'Chao đảo' theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân mà còn tác động đến nhiều nhóm ngành, nghề, khiến thị trường trong nước 'nóng' lên và trở nên 'chao đảo'.

Ngày 01/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, kỳ điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần (vào ngày 1, ngày 11 và 21), trường hợp kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Nếu kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.

Đây là lần tăng giá xăng thứ 5 trong nước và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Đến thời điểm này, giá xăng RON 95 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Ngoài xăng, giá các mặt hàng dầu cũng tăng lên, cụ thể dầu diesel lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa 19.500 đồng/lít, dầu mazut 17.930 đồng/kg…

Chao đảo giá xăng dầu

Chao đảo giá xăng dầu

Nguyên nhân dẫn đến giá xăng dầu tăng cao là do sự bất ổn địa chính trị ở Đông Âu giữa Nga và Ukraine. Tình hình chính trị ở các nước này đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung năng lượng bởi Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thế giới, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao cho người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nhóm ngành, nghề như: Dịch vụ vận chuyển, lưu trữ và bưu chính; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thủy sản; dịch vụ khí đốt, cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất thải; dịch vụ vận tải, kho bãi… và gián tiếp đến các nhóm ngành sản xuất thực phẩm đồ uống và thuốc lá; sản xuất xe có động cơ, rơ mooc; khai khoáng…

Hiện nay một số địa phương cũng xuất hiện tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Kéo theo đó là sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Công điện nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban, ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng trục lợi; đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu…

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/kinh-doanh-thi-truong/chao-dao-theo-gia-xang-dau-110961.html