'Chào Tiếng Việt' – Cẩm nang cho cộng đồng người Việt
Bộ sách 'Chào Tiếng Việt' do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ GD&ĐT năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 -15 tuổi, đã được ra mắt.
Lan tỏa tình yêu tiếng Việt
Bộ sách “Chào Tiếng Việt” gồm 6 cuốn chia theo các cấp độ gồm: Cấp độ 1 - Ra khơi; Cấp độ 2 - Khám phá; Cấp độ 3 - Thử thách; Cấp độ 4 - Kết nối; Cấp độ 5 - Cống hiến; Cấp độ 6 - Trưởng thành.
Bộ sách sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể, từ đó khơi dậy trong các em sự thích thú trong sử dụng tiếng Việt để giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí Việt Nam.
“Chào Tiếng Việt” cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng có thể hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường Quốc tế ở Việt Nam.
Với “Chào Tiếng Việt” NXB Giáo dục Việt Nam và tác giả mong muốn góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt, thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
"Cẩm nang" dạy học tiếng Việt
Nói về “Chào tiếng Việt”, PGS.TS ngôn ngữ học Kraevskaia Natalia (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định sách được biên soạn hướng đến trẻ em và thiếu niên Việt Nam sinh sống ở nước ngoài - đối tượng người học đặc biệt, cấp thiết.
PGS.TS Kraevskaia Natalia trao đổi: Cộng đồng Việt kiều, thanh thiếu niên gốc Việt sống ở các quốc gia là cộng đồng cách biệt với môi trường gốc văn hóa của dân tộc mình. Nhiều người trong số họ sinh ra ở nước ngoài, ít khi về thăm quê, các cháu nhỏ hầu hết học ở trường sở tại, sử dụng ngôn ngữ nước sở tại, không có cơ hội nắm bắt, ứng dụng tiếng Việt một cách đầy đủ.
Tuy vậy, nhiều gia đình Việt kiều vẫn mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ Việt. Điều này chỉ có thể hiện thực hóa qua việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ trẻ...
Với mục đích ấy và nhằm lôi cuốn người học nhỏ tuổi đến với việc học tiếng Việt, bộ sách “Chào tiếng Việt” được thiết kế dựa trên nguyên tắc tạo cảm hứng, tạo sự quan tâm.
Tác giả đưa vào sách một nhóm nhân vật cùng trang lứa với người học và một nhân vật hài hước - con mèo có tên Miu Nguyễn. Người học được làm quen với các nhân vật, được rơi vào các bối cảnh và tình huống gần gũi với cuộc sống tuổi thơ, chất hài hóm hỉnh và lời thoại cuốn hút - tất cả điều đó hỗ trợ bền bỉ việc giữ động lực học tiếng Việt ở người học trẻ.
PGS.TS ngôn ngữ học Kraevskaia Natalia cũng “phát hiện” ra: “Một điều thú vị là, tác giả không những so sánh thực tế cuộc sống Việt Nam và phương Tây mà còn chỉ ra một số điểm khác biệt ở khía cạnh đất nước học và từ vựng giữa hai miền Nam Bắc.
Ngữ liệu được sử dụng trong sách theo nguyên tắc đi từ dễ đến khó. Mảng luyện ngữ âm được đặc biệt chú trọng. Tác giả cũng lưu ý đến vị thế “trung gian” độc đáo của nhóm đối tượng người học trong điều kiện phần nào quen thuộc với âm sắc tiếng Việt, nghe phát âm tiếng Việt của người thân trong gia đình nhưng bản thân chưa thực sự nắm bắt được mảng này...”.
Đọc “Chào Tiếng Việt” cũng nhận thấy, nhiều bài tập ngữ âm được thiết kế đa dạng về nguyên tắc tiếp cận. Học liệu liên quan đến từ vựng và ngữ pháp trong sách với định hướng phát triển khẩu ngữ - giao tiếp trong phương pháp dạy ngoại ngữ được xây dựng theo nguyên tắc chủ đề - tình huống.
Tác giả còn dụng công trình bày sự phong phú của hệ thống từ vựng tiếng Việt thông qua diễn giải từ đồng nghĩa, các cấu trúc đồng nghĩa, các từ trái nghĩa, đồng thời cho học sinh làm quen với các thành ngữ đặc trưng của Việt Nam và các nghi thức lời nói khi sử dụng tiếng Việt.
“Tác giả đã nhấn mạnh kỹ năng nói - điều này đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra là giữ gìn và phát triển sinh ngữ tiếng Việt cho đối tượng cộng đồng người Việt ở nước ngoài…”, PGS.TS Kraevskaia Natalia trao đổi.
“Chào Tiếng Việt” được ghi nhận có cấu trúc mạch lạc, sắc nét; có sự cẩn trọng trong việc lựa chọn học liệu ở các khía cạnh ngôn ngữ, ngữ pháp, từng bước đưa các ngữ liệu vào sách một cách hệ thống. Sách còn có sự lưu tâm đến đặc điểm khác biệt của đối tượng học, thiết kế bằng hình thức đồ họa-nghệ thuật bắt mắt, cuốn hút.