Chánh án TAND TP HCM lên tiếng vụ bị đơn đòi nhảy lầu

Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong cho biết đã báo cáo vụ việc lên TAND Tối cao và khuyên các đương sự bình tĩnh, bình tâm chờ phán quyết cuối cùng.

Liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ quận 12) và bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ quận Gò Vấp), phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TP HCM về những vấn đề quanh vụ việc này.

- Thưa ông, sau khi TAND TP HCM tuyên án, trên mạng xã hội có những tranh luận về vụ tranh chấp, đến nay lãnh đạo TAND TP HCM đã nắm bắt thông tin này hay chưa?

- Ông Lê Thanh Phong: Sau khi bản án được tuyên, chúng tôi đã có báo cáo gửi Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM để các cơ quan này xem xét theo thẩm quyền. Nếu có căn cứ thì giám đốc thẩm theo luật định hoặc theo yêu cầu của đương sự.

Còn nội dung bản án, tôi sẽ yêu cầu thẩm phán đăng công khai bản án trên cổng thông tin điện tử để mọi người cùng xem. Về nội dung bản án, hội đồng xét xử sẽ chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, hợp pháp có căn cứ pháp luật trong những phán quyết. Còn việc sai sót chỗ nào, đúng chỗ nào thì cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét. Đây là vụ tranh chấp dân sự, mà dân sự thì cốt ở hai bên chứ không phải là án hình sự.

Ông Lê Văn Dư đang đứng trên phần đất bị khởi kiện, tranh chấp

Ông Lê Văn Dư đang đứng trên phần đất bị khởi kiện, tranh chấp

-Việc bị đơn là ông Lê Văn Dư có yêu cầu đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Đỗ Khắc Tuấn vì ông Dư cho rằng ông Tuấn là bạn thân của ông Phan Quý, có quan hệ mua bán đất với ông Quý ở quận 9 và quận 12. Vậy lãnh đạo tòa có biết yêu cầu này hay không?

- Ông Lê Thanh Phong: Về vấn đề đổi thẩm phán, chúng tôi cũng đã có báo cáo lên lãnh đạo TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại TP HCM. Về nguyên tắc, để chứng minh chủ tọa không vô tư, khách quan thì ngoài đơn yêu cầu đổi thẩm phán, đương sự phải gửi kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứ không thể nói miệng vì đương sự chỉ nghi ngờ mà không có bằng chứng cụ thể. Ở phiên tòa sơ thẩm, đương sự cũng yêu cầu đổi chủ tọa phiên tòa và lên phúc thẩm cũng có yêu cầu tương tự.

- Sau khi vụ tranh chấp được tuyên vào ngày 1-7 thì TAND TP HCM có yêu cầu thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn giải trình sự việc hay không, thưa ông?

- Ông Lê Thanh Phong: Chúng tôi đã có yêu cầu và chủ tọa cũng đã có giải trình. Trên cơ sở giải trình của chủ tọa phiên tòa, chúng tôi đã báo cáo toàn bộ diễn biến vụ việc lên TAND Tối cao.

- Dư luận cho rằng bản án này không đúng ở nhiều điểm, vậy ông có ý kiến gì về tranh luận trái chiều này?

- Ông Lê Thanh Phong: Như tôi đã nói ngay từ đầu, việc xem xét tính đúng, sai là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu chứ không thể đưa ra những dự liệu, tình tiết, giai đoạn để nói đúng sai. Chúng ta không nên bình luận như thế mà hãy để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu toàn bộ quá trình giải quyết và hội đồng xét xử khi xử cũng đã xem xét rất thận trọng. Liên quan đến tranh chấp đất đai thì rất nhiều vấn đề phức tạp, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ chính sách pháp luật có sự thay đổi, có nhiều cách hiểu còn nhiều quan điểm để xem xét.

- Ông có thông điệp nào gửi đến các đương sự trong khi vụ việc đã được báo cáo lên Chánh án TAND Tối cao?

- Ông Lê Thanh Phong: Trong thời gian này, các đương sự cần bình tĩnh, bình tâm chờ phán xét của cấp có thẩm quyền, đừng nên có nhiều bức xúc rồi có những hành động đáng tiếc thì rất không nên vì TAND Tối cao đã rút hồ sơ lên xem xét. Cứ yên tâm là pháp luật công bằng và hội đồng xét xử sẽ chịu trách nhiệm về phán quyết. Nếu đâu đó có biểu hiện chưa chuẩn thì còn có cấp trên để xem xét theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì các bên đến với nhau bằng quan hệ tình cảm thân thiết, tin tưởng để mua bán đất đai. Ngay từ đầu, việc mua bán này cũng không đúng quy định của pháp luật, lẽ ra việc mua bán này phải có giấy tờ đầy đủ. Khi vụ tranh chấp xảy ra, các đương sự không lấy tình cảm ban đầu để đối xử với nhau dẫn đến đưa nhau ra tòa. Khi đưa ra tòa thì phải xét xử mà pháp luật thì chỉ có một mà thôi.

-Có dư luận cho rằng ông Phan Quý từng làm trưởng phòng tại VKSND TP HCM, con trai ông Quý cũng đang công tác tại VKSND TP HCM, con gái công tác tại TAND quận Gò Vấp nên vụ tranh chấp có phần lợi thế?

- Ông Lê Thanh Phong: Không có chuyện như vậy đâu. Đâu phải ông Phan Quý từng làm trưởng phòng mà xử bậy được. Bên bị đơn có 4 luật sư, bên ông Phan Quý có 2 luật sư nên các bên đều ứng xử theo quy định của pháp luật. Tất cả đều có tài liệu, chứng cứ chứng minh và mối quan hệ không thể làm thay đổi bản chất sự việc và hội đồng xét xử sẽ chịu trách nhiệm đối với các phán quyết của mình.

- Khi bản án được tuyên thì phía bị đơn có gửi khiếu nại đến TAND TP HCM hay không, thưa ông?

-Ông Lê Thanh Phong: Đến thời điểm này thì chúng tôi chưa nhận được khiếu nại của đương sự. Bản án sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa và chúng tôi đã chủ động báo cáo lên TAND Tối cao.

-Dư luận cho rằng thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn - Phó Chánh án TAND TP HCM là chủ tọa phiên tòa dù ông Tuấn làm công tác quản lý, phụ trách mảng kinh tế, hành chính nhưng vẫn tham gia xét xử dân sự?

- Ông Lê Thanh Phong: Về vấn đề này thì chúng tôi có tòa chuyên trách nhưng không phải thẩm phán chuyên trách. Thẩm phán vẫn có thể tham gia xét xử theo sự phân công và thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn là người có kinh nghiệm nhiều mà vụ này cũng cần có người có thâm niên, có bề dày xét xử. Có thể hiểu rằng, thẩm phán tòa gia đình cũng có thể xét xử dân sự, vẫn xử án hình sự vì phân chia theo tình hình giải quyết án và nhiều vụ án cần phải có người có kinh nghiệm.

Cũng nói thêm, trong câu chuyện xét xử án dân sự, một khi đã ra phán quyết thì mỗi người có một bức xúc khác nhau mà phán quyết thì có một, bên được bên không. Chỉ có hòa giải thì hai bên đều có cái được. Nếu ra phán quyết, bên không được sẽ có những bức xúc, la hét, có những lần hội đồng xét xử còn bị đuổi đánh và vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là ông Phan Quý, bị đơn là ông Lê Văn Dư cũng là một biểu hiện minh chứng.

Theo án sơ thẩm, năm 1999, vợ chồng ông Phan Quý nhận chuyển nhượng từ ông Huỳnh Hữu Lợi tổng diện tích 3.500m² đất thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp. Đến năm 2002, ông Phan Quý bán lại cho ông Khâu Văn Sĩ 500m² đất bằng giấy tay.

Năm 2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng (ông Thắng là cháu ông Dư) mỗi người 87m² đất. Khi chuyển nhượng thì ông Dư và ông Thắng được hứa hẹn sẽ tách thửa, đăng bộ diện tích đất.

Sau đó, các ông Dư, Thắng, Sĩ có chuyển nhượng đất qua lại với nhau và việc mua bán có hợp đồng nhưng không công chứng. Khi các bên đang sinh sống ổn định trên phần đất đã mua thì giữa năm 2017, ông Phan Quý khởi kiện ra TAND TP HCM yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán đất giữa ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây.

Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên ông Phan Quý thắng kiện, hủy hợp đồng mua bán đất của ông Quý với ông Sĩ. Chấp nhận một phần phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.

Xử phúc thẩm, HĐXX TAND TP HCM tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên giữa nguyên đơn và 3 bị đơn vô hiệu.

PHẠM DŨNG thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/chanh-an-tand-tp-hcm-len-tieng-vu-bi-don-doi-nhay-lau-20200706152953833.htm