Chánh án TAND Tối cao: Chưa có giải pháp thi hành bản án 600 tỉ đồng của ông Đinh La Thăng
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, 8h00 sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.
>> TRỰC TIẾP: Phiên chất vấn Chánh án tòa án nhân dân tối cao
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề: Việc thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ghi nhận. Qua theo dõi, hiện nay một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này?
Bên cạnh đó, cử tri phản ánh số lượng án khó thi hành không nhiều, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định xã hội, khiếu nại, tố cáo kéo dài. Do đó đề nghị Chánh án cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng trên?
Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên thực tế, một số tài sản như nhà cửa hình thành trong hôn nhân có cả phần sở hữu của vợ con, của những người thân trong gia đình đối tượng tham nhũng. Với những tài sản này, luật quy định không thể thu hồi nên cơ quan thi hành án buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, nếu có cơ chế như nhiều nước đang thực hiện, việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.
Cụ thể, nhiều nước đang áp dụng quy định với những tài sản chung của vợ chồng, nếu người phạm tội không giải trình được tài sản đó đã được hình thành như thế nào thì tính hợp lý của nó cũng không được công nhận và tài sản sẽ bị tịch thu.
Vì vậy, để tăng tính hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng, ông Bình cho rằng giải pháp căn cơ là phải thay đổi luật, không có cách nào khác.
Về việc nhiều bản án khó thi hành, Chánh án TAND Tối cao nhìn nhận có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tòa tuyên án không rõ nên khó thi hành. Ông Bình cho biết, tỷ lệ án tuyên không rõ đã được khắc phục qua nhiều năm. Đến nay, tỷ lệ này mỗi năm là khoảng 200 vụ. Với nguyên nhân này, ngành tòa án có trách nhiệm phải giải thích bản án rõ ràng, nếu thi hành sai thì kháng nghị để sửa lại.
Nguyên nhân thứ hai là bản án tuyên rõ và đúng nhưng không thi hành được.
Ông Bình lấy ví dụ, trong vụ án xảy ra tại TrustBank - Ngân hàng Xây dựng, bà Hứa Thị Phấn làm ngân hàng thiệt hại mười mấy nghìn tỷ đồng, tòa tuyên bà bồi thường số tiền này. Nhưng tòa tuyên xong, bà Phấn qua đời nên không thể thi hành án.
Một vụ án khác được Chánh án TAND Tối cao dẫn chứng là vụ tham nhũng ở Ngân hàng Ocean Bank liên quan đến ông Đinh La Thăng. Với vụ án này, tổng số tiền thiệt hại là 800 tỷ đồng, trách nhiệm dân sự của các bị cáo là phải bồi thường đủ số tiền này theo tỷ lệ phần được chia.
"Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng nhưng lại phải ngồi tù. Đây cũng là bản án khó thi hành nhưng không thể không tuyên vì luật quy định như vậy. Cách nào để làm cho bản án này thực thi được thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp", ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong vòng 10 năm qua là 40%. Ông cho rằng đây là con số đáng ghi nhận nhưng cần thêm giải pháp để việc thu hồi hiệu quả hơn.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Thực hiện : Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số