CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO GIẢI TRÌNH, LÀM RÕ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM VỀ DỰ ÁN LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Sáng ngày 25/5, sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, qua thảo luận, đại đa số các ý kiến đại biểu bày tỏ sự tán thành với Tờ tình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ban soạn thảo trân tọng cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Về nội dung liên quan đến phí, bổ sung quy định về điều cấm, quy định tiêu chuẩn… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.

Về địa điểm tổ chức hòa giải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, khác với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Thẩm phán tiến hành và được tổ chức tại trụ sở Tòa án; hòa giải, đối thoại theo Luật này do Hòa giải viên tiến hành, là hình thức ngoài tố tụng do đó cần được quy định linh hoạt, mềm dẻo với mục đích tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bên đương sự đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp. Do đó, Dự án Luật quy định việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.

Về nội dung Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng làm Hòa giải viên; đồng thời, một số đại biểu chỉ ra rằng, về tiêu chuẩn của Hòa giải viên, dự Luật quy định ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên, quy định thời gian 10 năm như trên là quá dài, chỉ cần quy định 05 năm là đủ.

Đối với vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Do đó việc quy định 10 năm sẽ đảm bảo được chuyên môn chắc, chất lượng hòa giải, đối thoại tốt. Còn sau này khi bước vào thực hiện, nếu cơ quan chuyên môn thấy rằng Hòa giải viên có 5 năm kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo chất lương hòa giải tốt thì sẽ cân nhắc, xem xét.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Về việc bảo đảm bí mật của hòa giải, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đó trong Luật quy định không được ghi biên bản, ghi âm, ghi hình để đảm bảo các bên không bị chia sẻ thông tin cá nhân. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Hòa giải viên phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ về bí mật thông tin theo quy định của Luật này.

Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, đối với các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm cho ý kiến, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm để hoàn thiện các nội dung của Dự án Luật./.

Bảo Yến- Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=45799