Chánh Thanh tra nói gì về lời khai nhận hối lộ để chia chác của Thanh tra viên?
Theo Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra viên tự liên hệ và thỏa thuận rồi nhận hối lộ của người được thanh tra
Ngày 3-7, ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã nhận được thông báo của Công an TP Buôn Ma Thuột về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Văn Tuệ (SN 1965, Thanh tra viên Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
"Do ông Tuệ đã bị bắt tạm giam 4 tháng nên Sở không ra quyết định đình chỉ công tác vì như vậy là hình thức. Sở cũng đã chỉ đạo Thanh tra tiếp nhận, chia sẻ công việc của ông Tuệ cho các thành viên" - ông Mạnh cho biết thêm.
Thanh tra viên khai ý định chia chác tiền hối lộ
Tại cơ quan công an, bước đầu ông Tuệ khai nhận lúc đầu yêu cầu bà Bùi Thị Phương Thúy (SN 1977, nhân viên thiết bị trường học của Trường THCS Trần Phú - xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đưa 200 triệu đồng để bỏ qua việc bà này sử dụng bằng cấp 3 giả. Bà Thúy đưa trước cho ông Tuệ 15 triệu đồng rồi hẹn lên TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xử lý.
Ngày 28-6, bà Thúy hẹn gặp ông Tuệ tại khách sạn M. A. (TP Buôn Ma Thuột) và xin ông Tuệ giảm bớt số tiền. Lúc này ông Tuệ nói với bà Thúy là do bà Thúy lên đột xuất nên ông chưa báo cáo với sếp được. "Anh dự kiến có 4 người, nếu bớt cho cô thì bớt phần của anh, đó là tình cảm. Cô ấy nói vậy là trăm rưỡi à, tôi ừ" - ông Tuệ khai nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Lê Trần Vinh, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Đoàn thanh tra, khẳng định bản thân không liên quan gì đến vụ việc ông Tuệ nhận hối lộ.
Theo ông Vinh, tháng 5-2020, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk thành lập Đoàn thanh tra, gồm 7 thành viên, trong đó ông làm trưởng đoàn, ông Tuệ là thành viên. Chức năng, nhiệm vụ của Đoàn thanh tra là thanh tra công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm công nhân, viên chức và kiểm tra hồ sơ cán bộ tại địa bàn huyện Krông Năng. Sau khi công bố thành lập đoàn thanh tra, ông Vinh đã quán triệt tất cả mọi việc liên quan thì ông Vinh là người giải quyết. Còn nếu vượt quá thẩm quyền thì ông sẽ trực tiếp báo cáo cấp trên. Yêu cầu không được tự quyết định bất cứ việc gì hết.
Cũng theo Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, công việc của ông Tuệ là kiểm tra hồ sơ viên chức, ai thiếu cái gì thì ghi vào rồi báo cáo. Nếu có nghi ngờ bằng cấp, chứng chỉ giả thì yêu cầu mang lên đối chiếu. Thanh tra cũng không thể kết luận là giả hay thật mà chỉ kết luận là có dấu hiệu làm giả và Giám đốc Sở sẽ đề nghị xác minh làm rõ.
Cũng theo ông Vinh, tất cả ngồi trong phòng của Phòng Nội vụ huyện để làm việc, mỗi người một mảng. Ngày 25-6, ông Vinh bận đi tiếp xúc cử tri nên không tham gia và chỉ có ông Tuệ và 2 thành viên xuống Krông Năng làm việc.
Trả lời câu hỏi 2 thành viên ngồi cùng phòng làm việc có biết việc ông Tuệ phát hiện bằng cấp giả hay không, ông Vinh nói chắc không biết vì 2 người kia được giao nhiệm vụ kiểm tra nội dung khác, không kiểm tra bằng cấp của viên chức cùng ông Tuệ.
"Tôi xuống làm xong thì trưa lên nhà nghỉ ngủ, không đi ra khỏi khu vực từ bên Phòng Nội vụ sang nhà nghỉ. Tôi làm hết mình, công khai minh bạch. Còn việc cá nhân ông Tuệ tự liên hệ với người ta trong lúc tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi cũng không thể quản lý ông ấy được. Tôi có trách nhiệm quản lý chung trong đoàn đã làm hết trách nhiệm về việc quản lý, quán xuyến công việc, nhưng việc này xảy ra ngoài giờ hành chính" - ông Vinh cho biết thêm.
Từng nghi ngờ Thanh tra viên làm điều mờ ám
Cũng theo Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, sau khi đoàn thanh tra về huyện Krông Năng làm việc được mấy hôm thì ông nghe dư luận có việc một số người xin số điện thoại của ông Tuệ. Lúc này, ông Vinh đã gọi điện cho Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng đề nghị làm văn bản yêu cầu hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên tuyệt đối không được liên hệ với cá nhân ông Tuệ. Nếu có vấn đề gì, Đoàn thanh tra sẽ mời lên phòng làm việc.
Theo ông Bạch Văn Mạnh, đợt thanh tra chưa xong nên chưa có kết luận về sai phạm nếu có. "Trong quá trình quản lý cán bộ, công chức để hành vi vi phạm pháp luật xảy ra thì phải quy trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan, đặc biệt là Thanh tra Sở Nội vụ. Sở Nội vụ sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý theo quy định" - ông Mạnh cho biết thêm.
Như đã phản ánh, ông Tuệ phát hiện trong hồ sơ của bà Thúy có 1 bản sao Bằng tốt nghiệp cấp 3 nghi là giả. Do đó, ông Tuệ đã liên lạc và yêu cầu bà Thúy đem bản gốc Bằng tốt nghiệp cấp 3 đến Phòng Nội vụ huyện Krông Năng để kiểm tra. Lúc này, bà Thúy đã thừa nhận với ông Tuệ việc bà Thúy sử dụng Bằng tốt nghiệp cấp 3 giả và nhờ ông Tuệ giúp đỡ, bỏ qua.
Trưa 26-6, ông Tuệ hẹn bà Thúy đến 1 nhà nghỉ ở huyện Krông Năng yêu cầu đưa 200 triệu đồng. Bà Thúy đưa cho ông Tuệ 15 triệu đồng và hẹn sẽ gặp nhau tại TP Buôn Ma Thuột để giải quyết. Ngày 28-6, trong quá trình 2 người trao đổi trong 1 khách sạn ở TP Buôn Ma Thuột, 2 người con của bà Thúy ập vào phòng giữ ông Tuệ lại, lấy máy điện thoại quay video. Ba mẹ con bà Thúy yêu cầu ông Tuệ phải trả lại số tiền 15 triệu đồng và bỏ qua việc bà sử dụng bằng cấp giả.
Ông Tuệ đồng ý về nhà lấy tiền mang đi trả. Trên đường đi, ông Tuệ gặp và nói sự việc cho ông Ngô Thanh Tr. (SN 1981, ngụ TP Buôn Ma Thuột). Khi thấy ông Tr đuổi theo, 3 mẹ con bà Thúy đã bỏ chạy vào siêu thị và nhờ bảo vệ của siêu thị đưa đến Công an phường Tân An trình báo sự việc.