Chào mừng Hưng Yên ở tuổi 190

Không ai chọn được nơi mình sinh ra. Ai đó đã từng nói như vậy. May mắn thay tôi được sinh ra trên mảnh đất Hưng Yên xinh đẹp và giàu truyền thống văn hóa.

Hưng Yên là một trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước không bao giờ cam chịu nghèo đói hay lạc hậu. Thoát khỏi đô hộ của thực dân Pháp, của chế độ phong kiến bóc lột. Thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Trải qua 190 năm hình thành địa giới hành chính cho đến hôm nay- Hưng Yên ngày càng vô cùng đổi khác. Dân không chỉ ấm no mà đa phần đã giàu lên. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới sạch đẹp, văn minh. Khoảng cách giữa nông thôn và thành phố không còn cách nhau bao xa. Điện khí hóa toàn quốc mang lại những thành quả lớn lao về kinh tế - xã hội và văn hóa.

Như mọi người cùng thế hệ với tôi, chắc sẽ chẳng bao giờ quên tuổi thơ đói vàng cả mắt mỗi sớm đi học có củ khoai trong túi là tốt lắm rồi. Cơm nguội, khoai luộc là hai món ăn trong ký ức tuổi thơ thật khó phai mờ. Lớn lên trong thời chiến tranh khói lửa- đất nước tổng động viên, trai gái Hưng Yên những năm 60-70 của thế kỷ trước lên đường ra mặt trận cũng nhiều, hy sinh nằm lại Trường Sơn cũng không phải ít.

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, dân được hòa bình nhưng chưa no ấm, các nhà lãnh đạo đã tìm mọi cách để thoát nghèo bằng việc tập trung phát triển kinh tế. Sau Đại hội VI của Đảng, luồng gió đổi mới mọi mặt thật mát lành thổi tới. Kinh tế được cởi trói khỏi tình trạng bao cấp, dân được làm kinh tế tư nhân để tự cứu mình, cứu nước. Văn học nghệ thuật cũng được mùa bội thu bằng các tác phẩm để đời.

Hưng Yên cũng không là ngoại lệ, cũng nằm chung trong các sự kiện lớn lao đó của đất nước, nằm chung trong sự thay đổi lớn lao đó. Kinh tế Hưng Yên từng bước đi lên. Văn hóa cũng được coi trọng bởi lẽ Hưng Yên từ xưa đã được mặc định chỉ đứng sau Kinh kỳ - “thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”.

Tôi thật tự hào khi sinh ra ở làng Phú Thị, Tổng Mễ Sở, huyện Văn Giang. Cái đói và cái rét ngày thơ ấu không làm chúng tôi mất đi sự thích thú khi mỗi mùa hè được cắm trại ở bên sông trên sân đền thờ đức Thánh Chử Đồng Tử. Thật yêu làng quê của mình qua những cánh cò trắng muốt bay lượn trên bãi Tự Nhiên ở giữa lòng sông, nơi Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp nhau làm nên một truyền thuyết về tình yêu bất tử.

Chúng tôi càng không quên những đêm hè vác ghế đi xem chèo Tống Trân Cúc Hoa ca ngợi gương hiếu học của Tống Trân và đức hy sinh của người vợ Cúc Hoa chăm mẹ, nuôi chồng đỗ đạt trở về, do đoàn chèo Hưng Yên ngày ấy hay đi các vùng quê trong tỉnh để lưu diễn cho bà con xem. Không quên những buổi chiếu bóng lưu động toàn phim Liên Xô và Trung Quốc rất hay. Không quên những cuốn truyện đủ các thể loại mà chúng tôi có được trong tay để rồi đọc ngốn ngấu, trong đó có truyện Nhãn đầu mùa viết về các nữ du kích Hoàng Ngân của Hưng Yên thời chống Pháp.

Tất cả những điều đó phải chăng đã hình thành ở trong lòng chúng tôi tình yêu văn học nghệ thuật, khơi gợi một niềm đam mê sau này lớn lên cũng sẽ viết được, làm được những tác phẩm văn học nghệ thuật đẹp đẽ về quê mình, đất nước mình như thế?

Phải nói rằng, ngày đó Hưng Yên còn rất khó khăn về đời sống kinh tế nhưng các nhà lãnh đạo thời ấy lại rất quan tâm đến văn hóa. Quan tâm đến người làm văn hóa, quan tâm đến các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Hưng Yên có một bề dày văn hóa, con người Hưng Yên chất phác nhưng không kém hào hoa, rất nhiều người tài trong các lĩnh vực quân sự và chính trị. Tướng lĩnh cao cấp có rất nhiều những tên tuổi lớn: Nguyễn Bình, Nguyễn Quyết, Đặng Vũ Hiệp, Trần Văn Phác v..v..Về chính trị có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... Giai đoạn đổi mới xuất hiện nhiều nhà kinh tế, doanh nhân rất giỏi, góp phần làm giàu cho quê hương và đất nước. Người Hưng Yên thường tự đúc kết rằng Hưng Yên dường như là đất có 2 “đặc sản” mà các vùng quê khác không có, đó là có nhiều người thành đạt trong lĩnh vực quân sự và lĩnh vực nhà báo, nhà văn. Nhà báo thì không báo nào ở Trung ương không có người Hưng Yên. Nhà văn nổi tiếng có ba cha con nhà viết kịch Học Phi. Cụ Học Phi (nguyên chủ tịch đầu tiên của tỉnh Hưng Yên) và nhà văn Hồng Phi, Chu Lai. Cố nhà văn Đào Vũ, nhà thơ Xuân Thiêm, nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, nhà văn - Trung tướng Hữu Ước, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn - liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, chị là con của dòng họ Dương nổi tiếng của làng Phú Thị, Tổng Mễ Sở quê tôi (Dương Quảng Hàm, Dương Bá Trạc) và làng Phú Thị còn có nhà thơ nổi tiếng Chu Mạnh Trinh, ông từng làm quan Án sát của tỉnh thời Pháp thuộc... và nhiều nhà văn, nhà thơ khác tôi không thể kể hết được trong bài báo nhỏ này.

Thế kỷ 18, Hưng Yên có nhà thơ - danh nhân văn hóa Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ với bản dịch nôm Chinh phụ ngâm tuyệt vời từ bản chữ Hán của Đặng Trần Côn.Bà còn viết sách, làm thơ, bà là đại học sĩ hiểu nhiều, biết rộng. Tự hào vì Hưng Yên có một phụ nữ xinh đẹp đức hạnh toàn tài như bà nên năm 2022 tới đây, người viết bài này được vinh hạnh viết kịch bản và sản xuất một bộ phim điện ảnh khắc họa cuộc đời và văn nghiệp của bà do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đặt hàng. Các cảnh quay chính sẽ được dàn dựng tại các địa danh nổi tiếng của Hưng Yên quê nhà. Mong sao bộ phim sẽ được các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan, ban, ngành của tỉnh hết lòng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn phim làm được một bộ phim hay về một danh nhân văn hóa -nhà thơ Đoàn Thị Điểm.

Phải chăng đây là một trong những việc làm thiết thực nhất của một người con Hưng Yên nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh?

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202112/chao-mung-hung-yen-o-tuoi-190-e9c4d69/