Chào mừng 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) Giỏi y thuật, sáng y đức (bài 1)
Đặt mục tiêu chữa bệnh cứu người, nâng cao sức khỏe nhân dân lên cao nhất, nhiều thế hệ thầy thuốc tỉnh Đồng Nai đã và đang không ngừng nỗ lực, rèn luyện để không chỉ giỏi về y thuật, mà còn sáng về y đức. Họ xem hạnh phúc của người bệnh là hạnh phúc của chính mình.

Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Vân trao đổi với các bác sĩ trẻ về hướng điều trị cho bệnh nhân suy tim nặng. Ảnh: H.Dung
Bài 1: Cống hiến trọn đời cho ngành y
Năm 2024, Đồng Nai có 16 cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú.
Điểm chung của các Thầy thuốc Ưu tú là đã cống hiến gần như trọn đời mình cho ngành y. Dù đường đi có đôi khi khó khăn, gập ghềnh nhưng họ không nản lòng, vẫn kiên định theo đuổi con đường đã chọn.
Người đưa kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim về Đồng Nai
Khoảng 10 năm trở lại đây, lĩnh vực tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có những bước phát triển vượt bậc. Không chỉ đưa kỹ thuật mổ tim hở, mổ tim nội soi đi vào thường quy, bệnh viện còn triển khai nhiều kỹ thuật cao khác đang được triển khai trên thế giới như: đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 3 buồng, tạo nhịp bó His, đặt ICD nhằm điều trị bệnh rối loạn nhịp tim, suy tim nặng.
Một trong những người góp sức để phát triển chuyên ngành tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch của bệnh viện.
Tháng 8-2010, sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nội 1, BS Vân đã cùng với đội ngũ y, BS của khoa điều trị thành công các bệnh nội khoa tổng quát và bệnh lý tim mạch. Bà cũng đề cử các BS trẻ đi học các lớp chuyên sâu về tim mạch như: đặt máy tạo nhịp tim, can thiệp tim mạch DSA, cấp cứu nhồi máu cơ tim. Đến nay, nhiều BS của bệnh viện đã làm chủ được các kỹ thuật cao này. Nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nặng, suy tim nặng, nhồi máu cơ tim… được cứu sống kịp thời.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng được BS Vân đặc biệt quan tâm. Những kết quả nghiên cứu giúp bà và đồng nghiệp có cái nhìn bao quát, toàn diện, chính xác nhằm thực hiện công tác chẩn đoán, điều trị hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, với Đề tài nghiên cứu “Giá trị của Troponin T trong 6 giờ đầu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai”, các BS đã sử dụng hơn 7 ngàn test nhanh Troponin T cho bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng mạch vành cấp. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân được phát hiện, điều trị bệnh sớm, giảm tỷ lệ tử vong.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, BS Vân còn hoàn thành rất tốt vai trò trưởng khoa. Bà luôn tiên phong, gương mẫu, đổi mới, cải tiến lề lối làm việc theo hướng khoa học, xây dựng Khoa Nội tim mạch đoàn kết, phát triển, nhiều năm được UBND tỉnh công nhận là Tập thể lao động xuất sắc.
“Bản thân tôi luôn đặt lợi ích của tập thể, của người bệnh lên trên lợi ích cá nhân, thường xuyên quán triệt BS, điều dưỡng, nhân viên trong khoa phải lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo để phục vụ. Tôi mong muốn với đội ngũ BS trẻ giỏi chuyên môn, thành thạo công nghệ, lĩnh vực tim mạch của bệnh viện nói riêng, toàn tỉnh nói chung, sẽ ngày càng phát triển. Trong đó, các kỹ thuật như điều trị rối loạn nhịp tim, khảo sát và điều trị rối loạn nhịp tim nhanh sẽ phát triển lên tầm cao mới. Từ đó, cùng với Khoa Tim mạch can thiệp, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch tiến tới thành lập Trung tâm Tim mạch nhằm chăm sóc, điều trị, phòng ngừa bệnh lý tim mạch tốt hơn cho nhân dân trong và ngoài tỉnh” - BS Vân bộc bạch.
Quan tâm xây dựng đội ngũ kế cận
Hơn 37 năm công tác liên tục tại tuyến y tế cơ sở, cả khối dự phòng lẫn điều trị, BS chuyên khoa I Nguyễn Văn Thao, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Trảng Bom đã có nhiều sáng kiến, cải tiến, góp phần đưa ngành y tế Trảng Bom ngày càng phát triển.
BS Thao chia sẻ, vào năm 2007, lúc mới nhận công tác tại khoa, ông nhận thấy dụng cụ mổ còn nghèo nàn, thô sơ, không đủ để sử dụng cho chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình. Ông đã đề xuất giám đốc đơn vị tự tạo các loại khung bằng inox để treo tạ, kéo nắn, bó bột các loại gãy xương, trật khớp. Đơn vị sau đó đã trang bị cho khoa các bộ y cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đóng đinh, nẹp vít chi trên, chi dưới.
Với tay nghề chuyên môn cao cùng với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư ngày càng bài bản, BS Thao và đồng nghiệp đã thực hiện thành công hàng ngàn ca phẫu thuật với đường mổ nhỏ, ít tốn kém vật tư y tế tiêu hao, rút ngắn ngày điều trị, giúp bệnh nhân hồi phục, vận động sớm, đỡ tốn chi phí, thời gian đi lại so với việc phải chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, điều mà BS Thao trăn trở là hiện nay TTYT huyện Trảng Bom mới chỉ có một BS chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nên việc tổ chức mổ cấp cứu ngoài giờ hành chính chưa thể triển khai. Ngoài ra, trung tâm còn thiếu một số máy móc, dụng cụ chuyên ngành như máy C-Arm hỗ trợ cho phẫu thuật ít xâm lấn dưới màn hình tăng sáng.
Để giải quyết vấn đề nhân lực, BS Thao đã đề xuất, tham mưu lãnh đạo TTYT cử bác sĩ, điều dưỡng trẻ trong khoa tham gia các lớp tập huấn, đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ, sau đại học nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng kế cận. Bản thân ông cũng thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, chia sẻ kinh nghiệm cho các BS trẻ.
“Hiện nay, TTYT huyện Trảng Bom có 4 phòng mổ. Trước mỗi ca phẫu thuật, chúng tôi nghiêm túc thực hiện việc hội chẩn liên chuyên khoa để đảm bảo ca phẫu thuật an toàn, chính xác, hiệu quả. Bên cạnh đó, tích cực tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến trên chuyển giao, đặc biệt là kỹ thuật mổ nội soi. Từ đó, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị, giúp bệnh nhân yên tâm, tin tưởng” - BS Thao chia sẻ.
Hiến kế để ngành y tế ngày càng phát triển
TTYT huyện Long Thành là một trong những đơn vị y tế tuyến huyện nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Để đạt được kết quả trên là nhờ công lao đóng góp, nỗ lực của cả tập thể. Trong đó có Thầy thuốc Ưu tú - BS chuyên khoa II Dương Minh Tân, Giám đốc trung tâm.
BS Dương Minh Tân cho biết, hiện cả 14/14 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Thành đều đã có BS phục vụ lâu dài, trong đó Trạm Y tế xã Phước Thái là trạm y tế duy nhất trong tỉnh có 3 BS, 5 trạm khác có 2 BS. Trung tâm đang cử 8 y sĩ đi đào tạo liên thông lên BS ở các trường đại học y dược để đáp ứng yêu cầu phát triển khi huyện Long Thành trở thành thành phố sân bay trong tương lai.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân lực tại TTYT huyện Long Thành, BS Tân cho biết, thời gian tới, trung tâm tập trung đào tạo các BS chuyên khoa mắt, tai mũi họng, chẩn đoán hình ảnh, da liễu để mở rộng phòng khám đa khoa của trung tâm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; điều trị bằng thuốc methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện; đảm bảo đủ cơ số thuốc, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Cũng với mong muốn tuyến y tế cơ sở ngày càng phát triển, BS Nguyễn Văn Thao cho rằng, trước tiên cần đổi mới mạnh mẽ phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giám sát thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, tích cực cải tiến chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, xã, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư. Kết hợp phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh với phát triển kỹ thuật cao, giữa y tế công lập và ngoài công lập. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh để giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, tránh phiền hà cho bệnh nhân…