CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ IV: Huy động tối đa nguồn lực, giải pháp đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV - năm 2024, diễn ra trong hai ngày 10 và 11-10, tại TP. Nha Trang. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019 - 2024. Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh về kết quả và những kỳ vọng mà đại hội đặt ra.

Ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Võ Nam Thắng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

- Trong nhiều năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và triển khai huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện chương trình, chính sách, dự án đối với vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024?

- Trong những năm qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Tỉnh ủy; HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện; UBND tỉnh luôn sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện; UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân vùng đồng bào DTTS tích cực tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách dân tộc... Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao; ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III - năm 2019 đã đề ra.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

- Qua công tác triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả gì trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thưa ông?

- 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 5.600 tỷ đồng (trong đó vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia: 1.600 tỷ đồng; vốn các chương trình, đề án, dự án khác: 4.000 tỷ đồng) cho địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tập trung đầu tư, hỗ trợ địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, đường giao thông; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân… đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ dân sinh và sản xuất, lưu thông hàng hóa tại địa phương.

Tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách đặc thù để hỗ trợ học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là người DTTS tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông là người DTTS tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh... Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh... góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho đồng bào các DTTS được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người DTTS, người bệnh nghèo, bệnh nhi dưới 6 tuổi, người bệnh trong diện chính sách; hỗ trợ xây dựng mới 1.177 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 260 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 293 hộ, hỗ trợ 48 mô hình sinh kế cộng đồng với 871 hộ tham gia, đào tạo nghề cho hơn 1.000 người... Ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các DTTS. Các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS tiêu biểu, có giá trị như: mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… cùng với các lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng đầu lúa mới, Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, Lễ cúng bến nước… được sưu tầm, bảo quản, trưng bày, phục dựng và bảo tồn.

Đến nay, thu nhập bình quân của người DTTS đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% trường, lớp ở vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố và gần 70% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ em người DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 90%, THCS 97,9%, học THPT và trung cấp nghề 69,8%; tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt 93,7%; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,4% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS đạt 65,8%. Đến tháng 8-2024, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có 3/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên địa bàn 28 xã là 13,9 tiêu chí/xã, phấn đấu đến hết năm 2025 có 11 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 7.298 hộ (giảm 3.528 hộ nghèo), đạt 2,11% (đạt 195% so với kế hoạch giao); số hộ cận nghèo giảm còn 12.657 hộ, đạt 3,66% (giảm 3.821 hộ cận nghèo); tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 2,3%.

Các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng; đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 529 lượt người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm; thăm hỏi, động viên 75 lượt người có uy tín bị ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn... Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 1 cá nhân người có uy tín; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho 2 cá nhân người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 107 lượt người có uy tín đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác và tặng bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

Những kết quả nói trên đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân; niềm tin của Nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng đối với Đảng, chính quyền được tăng cường, củng cố.

Truyền dạy nghề may trang phục đồng bào dân tộc thiểu số.

Truyền dạy nghề may trang phục đồng bào dân tộc thiểu số.

- Xin ông cho biết, giai đoạn 2024 - 2029, nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc tỉnh là gì? Những giải pháp nào để công tác dân tộc đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới?

- Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của tỉnh, cả nước; cải thiện đời sống của Nhân dân; phấn đấu không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, liên vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Với các mục tiêu cụ thể là: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hàng năm thu hút 5% lao động sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030, có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên 46,5%; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; 100% hộ DTTS cư trú nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí đến ở những nơi an toàn...

- Xin cảm ơn ông!

MÃ PHƯƠNG (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/huy-dong-toi-da-nguon-lucgiai-phap-dau-tu-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-8c959dd/