Chánh án TAND tối cao: Nhiều đại biểu trách chánh án không chỉ đạo
Nhiều đại biểu trách chánh án vì sao không chỉ đạo, nhưng chánh án chỉ đạo thì vi phạm độc lập xét xử của tòa án', Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Nhiều đại biểu đề nghị Chánh án “chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia"
Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị Chánh án TANDTC cho biết giải pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đề ra.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, độc lập là một trong những nguyên tắc căn cốt của tòa án. Độc lập giữa các cơ quan, giữa các tòa án, giữa cấp trên cấp dưới.
“Ngành tòa án quán triệt chặt chẽ nguyên tắc này, thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, đặt ra quy trình phân án ngẫu nhiên, thường xuyên kiểm tra tránh can thiệp vào xét xử, Chánh án không được can thiệp vào xét xử của thẩm phán.
Chánh án TAND tối cao đề nghị các đại biểu Quốc hội tôn trọng tuân thủ nguyên tác này, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án.
“Nhiều đại biểu Quốc hội có chuyển đơn, trong đó đề nghị chánh án "chỉ đạo giải quyết vụ này, vụ kia". Chúng tôi nhận đơn của đại biểu Quốc hội cũng chỉ chuyển đơn để giải quyết theo thẩm quyền của tòa án. Nhiều đại biểu trách chánh án vì sao không chỉ đạo, nhưng chánh án chỉ đạo thì vi phạm độc lập xét xử của tòa án", Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Nỗi lo lắng nhất của thẩm phán sau khi “phấn đấu cả đời”
Chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong xét xử các vụ án hình sự đã cho thấy còn nhiều trường hợp Tòa án nhân dân các cấp xét xử sai tội danh đối với hành vi phạm tội; áp dụng không đúng điểm, khoản, điều luật áp dụng… dẫn đến mức phạt thấp hơn khung hình phạt.
Đại biểu đề nghị Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ trong những trường hợp này có hay không lỗi chủ quan hay chủ đích của thẩm phán và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này trong toàn ngành?
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực trạng này có lỗi chủ quan nhưng tỉ lệ chỉ dưới 1,5%, đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội.
“Hàng năm, các tòa án phải xử lý khoảng 80.000 vụ án hình sự và với các vụ án bị hủy, sửa theo lỗi chủ quan của các thẩm phán sẽ bị xử lý nếu vượt quá ngưỡng tòa tối cao và Quốc hội đề ra. Nếu lỗi nghiêm trọng, thẩm phán bị kỷ luật, nếu lỗi không nghiêm trọng sẽ bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm, không xếp loại thi đua. Các thẩm phán rất lo lắng về không tái bổ nhiệm. Phấn đấu cả đời được làm thẩm phán nhưng tỉ lệ hủy, sửa cao hơn yêu cầu Quốc hội, của tòa án sẽ không tái bổ nhiệm", ông Bình cho biết.
Nói về các vụ việc, vụ án quá thời hạn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, có nguyên nhân chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu xuống mỗi năm dưới 200 vụ. Nguyên nhân chủ quan khác là về năng lực, tinh thần trách nhiệm của các thẩm phán, hoặc do các yếu tố chủ quan khác. Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này trong thời gian tới.
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, trong những năm qua, mặc dù ngành Tòa án đã triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ, tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành toán đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.
Thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành Tòa án nhân dân xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành Tòa án nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành Tòa án nhân dân trong thời gian tới?
Chánh án TAND tối cao cho biết, từ năm 2021, số lượng cán bộ tòa án bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự là hơn 100 vụ. Quan điểm của tòa án là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che.
Về vấn đề phòng ngừa, đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ cho thẩm phán. Trong đó, đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức thẩm phán và được giảng dạy trong trường đại học của hệ thống tòa án.
Với những trường hợp phát hiện vi phạm chuyển cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý vi phạm, không bao che. Chánh án đã ban hành quy định 120 về xử lý những vi phạm của thẩm phán và rất nghiêm, thậm chí vượt quá yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, nghị quyết của Quốc hội cho phép tòa án được hủy sửa 1,5% số vụ án, nhưng quy định 120 chỉ cho 1,16% án hủy sửa. Nếu thẩm phán nào vượt quá sẽ không được tái bổ nhiệm.
Có tình trạng thư ký tòa án xin nghỉ việc
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục số lượng biên chế các đơn vị không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là đội ngũ thư ký tòa án, trong khi số lượng các công việc phải thụ lý ngày càng tăng và yêu cầu về nâng cao chất lượng đã tạo áp lực không nhỏ đối với các đơn vị thuộc TAND hai cấp ở các địa phương trên cả nước.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, do quy mô nền kinh tế, quy mô dân số như hiện nay, số lượng tòa án giải quyết các vụ việc lớn và có xu hướng tăng, gây áp lực cho biên chế. Theo quy định, mỗi thẩm phán có một thư ký để phục vụ thụ lý án, nhưng hiện nay một thư ký phục vụ cho 3 - 4 thẩm phán; trong khi chế độ đãi ngộ thấp nên có tình trạng thư ký tòa án xin nghỉ việc.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, với biên chế hiện có, giải pháp chủ yếu vẫn phải động viên và áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Từ năm 2021 đến nay, bắt đầu đưa vào trợ lý ảo được xem như đột phá của công nghệ thông tin, hỗ trợ cho thẩm phán trong việc truy tìm các văn bản pháp luật; hỗ trợ áp dụng án lệ; tra cứu, tham khảo các bản án có tình huống pháp lý tương tự để hỗ trợ cho thẩm phán nâng cao năng suất. Giải pháp tiếp theo là tăng cường hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, việc càng nhiều, việc đưa ra xét xử càng ít và giảm tải cho ngành tòa án. Về lâu dài vẫn phải có số lượng biên chế phù hợp với khối lượng công việc.
Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo mạo danh cán bộ Tòa án gọi điện tống tiền