Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về quy định nhiệm kỳ Thẩm phán
Chánh án TAND Tối cao cho hay các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đều khuyến cáo không được quy định nhiệm kỳ Thẩm phán.
Cuối tuần qua, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Nhiệm kỳ của Thẩm phán đến khi nào?
Đáng chú ý, điều 100 dự thảo quy định Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm; Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Trong khi đó, theo điều 74 Luật Tổ chức TAND hiện hành, nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật. Báo cáo thẩm tra nêu Nghị quyết 49-NQ/TW yêu cầu “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không kỳ hạn”. Còn Nghị quyết số 27 yêu cầu “đổi mới… thời hạn bổ nhiệm… nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán”.
“Thẩm phán là chức danh tư pháp, không phải là người giữ chức vụ, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của TAND”- báo cáo thẩm tra nhận định và cho rằng dự thảo Luật quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán nêu trên để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tăng cường tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử và để Thẩm phán yên tâm công tác.
Thông tin thêm tại phiên thảo luận tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay với nội dung này, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đều thống nhất cho rằng không được quy định nhiệm kỳ, kể cả 5 năm cũng không được.
“Họ nói thẩm phán là nghề nghiệp, cũng giống như kỹ sư, bác sỹ, giáo viên. Đó là một chức danh chuyên môn, không phải chức vụ nên không có chuyện 5 năm, 10 năm tái bổ nhiệm”- ông Bình nói.
Bổ nhiệm suốt đời nhưng sẽ xử nghiêm khi Thẩm phán vi phạm
Người đứng đầu ngành tòa án cho hay ông rất băn khoăn về quy định này. Sau khi cân nhắc mọi mặt, cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nhiệm kỳ 5 năm đầu “coi như tập sự, thử thách”. Những Thẩm phán sau 5 năm được tái bổ nhiệm và tái bổ nhiệm đó là suốt đời.
“Các nước thì không có 5 năm này, đã bổ nhiệm là suốt đời luôn”- theo ông Bình.
Trước một số ý kiến đặt vấn đề Thẩm phán sau khi được tái bổ nhiệm là nhiệm kỳ suốt đời, nếu họ vi phạm thì xử lý thế nào?. Chánh án Tối cao cho hay Thẩm phán vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thậm chí, Thẩm phán có thể bị bãi nhiệm chức danh thẩm phán và vĩnh viễn không được làm thẩm phán nữa.
“Nếu Thẩm phán vi phạm sẽ bị xử lý ngay lập tức, không cần chờ đến 5 năm tái bổ nhiệm”- ông Bình nói.
Theo điều 108 dự thảo, Thẩm phán đương nhiên bị bãi nhiệm khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bị buộc thôi việc.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán có thể bị bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp: Vi phạm trong công tác xét xử, giải quyết những việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; Vi phạm quy định tại Điều 104 (những việc Thẩm phán không được làm); Vi phạm về phẩm chất đạo đức; Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Chúng tôi có một bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán mà anh em nói là rất nghiêm khắc”- Chánh án cho biết thêm.