'Chảo lửa' Trung Đông: Vì đâu nên nỗi và giải pháp có thể là gì?

Tròn một năm kể từ vụ tấn công của phong trào Hamas nhằm vào Israel, đánh dấu sự khởi đầu của một chuỗi các sự kiện bi thảm, nếu không nói là thảm khốc, ở khu vực Trung Đông.

Ngày nay, các “điểm nóng”, xung đột quân sự ở Trung Đông thu hút sự quan tâm chú ý của giới chuyên gia, không thiếu những phân tích khác nhau mà các tác giả, tùy theo sự đồng cảm của mình, đổ lỗi cho cả những người Palestine cấp tiến và những người theo chủ nghĩa dân tộc trong chính quyền Israel về tình trạng bạo lực đang diễn ra.

Giờ đây, khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự trên nhiều mặt trận và có khả năng chuẩn bị cho cuộc đối đầu trực tiếp ngày càng gia tăng với Iran, nguyên nhân sâu xa của thảm kịch đang diễn ra có vẻ như chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Do đó, để nhanh chóng chấm dứt tình trạng đổ máu và tránh tái diễn, chúng ta cần nhìn sâu hơn về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay. Trước khi trả lời câu hỏi “phải làm gì”, cần phải làm rõ “vì sao nên nỗi”.

 Khung cảnh đổ nát ở Dải Gaza. Ảnh: TASS

Khung cảnh đổ nát ở Dải Gaza. Ảnh: TASS

Bên cạnh những vấn đề nội tại ở khu vực, như xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, sự can thiệp của các nước lớn trong và ngoài khu vực cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình bế tắc hiện nay.

Hơn 30 năm trước, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đảm nhận vai trò điều tiết các tiến trình ở Trung Đông. Cần lưu ý rằng, những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ hiện nay là Nga, Trung Quốc khi đó đang tập trung vào những vấn đề trong nước, không những không can thiệp, mà còn chấp nhận vai trò này của Washington.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới với những lợi ích chiến lược của Trung Đông, các nước lớn như Nga, Trung Quốc ngày càng quan tâm và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

Chiến dịch Syria của Nga đang “hái quả ngọt” khi dưới sự hỗ trợ của Nga, chính quyền Tổng thống Syria Assad đảo ngược tình thế, giải phóng và kiểm soát nhiều thành phố, khu vực trọng điểm.

Trung Quốc bắt đầu có những ảnh hưởng ngày càng tăng ở Trung Đông bằng Chiến lược “Vành đai, con đường”. Điều này cộng với những khó khăn của Mỹ tại hàng loạt “điểm nóng” trong khu vực, như Iraq, Syria, Afghanistan… khiến giới cầm quyền ở Washington quyết định dần rời bỏ khu vực như là một hệ quả tất yếu.

Việc các nước lớn xem Trung Đông như là một địa bàn cạnh tranh địa chiến lược ngày càng khiến khu vực này trở nên bất ổn. Người dân ở các quốc gia như Palestine, Lebanon và Yemen, đã mất hy vọng vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, đã trở nên “cực đoan” hơn và càng đi xa, họ càng ít tin vào khả năng thỏa hiệp và hòa giải với phương Tây hoặc với các đối thủ truyền thống của Israel.

Đổi lại, ở Israel, chính quyền của nội các chiến tranh duy trì chủ trương cứng rắn, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự đối với các “kẻ thù” ở khu vực. Trong khi, nhà nước Do Thái luôn biết cách thỏa hiệp với Mỹ bởi giới tinh hoa Mỹ, phụ thuộc vào vận động hành lang từ sự ủng hộ của Israel, sẽ không từ bỏ đồng minh của mình. Iran mệt mỏi với kiểu “mèo vườn chuột”, từ việc phương Tây tuyên bố Tehran là một phần của “trục ma quỷ” cho đến những lời hứa về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cũng chuyển sang các biện pháp quyết đoán hơn do lợi ích quốc gia quyết định.

Cuộc tấn công tên lửa ngày 2/10 là minh chứng rõ nhất cho nhận định trên. Mặc dù, kể từ khi nắm quyền, tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian chủ trương đàm phán với phương Tây, nhằm cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, Masoud Pezeshkian hiểu rằng các vấn đề về an ninh và danh tiếng chính trị của đất nước vượt xa tầm quan trọng của các khía cạnh kinh tế.

Trong bối cảnh Mỹ dần rút lui khỏi các vấn đề Trung Đông, khu vực lại thiếu một cơ chế có thể giải quyết những mâu thuẫn tích tụ, ngay ở Liên hợp quốc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thư ký Antonio Guterres không chỉ thể hiện sự bất lực hoàn toàn của mình khi cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng, mà còn phải chịu lệnh cấm nhập cảnh của Israel.

Trong bối cảnh đó, Nga, Trung Quốc nổi lên như những quốc gia tiềm năng đóng vai trò hòa giải ở khu vực. Thông qua những nỗ lực ngoại giao của Nga và các đối tác, các cấu trúc phản ánh xu hướng toàn cầu hướng tới đa cực, như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tiếp tục được củng cố. Với ảnh hưởng ngày càng được coi trọng của Nam bán cầu, các nước hàng đầu của đa số thế giới sẽ tìm mọi cách có thể để xây dựng lại trật tự thế giới đa cực.

 Xe tăng Israel gần biên giới Gaza. Ảnh: Reuters

Xe tăng Israel gần biên giới Gaza. Ảnh: Reuters

Rõ ràng, các cuộc chiến ở Trung Đông sẽ tiếp tục dưới hình thức này hay hình thức khác trong tương lai gần. Nhưng cho dù ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và các quốc gia đối tác khác có lớn đến đâu, tiến trình hòa bình cho Trung Đông sẽ không thể nào đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các nước lớn, nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc có thể ngồi lại với nhau trên cơ sở xây dựng lòng tin chính trị, đặt hòa bình, ổn định của Trung Đông lên trên hết, tìm ra công thức hiệu quả để giải quyết xung đột ở khu vực. Chỉ khi đó, mới mở ra cánh cửa ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho người dân Trung Đông, mà họ xứng đáng có được.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chao-lua-trung-dong-vi-dau-nen-noi-va-giai-phap-co-the-la-gi-post315913.html