'Chảo lửa' Gaza sắp hạ nhiệt?
Ngày 20/5, máy bay chiến đấu của Israel vẫn tiếp tục không kích vào Dải Gaza, trong đó có kho vũ khí của Hamas và dinh thự của một chỉ huy nhóm này. Trong khi đó, tiếng còi báo động lại vang lên ở miền nam Israel và các khu vực tiếp giáp với Dải Gaza.
Dấu hiệu hạ nhiệt
Tính đến ngày 20/5, sau 11 ngày giao tranh, Phong trào Hamas ở Gaza đã đưa ra hai điều kiện để chấm dứt xung đột ở Gaza.
Trả lời phỏng vấn Hãng tin CBS, lãnh đạo cấp cao phong trào Hamas ở Gaza cho biết, lực lượng này chỉ chấm dứt các vụ phóng rocket nhằm vào Israel với hai điều kiện. Thứ nhất, quân đội và cảnh sát Israel phải đồng ý không tái xâm phạm nhà thờ al-Aqsa. Thứ hai, Israel không được buộc người Palestine ở khu vực Sheikh Jarrah phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Rạng sáng ngày 20/5, truyền thông Israel đã đề cấp tới việc thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn theo sáng kiến của Ai Cập. Israel cho biết sẽ tiến hành đánh giá để đảm bảo rằng các điều khoản của hiệp định đình chiến được đáp ứng. Trong khi đó, quân đội Israel vẫn tuyên bố luôn sẵn sàng chiến đấu.
Cùng với đó, ông Moussa Abu Marzouk, một quan chức cấp cao của Hamas, hôm 19/5 cũng dự đoán rằng, lệnh ngừng bắn có thể đạt được trong 1-2 ngày tới.
“Tôi nghĩ các nỗ lực đang được thực hiện liên quan tới lệnh ngừng bắn sẽ thành công. Tôi hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ đạt được trong một hoặc hai ngày tới dựa trên thỏa thuận giữa các bên”, ông Moussa Abu Marzouk nói với kênh truyền hình al-Mayadeen của Lebanon.
Trong một diễn biến liên quan khác, Thời báo phố Wall dẫn nguồn thạo tin cho biết, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể có hiệu lực ngay trong hôm nay, ngày 21/5. Theo đó, các nhà hòa giải của Ai Cập đã đạt được tiến triển trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Hamas. Các bên đã nhất trí trên nguyên tắc để ngừng bắn với sự trợ giúp của các bên trung gian nhưng chi tiết cụ thể vẫn đang được đàm phán trong bí mật.
Ở hậu trường, giới chức Israel cũng nói rằng, một lệnh ngừng bắn có thể sớm được đưa ra bởi Israel đã gần đạt được tất cả mục tiêu đề ra với chiến dịch quân sự nhằm vào Gaza.
Trên thực tế, với quan điểm cứng rắn, ngày 19/5, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào Hamas và các nhóm vũ trang người Palestine ở Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột giữa hai bên đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp.
Phát biểu sau khi thăm, làm việc với Trung tâm Chỉ huy Chiến dịch của quân đội Israel, Thủ tướng Netanyahu nói: “Mỗi ngày trôi qua, chúng ta làm suy giảm năng lực, tấn công thêm vào nhiều tòa nhà, kho dự trữ vũ khí và chỉ huy cấp cao của đối phương. Đây là quyền căn bản của Israel. Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của các chính phủ, đặc biệt là từ Tổng thống Mỹ Joe Biden cho quyền tự vệ của Israel. Tôi đã quyết định tiếp tục chiến dịch quân sự này cho tới khi đạt được mục tiêu khôi phục lại trật tự và an ninh cho người dân Israel”.
Tuyên bố của Thủ tướng Israel được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Biden - đồng minh thân cận nhất của Israel, kêu gọi xuống thang căng thẳng giữa Israel và Palestine ngày 19/5 (theo giờ địa phương), nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Hiện cuộc xung đột leo thang giữa Israel với Phong trào Hamas và các nhóm vũ trang người Palestine tại Gaza đã bước sang ngày thứ 11 mà chưa có dấu hiệu dịu bớt.
Theo Cơ quan Y tế Dải Gaza, đến thời điểm hiện tại, ít nhất 227 người, trong đó có 64 trẻ em và 38 phụ nữ thiệt mạng, 1.620 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza.
Ở chiều ngược lại, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, cuộc tấn công bằng rocket của Hamas vào lãnh thổ nước này đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 324 người bị thương. Theo IDF, Hamas đã nã hơn 3.700 quả rocket từ Dải Gaza vào miền Nam và miền Trung Israel kể từ ngày 10/5.
Cộng đồng quốc tế đang gia tăng lời kêu gọi hai bên ngừng bắn lập tức và đảm bảo an toàn cho người dân.
Những nỗ lực giải quyết xung đột
Cuộc xung đột ở Trung Đông đã làm dấy lên thế đối đầu ngoại giao tại Liên hợp quốc giữa Pháp và Mỹ. Đây là những căng thẳng công khai đầu tiên giữa hai quốc gia đồng minh kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay.
Bất chấp sự phản đối của Mỹ, Pháp đã đề xuất dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa Israel và Palestine, cũng như khôi phục các hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza.
Pháp đã không đề xuất cụ thể về thời điểm tiến hành bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết trên, trong khi văn bản này dường như chưa được lưu hành rộng rãi trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ hy vọng, dự thảo nghị quyết của nước này sẽ được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và các cuộc thảo luận được tổ chức nhằm thuyết phục Washington.
Mặc dù vậy, phía Mỹ ngay lập tức cho rằng nghị quyết trên có thể làm suy yếu những nỗ lực của Washington nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng.
Trả lời báo giới, người phát ngôn của Mỹ tại LHQ nêu rõ: “Chúng tôi đã luôn rõ ràng và nhất quán về việc sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao hiện nay nhằm chấm dứt bạo lực, chúng tôi sẽ không ủng hộ những hành động mà chúng tôi cho rằng sẽ làm suy yếu các nỗ lực giảm leo thang”.
Trên thực tế, Mỹ đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết tương tự trong những ngày gần đây, nhấn mạnh rằng Washington đang theo đuổi những con đường khác để giải quyết khủng hoảng tại Trung Đông. Do đó, nước này chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với đề xuất mới nhất của Pháp trong trường hợp cần thiết.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian đã tỏ ra thất vọng khi tuyên bố, việc kéo dài thời gian không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai và cần phải tránh nguy cơ một cuộc tấn công trên bộ của Israel để tình hình không vượt tầm kiểm soát. Không chỉ Pháp, mà nhiều đồng minh châu Âu cũng tỏ ra khó hiểu với lập trường của Mỹ. Trong khi một số kêu gọi Mỹ thể hiện trách nhiệm tập thể đối với hòa bình và an ninh quốc tế, thì số khác nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế chờ đợi sự trở lại của Mỹ đối với ngoại giao đa phương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chao-lua-gaza-sap-ha-nhiet-5641210.html