Chánh án Nguyễn Minh Hùng: 'Báo chí luôn giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội'
'Báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng', đó là chia sẻ của Thẩm phán cao cấp Nguyễn Minh Hùng, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang.
PV: Thưa Chánh án, với vai trò làngười đứng đầu một đơn vị trong hệ thống Tòa án, ông có chia sẻ gì về vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp đối với khối cơ quan tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng?
Chánh án Nguyễn Minh Hùng: Trong giai đoạn hiện nay, báo chí nói chung luôn giữ một vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, là phương tiện thông tin thiết yếu, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Bên cạnh việc tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, báo chí là phương tiện, vũ khí sắc bén trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.
Với đặc tính cơ bản của báo chí là đa dạng nhiều loại hình, phổ cập thông tin nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp… báo chí đã tuyên truyền, giới thiệu các chính sách pháp luật quan trọng, thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, cập nhật phổ biến nhanh chóng, kịp thời những văn bản pháp luật mới, những văn bản pháp luật được sửa đổi bổ sung đến mọi tầng lớp của nhân dân, để nhân dân có điều kiện nghiên cứu, tiếp thu, nâng cao kiến thức pháp luật, nhanh chóng áp dụng pháp luật đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, báo chí luôn tuyên truyền biểu dương gương người tốt - việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giúp cho quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật…Đặc biệt là tầng lớp nhân dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế như tỉnh Tuyên Quang.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác cải pháp nền hành chính Quốc gia, trong đó quan tâm rất lớn đến chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo mà mới nhất là Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…Đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong đó (lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá).
Chính vì vậy, báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng với chiến lược cải cách tư pháp, tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ, bộ máy làm việc của hệ thống TAND, phản ánh hoạt động của Tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xét xử… như hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hoạt động xét xử các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đăng tải các bản án trên trang thông tin điện tử và nhiều công tác khác liên quan…nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
PV: Để việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp có hiệu quả, TAND hai cấp trong tỉnh Tuyên Quang đã có sự phối hợp, triển khai như thế nào với các cơ quan báo chí thưa Chánh án?
Chánh án Nguyễn Minh Hùng: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị xét xử các loại vụ án, vụ việc…, TAND hai cấp trong tỉnh Tuyên Quang luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất cho các cơ quan, phóng viên, báo chí tham gia tác nghiệp liên quan đến tất cả các lĩnh vực công tác của Tòa án, đặc biệt là tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử. Cụ thể:
Thứ nhất: Tạo điều kiện, phối hợp cho phóng viên báo chí đến dự và đưa tin về các hoạt động của Tòa án như: Hội nghị sơ kết, tổng kết, Hội nghị triển khai công tác Tòa án, Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử hàng năm; thông tin tuyền truyền về các hoạt động phong trào thi đua yêu nước hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm ngày truyền thống TAND; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các hoạt động nhân đạo từ thiện; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn… và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.
Thứ hai: Quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan, phóng viên, báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai trực tiếp hoặc qua truyền hình trực tuyến; bố trí phòng riêng cho các phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa; chủ động liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để thu thập thông tin, phỏng vấn theo quy định; công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án về kế hoạch lịch xét xử của Tòa án hàng tháng và thông báo lịch xét xử cho các cơ quan báo chí tại địa phương như: Báo Tuyên Quang, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Thông tấn xã, Báo Nhân Dân thường trú tại tỉnh… để cơ quan báo chí biết, lựa chọn những phiên tòa cần thiết để đến tác nghiệp, kịp thời đưa tin bài nhanh chóng thuận lợi nhất.
Đối với những vụ án, vụ việc nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm… xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh như các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án liên quan đến tham nhũng, vi phạm quy định về an toàn giao thông, vi phạm các quy định và khai thác về bảo vệ rừng, các vụ án về ma túy…, Tòa án chủ động trực tiếp mời các cơ quan, phóng viên, báo chí đến dự và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm chung tại địa phương.
Thứ ba: Chủ động phối hợp thực hiện công khai bản án trên Trang thông tin điện tử của TAND… nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện các cơ quan báo chí và toàn thể nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
PV: Chánh án có mong muốn gì đối với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp trong thời gian tới?
Chánh án Nguyễn Minh Hùng: Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và cải cách tư pháp trong thời gian tới, bản thân tôi có một số mong muốn sau:
Thứ nhất: Mong các cơ quan báo chí tích cực phối hợp với TAND về công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước…, đặc biệt, pháp luật mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhanh chóng, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân…
Đồng thời, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, báo chí tích cực tuyên truyền, biểu dương gương người tốt – việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật, những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm… nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật… Đặc biệt là tầng lớp nhân dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.
Thứ hai: Tích cực phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm là Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức các phiên tòa trực tuyến… Tham gia tuyên truyền, phổ biến, đưa các tin bài thực hiện các đề án cải cách xây dựng bộ máy làm việc, mô hình Tòa án bốn cấp, phân định rõ thẩm quyền xét xử gắn với các chức danh tư pháp; xác định rõ vai trò, vị trí của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp… nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp đối với các cơ quan tư pháp nói chung và đối với hệ thống TAND nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.