CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LÂM ĐỒNG (3/4/1975 - 3/4/2025): Dấu son rực rỡ trong trang truyền thống của tuổi trẻ Đà Lạt
Cùng với phong trào cách mạng chung trên chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức, lớp lớp người trẻ tuổi của TP Đà Lạt cũng đã dũng cảm đứng dậy, hòa mình vào cuộc đấu tranh chung, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phong trào đấu tranh chính trị của tổ chức Đoàn và lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS) trong lòng đô thị Đà Lạt đã trở thành một dấu son rực rỡ trong trang truyền thống của tuổi trẻ thành phố cao nguyên.

Ngày 20/3/1975, Chi đoàn SVHS nội thành Đà Lạt nhận lệnh in ấn truyền đơn để tạo khí thế cho đồng bào và gây hoang mang cho bộ máy cầm quyền cũng như binh lính sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: tư liệu
• NHỮNG MỐC SON ĐÁNG TỰ HÀO
Trong phong trào đấu tranh chính trị của TNSVHS Đà Lạt thời kỳ kháng chiến, có thể kể đến 3 sự kiện đặc biệt nhất, gồm: Cao trào đấu tranh chính trị năm 1966; cao trào chống bầu cử độc diễn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 10/1971 và tổ chức nổi dậy làm chủ thành phố vào tháng 4/1975.
Trong đó, cuộc đấu tranh chính trị của SVHS và các tầng lớp Nhân dân Đà Lạt năm 1966 nhằm chống lại sự có mặt của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam, chống chính sách của nhà cầm quyền Sài Gòn là hợp tác với Mỹ, bán cảng Cam Ranh 99 năm cho Mỹ. Tháng 3/1966, phong trào đấu tranh chính trị do TNSVHS phát động đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân Đà Lạt. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra khắp thành phố. Lực lượng đấu tranh đã làm chủ khu trung tâm thành phố gần 3 tháng, chiếm Hợp tác xã Rau làm trụ sở, tổ chức các cuộc hội thảo, diễn thuyết; đối chất với Thị trưởng Đà Lạt là luật sư Nguyễn Thị Hậu. Đồng thời chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt, tổ chức phát thanh trong nhiều ngày. Ngày 4/4/1966, chính quyền tung quân đàn áp, Lực lượng Tranh thủ Dân chủ đốt Đài và rút lui an toàn.
Cuộc đàn áp kéo dài đã bắn chết 5 người trong đoàn biểu tình. Cùng với đó, Đại đức Thích Quảng Thiện và chị Đặng Thị Ngọc Tuyền (một học sinh 19 tuổi) cũng tự thiêu phản đối chiến tranh. Đám tang của họ đã biến thành cuộc biểu tình lớn với hơn 2 vạn người tham gia.

Tháng 3/1966, phong trào đấu tranh chính trị do SVHS phát động đã được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân Đà Lạt. Ảnh: tư liệu
Tháng 9/1971, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Đà Lạt, Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt phát động cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Hội thảo về cuộc bầu cử độc diễn được tổ chức tại Giảng đường chùa Linh Sơn, với hơn 200 nhân sĩ, trí thức, TNSVHS tham gia, phát động đốt thẻ cử tri, xuống đường đột kích ra khu trung tâm kêu gọi chống bầu cử độc diễn. Cuộc hội thảo tẩy chay bầu cử độc diễn đã biến thành cuộc biểu tình lớn của các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, làm cho cuộc bầu cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Đà Lạt ngày 3/10 trở nên tẻ nhạt, thưa thớt người đi bầu.
Đặc biệt nhất là cao trào TNSVHS tổ chức nổi dậy làm chủ thành phố, cùng các tầng lớp Nhân dân tham gia giải phóng Đà Lạt tháng 4/1975. Tháng 3/1975, Thị ủy Đà Lạt có chỉ đạo đối với lực lượng TNSVHS nội thành cần xác định vị trí các cơ quan quân sự, cơ quan hành chính để có thể dẫn đường cho lực lượng vũ trang khi đánh vào Đà Lạt. Tổ chức bảo vệ các địa điểm quan trọng như Tòa Hành chính tỉnh, Nha Địa dư, Nguyên Tử Lực, Bưu điện, Ngân khố, Viện Pasteur, Nhà máy đèn, Nhà máy nước và các kho gạo. Bên cạnh đó, thuyết phục các y, bác sĩ không đi di tản để sẵn sàng cứu chữa cho Nhân dân và thương binh. Đồng thời vận động Nhân dân may cờ Mặt trận Giải phóng. Rải truyền đơn khắp thành phố để tạo khí thế cho đồng bào và gây hoang mang cho bộ máy cầm quyền cũng như binh lính sĩ quan Việt Nam Cộng hòa.
Sáng ngày 1/4/1975, lực lượng TNSVHS Đà Lạt chớp thời cơ tập họp lực lượng tổ chức khởi nghĩa làm chủ thành phố ngay thời điểm địch rút chạy. Chi đoàn TNSVHS nội ô Đà Lạt đã tổ chức các đơn vị “Tự vệ thành” trang bị vũ khí phân công nhau đi bảo vệ các cơ quan, địa điểm quan trọng.
Trưa ngày 2/4/1975, TNSVHS nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình, treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng-rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát. Tình hình trật tự Đà Lạt được ổn định, đón lực lượng vũ trang và cán bộ chiến sĩ, chính quyền cách mạng vào tiếp quản Đà Lạt gần như nguyên vẹn vào ngày 3/4/1975.
Có thể nói, lực lượng TNSVHS nội thành Đà Lạt - những người trẻ mang trong mình trái tim ấm nóng tình yêu nước được hun đúc từ thế hệ cha ông đã đóng góp công sức không nhỏ của mình trong việc tổ chức khởi nghĩa làm chủ thành phố. Sau ngày giải phóng, hầu hết TNSVHS hoạt động bí mật trong nội thành Đà Lạt đã được điều động về cơ quan Thanh vận để hình thành Thành Đoàn Đà Lạt, xây dựng tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên Đà Lạt.

Sau ngày giải phóng, hầu hết SVHS hoạt động bí mật trong nội thành Đà Lạt đã được điều động về cơ quan Thanh vận để hình thành Thành Đoàn Đà Lạt. Trong ảnh: Đoàn cựu cán bộ Đoàn Khu VI tỉnh Lâm Đồng
• VẸN NGUYÊN KÝ ỨC THỜI HOA LỬA
Sau tròn 50 năm giải phóng Đà Lạt, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm nào từng xông pha trên chiến trường hoa lửa, nay đã trở thành những người ông, người bà. Sức khỏe có phần giảm đi, nhưng những ký ức và cảm xúc về một thời thanh xuân sôi nổi, hiểm nguy nhưng dũng cảm thì vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người con yêu tha thiết quê hương, hòa bình, dân tộc.
Trong cuốn hồi ký - truyện ký “Đà Lạt - Nội thành dậy sóng” gồm những bài viết về phong trào đấu tranh chính trị của TNSVHS Đà Lạt, ông Nguyễn Trọng Hoàng - khi đó là Bí thư Chi đoàn HSSV nội thành, lãnh đạo phong trào TNSVHS Đà Lạt chia sẻ niềm vui trong ngày giải phóng dân tộc: “Trưa ngày 30/4/1975, nghe đài thông báo tin chiến thắng, quân ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập, chúng tôi đã nhảy múa, hò hét như điên dại trong niềm vui như trong đời không có gì vui hơn thế”.
Lá cờ giải phóng treo trên nóc rạp Hòa Bình nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng vào ngày 2/4/1975 là do bà Thu Uy - một cán bộ hoạt động nội thành Đà Lạt làm việc tại Văn phòng Air Việt Nam Chi nhánh Đà Lạt đã cắt chiếc áo dài màu thanh thiên dành cho nhân viên hàng không của mình để may nên. Cùng may lá cờ với bà Thu Uy là bà Trần Thị Huệ, khi đó đang ở độ tuổi đôi mươi, là nữ sinh viên Viện Đại học Đà Lạt. “Vui mừng, xúc động và tự hào khi thấy anh em đã treo lá cờ trên nóc rạp Hòa Bình, tôi cùng Nhân dân Đà Lạt vô cùng sung sướng đón nhận một TP Đà Lạt được giải phóng hoàn toàn một cách hầu như nguyên vẹn, không đổ nát, không đổ máu”, bà hồi tưởng.
Trong khi đó, được giao nhiệm vụ tổ chức in và rải “Những tờ truyền đơn làm rung chuyển Đà Lạt” trong thành phố vào tháng 3/1975, ông Trần Đình Tài (Nguyên Phương, Bí danh B7) cùng đồng đội là ông Nguyễn Tri Diện (B71) đã làm việc lem luốc suốt 3 ngày, in được khoảng trên 1.700 tờ truyền đơn ngay tại nhà trọ của ông Diện. Đi qua những ngày tháng căng thẳng và gan trường, ông Trần Đình Tài xúc động: “Là người trong cuộc của lực lượng TNSVHS thời điểm lịch sử năm 1975, được giác ngộ đi theo con đường vinh quang nhưng cũng nhiều nguy hiểm của cách mạng, chúng tôi xem đó là kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ hào hùng, dám nghĩ, dám làm”.
Là người lên ý tưởng và cùng anh em thực hiện tờ báo của giới TNSVHS Đà Lạt mang tên “Trầm Hiện”, ông Cao Duy Hoàng chia sẻ rằng: “Quả thật là mãi cho đến sau ngày giải phóng, tôi mới hay rằng những năm tháng trước đó mình đã được tham gia trong một tổ chức hoạt động bí mật của Chi đoàn SVHS nội thành Đà Lạt, Chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam”. Với một người đã được đọc, được nghe nhiều câu chuyện về cuộc chiến đấu của những người dân Việt Nam yêu nước để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc từ những ngày còn là cậu bé trên dưới 10 tuổi, điều đó khiến ông vô cùng xúc động và càng trân trọng hơn giá trị của tự do, hòa bình.
Tròn nửa thế kỷ trôi qua. Mỗi người trong số họ cất giữ một kỷ niệm về những hoạt động mà mình đã trực tiếp tham gia trong quá trình chiến đấu, nhưng những câu chuyện của họ có điểm chung là đều ăm ắp lòng tự hào và xúc động. Một thế hệ trẻ đầy ý chí, tinh thần cách mạng, không sợ hiểm nguy, không màng mạng sống, xả thân cho công cuộc thống nhất đất nước đã trở thành những tấm gương sáng để tuổi trẻ thành phố hoa hôm nay tiếp tục rèn đức, luyện tài, góp sức xây dựng vào sự phát triển của quê hương, đất nước.