Chào xuân Tân Sửu 2021

Không khí đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021 khác lạ với việc người dân ít ra đường do dịch Covid-19. Khu vực trung tâm các thành phố lớn không còn cảnh chen lấn.

Giao thừa Tết Tân Sửu đến trong hoàn cảnh dịch Covid-19 xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước.
Hà Nội chỉ tổ chức một điểm bắn pháo hoa, trong khi TP.HCM đang có hàng chục điểm phong tỏa.

Điểm bắn pháo hoa duy nhất ở Hà Nội đêm giao thừa Tết Tân Sửu Trong hoàn cảnh dịch Covid-19, Hà Nội chỉ tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm và truyền hình trực tiếp, phục vụ người dân đón năm mới Tân Sửu 2021.

20:17 11/02

Hà Nội chỉ có 1 điểm bắn pháo hoa

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND Hà Nội quyết định sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm, thay vì 30 điểm như dự kiến trước đó. Địa điểm được lựa chọn là Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng.

Trao đổi với Zing, một chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng, cho biết khu vực Công viên Thống Nhất sẽ không cho người dân đi vào để tránh tụ tập đông người. Khu vực các tuyến đường xung quanh cũng sẽ có lực lượng thường xuyên tuần tra, hạn chế người đừng xem.

Trong đêm giao thừa, Công an quận Hai Bà Trưng thực hiện trực 100% quân số, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.

20:18 11/02

TP.HCM đón giao thừa với hàng chục điểm phong tỏa

Tại TP.HCM, chính quyền cũng đã quyết định hủy 8 địa điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa để thực hiện chống dịch Covid-19. Các lễ hội trên địa bàn TP cũng dừng tổ chức, đặc biệt là lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây chỉ mở cửa đón khách từ 8h-17h.

TP.HCM thông báo sẽ xử phạt du khách không đeo khẩu trang khi tham quan đường hoa, đường sách.

Hiện có gần 40 điểm bị phong tỏa tại 10 quận, huyện và TP Thủ Đức do liên quan các ca mắc Covid-19. Từ ngày 27/1 đến 11/2, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp mắc Covid-19.

Tính đến nay, tại đây có gần 40 điểm bị phong tỏa tại 10 quận, huyện và TP Thủ Đức do liên quan các ca mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

20:59 11/02

Đường Đồng Khởi đông nghịt

Dòng người đổ về đường hoa ngày một đông khiến đường Đồng Khởi đông nghịt xe cộ.

Ảnh: Chí Hùng.

21:04 11/02

Dạo phố đêm giao thừa trên xe buýt 2 tầng

Nhiều gia đình vẫn chọn Phố đi bộ Nguyễn Huệ để làm điểm đến vui chơi dù không có bắn pháo hoa.
Chị Hạnh, hành khách trên xe buýt 2 tầng, cho biết những năm trước gia đình chị đều phải ra phố đi bộ sớm 3-4 giờ trước giờ giao thừa để giành vị trí đẹp xem pháo hoa. “Năm nay không có bắn pháo hoa nên gia đình chị chọn tham quan thành phố trong đêm giao thừa này” chị Hạnh chia sẻ.

Ảnh: Chí Hùng.

21:08 11/02

Công viên Thống Nhất trước giờ bắn pháo hoa

Lực lượng an ninh có mặt tại công viên Thống Nhất trước giờ bắn pháo hoa. Người dân không được phép vào công viên.

Ảnh: Đức Anh.

21:17 11/02

Nhiều tụ điểm thưa thớt người đi chơi Tết

20h tại khu vực cầu Khánh Hội, công viên Bến Bạch Đằng, cầu Mống (quận 1) vẫn thưa thớt người dân đi chơi Tết. Bên phía nóc hầm Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vắng vẻ hơn hẳn so với những ngày trước đó.

Ảnh: Quỳnh Danh.

21:22 11/02

Tổng bí thư, Chủ tịch nước thăm hỏi người dân trong đêm giao thừa

20h45, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi dâng hương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đi thăm hỏi, động viên người dân và công nhân lao động thủ đô trong đêm giao thừa.

Ảnh: Việt Linh.

21:29 11/02

Cảnh đông đúc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ đóng cửa, TP.HCM không bắn pháo hoa nhưng người dân vẫn tập trung đông đúc tại đài phun nước trên phố đi bộ.

Ảnh: Chí Hùng.

22:04 11/02

Lạng lách, đánh võng trong đêm giao thừa

Khoảng 21h40, tuyến đường Đinh Tiên Hoàng bên bờ hồ Hoàn Kiếm khá đông phương tiện lưu thông. Thời tiết tại trung tâm Hà Nội đêm giao thừa mát mẻ, không mưa với nhiệt độ cao nhất chỉ 19 độ C.

Nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, có hành vi phóng nhanh, đánh võng quanh hồ Gươm.

Khu vực chân tượng đài vua Lý Thái Tổ thưa thớt người dân tới thắp hương và chụp ảnh, trái ngược hoàn toàn với mọi năm.

Ảnh: Việt Linh.

22:10 11/02

Cán bộ y tế ra đường làm việc đêm giao thừa

Lực lượng an ninh được phân công quanh khu vực công viên Thống Nhất, phối hợp cùng cán bộ y tế nhắc nhở người dân không tụ tập đông người. Ảnh: Đức Anh.

22:48 11/02

Giao thừa ở khu Mả Lạng (TP.HCM)

Lúc 22h30, bên trong điểm phong tỏa Khu Mả Lạng (quận 1, TP.HCM) vắng vẻ, chỉ có nhóm trẻ em chơi đùa với nhau ở một tiểu cảnh Tết.

Ảnh: Chí Hùng.

22:58 11/02

Đêm giao thừa đặc biệt nơi tâm dịch

Ghi nhận của phóng viên Zing, đêm giao thừa tại TP Chí Linh (Hải Dương), nơi bùng phát ổ dịch Covid-19 từ ngày 27/1, khác lạ chưa từng có so với các năm vì thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa từ hôm 28/1. Đường phố vắng lặng, không có cảnh người dân đổ ra đường đón giao thừa như mọi năm.

“Nếu không có dịch Covid-19, đường phố sẽ rất đông người đổ ra đường xem pháo hoa. Năm nay, mọi người phải cố gắng hy sinh một chút là ở trong nhà và hạn chế đi lại. Cầu mong dịch sẽ sớm được khống chế trong năm mới”, ông Lê Văn Thắng (TP Chí Linh) chia sẻ.

Ảnh: Nguyễn Dương.

23:13 11/02

Nhân viên vệ sinh làm việc xuyên giao thừa

22h45, gần 300 công nhân vệ sinh môi trường TP Hà Tĩnh vẫn miệt mài thu dọn rác thải trên khắp các tuyến phố trước thềm năm mới. Lực lượng cảnh sát, quân đội cũng được điều động đảm bảo an ninh đêm giao thừa.

Chị Nguyền Thị Hà (39 tuổi) uống vội chai nước sau khi dọn những đống đất, túi rác tại các vị trí bày bán cây cảnh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

"Ngày Tết sẽ làm tăng ca hơn ngày thường để đảm bảo đường phố sạch đẹp trong năm mới. Năm nay các tiểu thương sớm bán hết cây cảnh nên việc dọn vệ sinh hy vọng xong trước để kịp đón giao thừa", chị Hà nói.

Ảnh: Phạm Trường.

23:26 11/02

Đứng dọc đường tàu xem pháo hoa đêm giao thừa

23h 15, chưa đầy 1 giờ nữa tới giao thừa, người dân Thủ đô tập trung bên đường tàu phố Lê Duẩn chờ xem pháo hoa tại công viên Thống Nhất

An ninh tại cổng công viên Thống Nhất vẫn được thắt chặt. Những người không có nhiệm vụ không được phép vào trong công viên.

Ảnh: Việt Linh.

23:31 11/02

Phố cổ Hội An vắng vẻ trong đêm giao thừa

Tại Phố cổ Hội An, người dân cho biết chưa bao giờ thấy cảnh đêm giao thừa vắng vẻ đến thế.

“Vì năm nay không tổ chức bắn pháo hoa để phòng, chống dịch covid-19, nên người dân cũng không tụ tập nhiều vào đêm giao thừa”, một người dân địa phương chia sẻ.

Ảnh: N/A.

00:09 12/02

Tiếng hát vang lên tại bệnh viện dã chiến

Hơn 11h, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chủ trình cuộc họp trực tuyến báo cáo tình dịch bệnh Covid-19 và chúc Tết với 12 bệnh viện tại 3 miền.

Sau khi nghe các bệnh viện báo cáo tình hình, Bộ trưởng Y tế chúc đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch Covid-19 năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành, bình an. "Dù còn nhiều khó khăn, chúng ta phải càng cố gắng hơn, tiếp tục chiến thắng đại dịch", ông Long nói.

Sau đó, Bộ trưởng đã đề nghị các điểm cầu cùng hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tại bệnh viện dã chiến 1 Chí Linh, các chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Y tế Chí Linh đã cùng hòa ca bài hát này.

00:41 12/02

Hôn nhau qua khẩu trang dưới pháo hoa giao thừa

Đôi bạn trẻ Hoàng Long - Minh Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trao nhau nụ hôn nhẹ qua lớp khẩu trang trong thời khắc giao thừa. Hai bạn trẻ cho biết, điều ước năm mới chúc mọi người trong gia đình có nhiều sức khỏe, bình an và hi vọng sẽ xây dựng gia đình nhỏ của mình trong năm nay

Ảnh: Việt Linh.

00:41 12/02

Nhiều người tiếc nuối vì không thấy rõ màn pháo hoa

Người dân tập trung tại cổng công viên Thống Nhất, đối diện hồ Thiền Quang để xem màn pháo hoa. Tuy nhiên, do bị che lấp tầm nhìn, nên chưa hết 15 phút, nhiều người đã quay xe di chuyển. Ảnh: Đức Anh.

01:04 12/02

Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời thủ đô

0h ngày mùng 1 Tết, điểm bắn pháo hoa duy nhất tại thủ đô bắt đầu điểm hỏa. Không còn cảnh đám đông hàng nghìn người chen chúc xem pháo hoa. Một số ít người dân tụ tập ngắm pháo hoa và cầu chúc cho năm mới.

Ảnh: Việt Linh, Viết Thành.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chao-xuan-tan-suu-2021-post1183252.html