Chánh án Tối cao nói về việc thu hồi tài sản vụ án liên quan ông Thăng
'Trong vụ án ở OceanBank, ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ và ngồi tù. Đây là bản án khó thi hành', Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng 20/3, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) cho biết trong những vụ án tham nhũng, một số người thi hành án phải kê biên thu hồi, xử lý tài sản nhưng việc thu hồi tài sản vẫn chậm.
"Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Quan điểm và hướng xử lý của ngành tòa án vấn đề trên như thế nào", ông Khoa đặt câu hỏi và cho biết câu hỏi này cũng được gửi đến Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Cần sửa luật để tăng hiệu quả thu hồi tài sản
Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trên thực tế, một số tài sản như nhà cửa hình thành trong hôn nhân có cả phần sở hữu của vợ con, của những người thân trong gia đình đối tượng tham nhũng.
Với những tài sản này, Luật quy định không thể thu hồi nên cơ quan thi hành án buộc phải tuân thủ.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nếu có cơ chế như nhiều nước đang thực hiện, việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.
Cụ thể, nhiều nước đang áp dụng quy định với những tài sản chung của vợ chồng, nếu người phạm tội không giải trình được tài sản đó đã được hình thành như thế nào thì tính hợp lý của nó cũng không được công nhận và tài sản sẽ bị tịch thu.
Vì vậy, để tăng tính hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng, ông Bình cho rằng giải pháp căn cơ là phải thay đổi luật, không có cách nào khác.
Về việc nhiều bản án khó thi hành, Chánh án TAND Tối cao nhìn nhận có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tòa tuyên án không rõ nên khó thi hành. Ông Bình cho biết tỷ lệ án tuyên không rõ đã được khắc phục qua nhiều năm. Đến nay, tỷ lệ này mỗi năm là khoảng 200 vụ. Với nguyên nhân này, ngành tòa án có giải pháp là phải giải thích bản án rõ ràng, nếu thi hành sai thì kháng nghị để sửa lại.
Nguyên nhân thứ hai là bản án tuyên rõ và đúng nhưng không thi hành được.
Ông Bình lấy ví dụ trong vụ án xảy ra tại TrustBank - Ngân hàng Xây dựng, bà Hứa Thị Phấn làm ngân hàng thiệt hại mười mấy nghìn tỷ đồng, tòa buộc phải tuyên bà bồi thường số tiền này. Nhưng sau khi tuyên xong, bà Phấn qua đời nên không thể thi hành án.
Một vụ án khác được Chánh án TAND Tối cao dẫn chứng là vụ tham nhũng ở Ngân hàng Ocean Bank liên quan đến ông Đinh La Thăng. Với vụ án này, tổng số tiền thiệt hại là 800 tỷ đồng, trách nhiệm dân sự của các bị cáo là phải bồi thường đủ số tiền này theo tỷ phần được chia.
"Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng nhưng lại phải ngồi tù. Đây cũng là bản án khó thi hành nhưng không thể không tuyên vì luật quy định như vậy. Cách nào để làm cho bản án này thực thi được thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp", ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong vòng 10 năm qua là 40%. Ông cho rằng đây là con số đáng ghi nhận nhưng cần thêm giải pháp để việc thu hồi hiệu quả hơn.
Nguồn gốc của nhiều tài sản phức tạp
Cho thêm ý kiến về nội dung trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết với nhiều giải pháp, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua có kết quả khá tích cực.
Theo số liệu trong các tháng đầu năm 2023, cơ quan đã thu hồi trên 17.000 tỷ đồng. Nếu xét số lượng tuyệt đối, con số này tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, ông Long thừa nhận còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó, số lượng tài sản tập trung ở các vụ án lớn, nằm rải rác trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, nguồn gốc và tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên phức tạp, mất nhiều thời gian để xác minh và làm rõ. Việc xác minh tài sản chung riêng cũng còn gặp khó khăn.
Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Tư pháp cho biết ngành sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo về thu hồi tài sản tham nhũng và kinh tế; phối hợp với cơ quan tố tụng để làm tốt việc này, tập trung các vụ án lớn được dư luận quan tâm.
Ông Long cũng đề nghị Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát vì "nếu có nhiều mắt tập trung vào đây thì việc tẩu tán tài sản tham nhũng sẽ giảm".
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam- nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
SáchBàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệmlà kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.