan. Công bảo, đây thực sự là may mắn với anh, bởi ngoài nhiệm vụ được phân công, anh còn nhiều hoài bão và dự định còn dang dở lúc ở Nam Sudan.

“Trong 2 năm công tác tại Nam Sudan, ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ chính, tôi còn hỗ trợ người dân địa phương trồng trọt, canh tác, chia sẻ các cách chế biến thực phẩm và nhất là dạy các em thiếu nhi Nam Sudan thêm tiếng Anh cũng như các kỹ năng sống. Tuy nhiên, do ban đầu chưa có chuẩn bị tốt, công việc thời điểm đó lại rất căng thẳng nên chưa làm được gì nhiều. Lần này tôi cùng đồng đội đã có kinh nghiệm, sự chuẩn bị đã tốt hơn, mong là sẽ làm được nhiều điều hơn giúp người dân nơi đó, từ đó mang hình ảnh tốt đẹp của người lính Cụ Hồ ra với thế giới nhiều hơn”, Nguyễn Sỹ Công chia sẻ.

Có người ví Nguyễn Sỹ Công giống như Quang Linh, một thanh niên trẻ cùng quê Nghệ An, đã và đang có những hoạt động giúp cho đời sống của người dân Angola trở nên tốt hơn. Công bảo, anh cũng có mong muốn như vậy đối với người dân Nam Sudan, nhưng để làm được như Quang Linh thì rất khó. Ở Nam Sudan nội chiến vẫn còn căng thẳng, người dân rất ngại trồng trọt và chăn nuôi gia cầm, gia súc. Bởi nếu gia đình nào sở hữu nhiều tài sản sẽ bị phiến quân đến tịch thu.

“Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ chính là hòa bình cho Nam Sudan, cuộc sống và chính trị ổn định để người dân, đặc biệt là trẻ em có tương lai, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tôi sẽ cố gắng đóng góp, xây dựng và hỗ trợ người dân Nam Sudan trong khả năng có thể”, Sỹ Công chia sẻ.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chang-trung-uy-tre-di-gieo-hat-hoa-binh-post744181.html