Chào cờ trên Song Tử Tây
Được đứng nơi đảo xa để chào lá cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là hơn cả một niềm tự hào. Hãy đến Song Tử Tây, ra tận Trường Sa để thấy tình yêu biển đảo quê hương lớn đến nhường nào
Tháng 4-2019, tôi vinh dự được chọn là một trong 5 đại biểu của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đi thăm Trường Sa. Với những người sáng tác như chúng tôi, ai cũng muốn một lần trong đời được ra Trường Sa. Cảm xúc đó thật đặc biệt, trỗi dậy từ tình cảm thiêng liêng với biển đảo Tổ quốc.
Hơn cả niềm tự hào
Đoàn công tác lần này đi trên con tàu kiểm ngư KN-390, một trong những con tàu hiện đại mà chúng ta đang sở hữu. Tàu ra khơi vào tháng 3 âm lịch, là tháng trời yên biển lặng nhất trong năm, nói theo dân gian là "tháng 3 bà già đi biển". Thành thử suốt hơn 40 giờ, con tàu êm ái lướt sóng, chúng tôi thỏa sức ngắm biển trời mênh mông, hun hút đến vô tận.
Hai ngày đêm chứng kiến sự thay đổi của thời gian với đủ sắc thái, khiến cho hành trình không còn mang đến cảm giác xa vời. Không có sóng điện thoại, internet. Chừng đó đủ để có những khoảng lặng trong thế giới ảo đã từ lâu chi phối cuộc đời thật, để những thành viên trong đoàn công tác đủ thời gian làm quen với nhau và sau này sẽ trở nên thân thiết.
Ngồi trên boong tàu, nhìn về phía xa, tôi mơ màng liên tưởng về những hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà nhà Nguyễn lập nên để cai quản Hoàng Sa, Trường Sa. Cha ông ta khi mở đất về phương Nam, đã không tiếc công sức để tạo nên những hải đội lừng lẫy với những chiến công vô tiền khoáng hậu. Tại sao lại không viết một tác phẩm về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, để làm dày thêm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc? Câu hỏi ấy hun đúc trong tôi. Đó cũng là một cách góp vào công cuộc khơi gợi tình yêu với biển đảo quê hương, nâng hiểu biết về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Buổi sáng đầu tiên khi tàu cập bến, đoàn công tác chúng tôi đến đảo Song Tử Tây. Vì là chuyến đi theo chuẩn của Hải quân, nên việc xuống đảo cũng được quy định trước, rất trật tự. Theo thứ tự thì các thành viên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xuống cuối cùng. Do là ngày đầu tiên nên cả đoàn công tác chưa quen với những thao tác trong quân đội, nên nhóm chúng tôi lên được đảo Song Tử Tây thì đã sát giờ chào cờ. Loa phóng thanh hối thúc. Không ai bảo ai, tất cả chạy thục mạng dưới cái nắng chói chang của mùa khô trên đảo. Chẳng ai muốn muộn giờ phút thiêng liêng này.
Lúc tôi đứng được vào hàng, chủ động xếp với người đứng trên sao cho thẳng thì nghi lễ cũng được bắt đầu. Phải thừa nhận là những buổi xếp hàng từ ngày còn đi học sao mà có tác dụng đến thế, nó làm cho con người ta có ý thức hơn về tinh thần tập thể. Tôi rất tiếc là không kịp đưa điện thoại ra chụp lại khoảnh khắc này nhưng tự nhủ rằng không sao cả, bởi chỉ riêng việc được đứng nơi đảo xa để chào lá cờ Tổ quốc và hát Quốc ca, đã hơn cả một niềm tự hào.
Sự dồn nén của tinh thần dân tộc
Khi nhạc nền của bản Quốc ca vang lên, tôi không thể kìm được những giọt nước mắt. Đó là một cảm giác rất lạ, nó khiến cho tim tôi đập rất nhanh, cảm xúc trào dâng. Tôi hát cùng cả đoàn, giọng lạc đi giữa gió biển.
Giữa trùng khơi, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nền nhạc oai hùng. Khoảnh khắc này là độc nhất, nó không thể so sánh với bất cứ khoảnh khắc nào. Dù trong đầu tôi ngay lập tức so sánh với màn hát Quốc ca với hơn bốn vạn người trên sân vận động Mỹ Đình trong Giải Vô địch Đông Nam Á 2018 mà sau đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam đã giành chức vô địch. Màn hát Quốc ca tập thể đầy khí thế và niềm tự hào ấy cũng là một trong số ít các clip trên mạng mà tôi xem đi xem lại mỗi lúc xuống tinh thần. Xem clip ấy, chắc hẳn rất nhiều người muốn có mặt trên sân để cổ vũ, để được hòa mình vào sắc cờ đỏ trên khán đài. Và cũng thế, khi nghe tôi tả lại không khí chào cờ trên đảo, rất nhiều bạn bè tôi đều thốt lên ước muốn được một lần dự chào cờ trên đảo.
Dù cố gắng tập trung vào việc hát Quốc ca nhưng do thói quen quan sát trong công việc sáng tác thường ngày, tôi vẫn kịp đưa mắt nhìn xung quanh. Không ít người khóc như tôi, có điều không thành tiếng, bởi sự xúc động pha chút phấn khích này nó không bột phát ra ngoài nhiều. Nó gần như là sự dồn nén của tinh thần dân tộc, của lòng yêu nước, biển đảo Tổ quốc vốn đã in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân Việt.
Dù đã hơn một năm trôi qua, tiếng hát Quốc ca hôm ấy vẫn văng vẳng bên tai tôi và có lẽ, nó sẽ còn vang vọng mãi về sau. Trong tiềm thức, nó như có cả tiếng ngựa hí ở ải Chi Lăng, tiếng xung trận ở bến Bạch Đằng, lại như có tiếng gươm mài vào đá nơi núi rừng Lam Sơn. Những khoảnh khắc trong lịch sử ấy, nào kẻ hậu sinh như tôi biết được như thế nào, mà chỉ hình dung mơ hồ qua những tưởng tượng. Nhưng không hiểu sao, khi được hát Quốc ca trong lễ chào cờ thiêng liêng trên Song Tử Tây, những hình ảnh tưởng tượng ấy cứ thế hiện ra trong tôi, lúc thì oai hùng, lúc thì bi tráng nhưng chưa lúc nào thôi ngạo nghễ.
Hãy đến Song Tử Tây, ra tận Trường Sa, nơi đường biên của Tổ quốc, để thấy tình yêu biển đảo quê hương lớn đến nhường nào!
Mời bạn đọc gửi bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
. Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại gian khó của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển... đang ngày đêm canh giữ biển khơi.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không ngại khó, ngại khổ, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
. Thể loại: Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
. Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
. Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
. Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
. Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
. Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bien-dao/chao-co-tren-song-tu-tay-20201008201850442.htm