Cháo dinh dưỡng có thực sự dinh dưỡng

Cháo dinh dưỡng ăn liền được nhiều mẹ tin dùng vì cho rằng, cháo rất giàu dinh dưỡng, bổ sung đủ chất cho trẻ và quan trọng hơn là nó rất 'tiện' cho các mẹ bận rộn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, việc lạm dụng cháo dinh dưỡng sẽ khiến trẻ mất cân bằng dưỡng chất, biếng ăn, còi xương và nhiều tác hại khác.

Một cửa hàng bán cháo dinh dưỡng tại TP Thanh Hóa. (Ảnh minh họa).

Khuất mắt trông coi

Không cần mặt bằng rộng lớn, trang trí bày biện, các quầy cháo dinh dưỡng len lỏi trong từng ngõ nhỏ, tập trung nhiều ở khu vực gần trường mầm non và một số bệnh viện. Cháo có đủ loại: Thịt lợn, thịt bò, cá, gà, lươn, cua, ếch, rau, đậu, ngũ cốc... với giá giao động từ 10.000- 15.000 đồng/cốc.

So với việc phải chuẩn bị lích kích để có thể nấu được bát cháo cho trẻ thì những cốc cháo nấu sẵn, giá cả bình dân, bao bì lại bắt mắt, và hơn cả là gắn mác “dinh dưỡng” thế này quả là giải pháp hữu ích. Không mấy bà mẹ hoài nghi về mức độ tin cậy của sản phẩm này. Chỉ đến khi, một số phương tiện truyền thông đưa ra lời khuyến cáo về chất lượng và thành phần của cháo thì một số bà mẹ mới “cảnh giác” hơn. Nhưng, theo quan sát của chúng tôi thì đa phần các mẹ hoặc là không biết thông tin, hoặc chép miệng, tặc lưỡi “phải ăn nhiều mới có hại chứ con mình ăn ít chắc không sao”.

Chị Hoàng Thị Mai Hương, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa vừa mua cho con trai cốc cháo dinh dưỡng để nhờ cô giáo cho con ăn khi vào lớp học. Chị cho biết: “Vì công việc quá bận rộn, tôi ít có thời gian để chăm chút cho nồi cháo của con đảm bảo đủ chất. Từ khi có cháo dinh dưỡng bán sẵn, tôi thường xuyên mua cho con ăn lót dạ các buổi chiều và thỉnh thoảng mua cho con ăn sáng. Bé nhà tôi rất thích ăn cháo này, thậm chí còn thích hơn cả cháo mẹ nấu vì nó nhuyễn và mùi vị thơm ngon”.

Theo lời chị Hương, loại cháo dinh dưỡng mà chị thường mua là từ quán quen gần nhà. Bởi theo chị vì đây là “quán quen” nên có thể yên tâm về chất lượng nguyên liệu và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, tại một quán cháo dinh dưỡng gần cổng Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, chúng tôi đóng vai là khách đến mua cháo và muốn đi nhờ nhà vệ sinh để tiến sâu vào bếp ăn của quán. Khu vực chế biến cháo nằm cách nhà vệ sinh chỉ vài bước chân. Tại đây, nhiều rổ, thau... đựng thịt, cá rã đông không che đậy. Bên ngoài, những nồi đất nhỏ đựng thức ăn đã xay nhuyễn, nhìn qua khó lòng phân biệt đó là những thức ăn gì nếu chủ quán không tự giới thiệu đâu là ruốc, tim xay, thịt xay, rau cải, bí đỏ... Khi khách có nhu cầu loại cháo gì, bà chủ cho cháo trắng vào chiếc nồi nhỏ, lấy loại thịt phù hợp rồi quấy lại trên một chiếc bếp ga nhỏ nhầy nhụa mỡ và váng bẩn. Cháo chế biến xong sẽ được đựng trong cốc nhựa màu trắng, mỏng. Hỏi bà chủ về nguồn gốc các loại thực phẩm dùng để chế biến cháo thì được biết “Tất cả đều được bà mua ngoài chợ, vì vậy không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm”.

Đến một quán cháo khác trên đường Hải Thượng Lãn Ông, đối diện Bệnh viện Phụ sản, cháo được nấu ở góc tường bụi bặm. Chủ cơ sở tận dụng khoảng trống sau nhà, gần phòng vệ sinh để đặt bếp nấu. Người nấu nướng là một thanh niên trẻ, không mang khẩu trang, móng tay cáu bẩn. Cách nơi nấu cháo vài bước chân là nhà vệ sinh mở cửa toang hoác, bốc mùi. Cạnh đó là những hộp nhựa đã sử dụng được chủ cơ sở rửa lại rồi phơi khô, tiếp tục dùng đựng nguyên liệu nấu cháo. Khi được hỏi về việc sơ chế thức ăn không đảm bảo vệ sinh, chủ quán cháo nói: “Nhà tôi làm mấy năm rồi ai cũng khen sạch sẽ. Nguyên liệu chúng tôi mua toàn đồ tươi sống. Lấy đâu ra mất vệ sinh và bẩn”.

Nếu chỉ nhìn qua nhãn mác bóng bẩy, bắt mắt trên các hộp cháo dinh dưỡng thì ít ai có thể ngờ được những nguy cơ mầm bệnh ẩn chứa trong đó. Không ai biết được nguồn nguyên liệu chế biến cháo (cá, thịt, rau, củ...) có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không; thời gian bảo quản bao lâu... Trong khi đó, thức ăn nấu chín, ở nhiệt độ bình thường, không nên để quá 4 giờ. Vì cứ một giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn trong thức ăn có thể phát triển tăng gấp 5-10 lần.

Hiểm họa khôn lường

Khẳng định tính tiện lợi của cháo dinh dưỡng, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, cụm từ “cháo dinh dưỡng” mà hầu hết các loại cháo trên thị trường đang sử dụng chỉ có ý nghĩa thực sự khi thành phần dinh dưỡng được đảm bảo và hợp vệ sinh. “Cụm từ này thường khiến phụ huynh nhầm tưởng sản phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao nên chủ quan không bổ sung các loại thực phẩm khác cho trẻ. Trong khi đó trên thực tế, cháo dinh dưỡng cũng chỉ là một món ăn”, một bác sĩ nói.

Chưa kể, cháo chế biến sẵn không che đậy, nguyên liệu làm sẵn để trong tủ lạnh, nồi nấu cháo không đảm bảo vệ sinh... rất dễ gây ngộ độc. Thực tế đã chứng minh, tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, có nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì rối loạn tiêu hóa sau khi ăn cháo dinh dưỡng. Theo thông tin người nhà, trước khi trẻ ăn cháo, trẻ vẫn còn khỏe mạnh, sau khi ăn cháo thì có dấu hiệu nôn ói, tiêu chảy. Các bác sĩ ở đây cho biết, thực tế có không ít trẻ ăn cháo dinh dưỡng trong thời gian dài đã xuất hiện dấu hiệu suy dinh dưỡng, có bé ngày càng tỏ ra biếng ăn.

Ngoài ra để tăng hương vị, mà ở đây chủ yếu là tăng vị ngọt, dễ ăn của cháo, các cửa hàng bổ sung gia vị, chủ yếu là bột ngọt, hạt nêm, hành khô xay không có định lượng, chủ yếu dựa vào cảm quan của người bán. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa của trẻ. Đưa con đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chị Ngô Thị Thủy ở xã Nga Thủy (Nga Sơn), chia sẻ: “Cũng vì đặt niềm tin vào cháo dinh dưỡng mà tôi cho con gái ăn cháo “trường kỳ”. Cho đến gần đây để ý thấy con ngày càng gầy guộc, xanh xao, da chân tay thô ráp, lại thường xuyên đi ngoài tôi mới đưa con đi khám. Các bác sĩ cho biết con bị thiếu vi chất dinh dưỡng vì không được đảm bảo đủ các chất đạm, sắt, canxi... nên dẫn tới tình trạng trên”.

Theo Ths.bs Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một loại cháo được gọi dinh dưỡng thì phải tính toán đủ và cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng tùy theo lứa tuổi của trẻ, trong đó phải có đầy đủ các chất đạm (từ thịt, cá, trứng, cua...), tinh bột (cháo gạo, ngô...), chất béo (dầu ăn) và chất xơ (gồm các loại rau củ quả...). Ví dụ, bình thường trẻ 7 - 12 tháng, chất đạm một ngày cần 80 - 100g thịt hoặc thịt của cá, tôm chia 3 - 4 bữa, hoặc 1 lòng đỏ trứng gà/bữa. Một tuần cho trẻ ăn từ 3 - 4 quả trứng và rau, củ, quả. Nếu mua cháo dinh dưỡng nấu sẵn thì khó có thể đáp ứng được điều đó, vì khi mua 1 cốc cháo dinh dưỡng, người bán hàng sẽ chỉ cho 1 thìa nhỏ thịt và rau, củ quả. Công thức này dùng chung cho mọi lứa tuổi. Do đó, nếu chọn “cháo dinh dưỡng” cho bé thì các bà mẹ nên bổ sung thêm sữa và các loại thịt, cá khác.

Chưa kể, hầu hết các vỏ hộp đựng cháo dinh dưỡng đều làm từ nhựa tái chế: Mỏng, mềm, dễ xé rách, chịu nhiệt kém. Những loại nhựa này vô cùng độc hại khi sản sinh chất độc BPA, đây là những chất có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm như: Tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư. Ngoài ra, trong thành phần của các hộp nhựa tái chế này có thể chứa một chất cực độc ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam, đó là chất DOP (dioctin phatalat). Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, trẻ em có thể bị ảnh hưởng về giới tính, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Đặc biệt, những loại nhựa sử dụng một lần lại càng chứa nhiều chất độc hại vì bị tái chế lại nhiều lần, chất lượng nhựa càng ngày càng kém. Cháo được nấu xong đang ở nhiệt độ cao được đổ vào hộp nhựa rất dễ gây ra những phản ứng làm những chất độc hại có trong hộp nhựa hòa vào cháo. Điều này gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của người sử dụng, nhất là sử dụng trong một thời gian dài.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/chao-dinh-duong-co-thuc-su-dinh-duong/104263.htm