'Chảo lửa' Anh ngày càng khốc liệt
Sau khi trở về từ New York theo lệnh của Tòa án tối cao Anh, Thủ tướng nước này Boris Johnson đã kịch liệt chỉ trích các nhà lập pháp trong Hạ viện vì đã không ủng hộ kế hoạch của ông nhằm đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cũng như không đồng ý cho phép ông tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Tình trạng đối đầu tại 'chảo lửa' Anh hiện giờ đang trở nên vô cùng khốc liệt.
Xung đột trong nghị viện
Ông Johnson mới chỉ nhậm chức thủ tướng hồi tháng 7 vừa qua, nhưng việc ông đe dọa đưa nước Anh rời khỏi EU ngay cả khi không có thỏa thuận “ly hôn” với Brussels đã đẩy ông vào một cuộc xung đột với nhiều nghị sĩ. Hầu hết các thành viên của Hạ viện, nơi ông không còn giành được thế đa số, lo ngại việc Anh rời EU mà "không có thỏa thuận" sẽ dẫn đến một sự gián đoạn kinh tế lớn.
Ông Johnson đã lên tiếng chế nhạo các đối thủ của mình, tố cáo dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận là một "hành động đầu hàng" và cáo buộc các nhà lập pháp đang "phản bội" những cử tri Anh muốn rời EU. Hơn nữa, ông còn gạt bỏ mối quan ngại của nghị sĩ Paula Sherriff, người yêu cầu ông nhớ lại vụ án giết người mang động cơ chính trị hồi 3 năm trước đối với nghị sĩ Công đảng đối lập Jo Cox. Bà Cox đã bị sát hại hồi tháng 6-2016 trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về việc để Anh “đi hay ở” trong EU. Nghị sĩ Công đảng Stella Creasy, trong cuộc tranh luận về tính nguy hiểm của ngôn từ trong Hạ viện hôm 26-9, đặt câu hỏi rằng làm thế nào để ngăn chặn những kẻ độc đoán ở trong Quốc hội.
Wes Streeting, một nghị sĩ Công đảng, cho rằng mọi chuyện đã được lên kế hoạch. Ông nói với hãng tin CNN: "Tôi cảm thấy như có một chiến lược có chủ ý và có tính toán thay mặt chính phủ để gây căng thẳng và gia tăng sự thù địch với các nghị sĩ”. Sam Gyimah, người gần đây đã rời đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson để phản đối kế hoạch Brexit của ông, cũng đồng tình với quan điểm trên khi tuyên bố: "Đó là sự cố ý ... không có dự án nào trong chính phủ. Tất cả những gì họ muốn làm là rời khỏi EU bằng mọi cách”.
Đó là một chiến lược mà ông Johnson và đội ngũ của ông nghĩ rằng nó rõ ràng đang hoạt động. Các trợ lý của ông đơn giản là không tin rằng những ngôn từ mà ông Johnson sử dụng đã khơi dậy lòng căm thù đối với các nghị sĩ đối lập, và họ sẽ không xin lỗi vì điều đó. Hơn nữa, họ tin rằng ngôn từ của ông là hợp lý. Chính ông Johnson đã phản ứng ngay lập tức trước những lời chỉ trích về "hành động đầu hàng," nói rằng luật pháp "sẽ buộc chúng ta phải ở lại EU hàng tháng" và điều đó sẽ "làm suy yếu khả năng đàm phán đúng đắn của chúng ta tại Brussels”.
Tuy nhiên, từ “đầu hàng” có ý nghĩa đặc biệt, nhất là khi nó lại được đưa ra ngay chính tại Hạ viện. Như cựu lãnh đạo Công đảng Ed Miliband chỉ ra, từ này ám chỉ rằng Vương quốc Anh đang có chiến tranh với châu Âu. Tuy nhiên, ông nói: “Chúng ta không có chiến tranh với châu Âu và chúng ta cũng không có chiến tranh với nhau”.
Chia rẽ ngày càng sâu sắc
Kể từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về Brexit, sự chia rẽ giữa những người muốn ở lại, những người muốn ra đi với một thỏa thuận “mềm” và những người muốn rời đi mà không có thỏa thuận nào, đã trở nên vô cùng sâu sắc. Một số nghị sĩ, những người ủng hộ Brexit và một số bộ phận của phương tiện truyền thông đã tố cáo các thẩm phán, các nhà vận động chống Brexit và nhiều người khác với những lời lẽ thậm chí còn quá quắt hơn những gì được thủ tướng sử dụng hôm 25-9.
Ông Johnson có thể không quá rành mạch, nhưng điều đáng nhớ là ông chính là Thủ tướng của Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Như nghị sĩ Gyimah từng nói với CNN, "ông Boris Johnson đang hành động như một nhà vận động, chứ không phải là Thủ tướng”. Điều này là vô cùng quan trọng, khi để ý tới các trợ lý được ông Johnson thuê kể từ khi nhậm chức. Nghị sĩ này cho rằng ông Johnson là một “kẻ bù nhìn” trong chiến dịch Brexit, nhưng người ông thuê để trở thành cố vấn cho mình lại là Dominic Cummings, người đứng đầu chiến dịch “Rời đi” gây tranh cãi. Các nhà phê bình nói rằng ông Cummings và “đàn em” vẫn đang “bật” chế độ của chiến dịch “Rời đi” đó, hành xử giống như những kẻ yếu thế đang chiến đấu với giới quyền uy để giải quyết cuộc bỏ phiếu Brexit từ năm 2016. Rõ ràng nhóm này tin rằng hành xử theo cách tương tự trong chính phủ sẽ mang lại cho họ thành công.
Và ở một mức độ nào đó, họ giành được 1 điểm. Như Chủ tịch Hạ viện John Bercow đã nói hôm 26-9, "bầu không khí trong Hạ viện tồi tệ hơn bất kỳ điều gì tôi từng biết trong 22 năm qua”. Sự bế tắc này dường như không thể chấm dứt trong một sớm một chiều, nhất là vì chính phủ không tin rằng chính hành vi của họ đã dẫn đến tình cảnh này.
Theo báo Les Echos, điều mà các nghị sĩ Anh lo ngại là Thủ tướng Johnson sẽ tìm được phương tiện để lách luật, khiến nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, với các hệ quả dự kiến vô cùng lớn cho đôi bên. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Johnson hiện đang tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận với Brussels, nơi ông hy vọng sẽ có thể nhất trí với các nhà lãnh đạo EU khi họ gặp nhau vào ngày 17 và 18-10 tới. Ông Johnson khẳng định tiến bộ đang được thực hiện khi cố gắng “nhào nặn lại” các điều khoản ra đi do người tiền nhiệm Theresa May đưa ra nhưng bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Ngoài ra, những người ủng hộ ông Johnson dường như cũng sẽ không từ bỏ. Vì vậy, để trả lời câu hỏi của nghị sĩ Stella Creasy: Làm thế nào để ngăn chặn những kẻ độc đoán, câu trả lời là điều đó có thể sẽ không xảy ra cho đến khi có bằng chứng cho thấy chiến lược này đang khiến sự ủng hộ dành cho ông Johnson gặp tổn hại. Điều đó, cùng với sự bế tắc chính trị của Vương quốc Anh, đồng nghĩa với việc mọi thứ có thể sắp trở thành một địa ngục khủng khiếp hơn rất nhiều.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chao-lua-anh-ngay-cang-khoc-liet-164410.html