Dặm đường bôn ba của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng

Bắt đầu nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật Khmer từ năm 1976, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã có hơn 10 năm nghiên cứu khắp các tỉnh Nam Bộ.

Chân dung nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. (Ảnh Ngọc Trúc).

Chân dung nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. (Ảnh Ngọc Trúc).

Mười năm “lưu lạc giang hồ”

Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952 tại Quảng Ngãi. Từ năm 1971, ông vào Sài Gòn học tập. Năm 1976, ông bắt đầu làm việc ở Viện Khoa học dân gian, được phân công nghiên cứu văn học dân gian Khmer. Đến năm 1986, ông được chuyển qua Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật.

Trong thời gian được phân công nghiên cứu văn học dân gian Khmer, nhà nghiên cứu đã đi khắp các tỉnh Nam Bộ, khám phá, tìm tòi và tỉ mẩn ghi chép lại những tri thức bổ ích.

Ánh mắt nhà nghiên cứu sáng rực khi kể lại những ký ức trong khoảng thời gian nghiên cứu tại các tỉnh Nam Kỳ. Ông ghi chép nhiều chi tiết về các phum, sóc mà mình đã đi qua. Ông tự hào bản thân đi đi, khám phá được 90% vùng đất Nam Kỳ xưa.

 Những quyển sách được nhà nghiên cứu nâng niu, cất giữ trong tủ kính ở phòng khách. (Ảnh: Bích Duy).

Những quyển sách được nhà nghiên cứu nâng niu, cất giữ trong tủ kính ở phòng khách. (Ảnh: Bích Duy).

Trên đường khám phá, ông thấy biết bao chuyện thú vị. Trong đó, có câu chuyện về quán chè của hai vợ chồng trong chợ Long Phú.

Ông kể: “Lần đầu tiên trên đời ông thấy quán chè bự mà nhiều món như vậy. Hai vợ chồng, bán trên 50 món. Mà người ta hay lắm, chè họ cột từng bịch, rồi để lên cái mâm. Người lớn tuổi không có việc làm trong xóm cứ bưng cái mâm đó đi bán, tới chiều vòng về trả lại họ tiền vốn chè là được".

Ông hóm hỉnh: “Đi đây đi đó hay quan tâm nhiều chuyện lặt vặt. Đi là để biết. Đi cho biết, ăn cho biết, chơi cho biết”.

Trong 10 năm nghiên cứu dân gian Khmer, ông làm quen với nhiều người Khmer, sống và sinh hoạt cùng họ. Một lần nghiên cứu, ông được cán bộ dẫn đến nhà thầy tuồng của gánh hát dù kê Nhật Nguyệt Quang - gánh hát nổi tiếng bậc nhất Nam Kỳ trước đây.

Cán bộ ấy đã kể với nghệ nhân người Khmer rằng ông là con của một thôn nữ, có cha là thầy tuồng của gánh dù kê nổi tiếng, nhưng từ nhỏ đã không được gặp cha. Trước lúc mất, người mẹ dặn ông phải bôn ba tìm cha. Thầy tuồng nghe vậy liền nhận ông làm con mình, chỉ dạy kiến thức về nghệ thuật hát dù kê của người Khmer.

“Tôi có biết cái gì đâu, ông cán bộ nói bằng tiếng Khmer, tôi đâu có hiểu. Mà tôi cũng ngờ ngợ không biết ổng nói cái gì mà người nghệ nhân nhận tôi làm con. Mãi sau này ông cán bộ kể lại thì mình mới biết”, nhà nghiên cứu nói. Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình nghiên cứu của ông.

“Có những hiện thực vượt quá hư cấu”

Con đường nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng đầy chông gai. Ông phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, phải bôn ba khắp nơi.

Ông cho biết: “Ban đầu bác được phân công nghiên cứu văn học Khmer, đây là một thử thách. Đi nghiên cứu văn học của người Khmer thì phải học tiếng Khmer, tìm hiểu tín ngưỡng, cách sinh hoạt, nếp ăn nếp ở của người ta”.

Trong thời gian nghiên cứu tại Sóc Trăng, Trà Vinh, Huỳnh Ngọc Trảng tá túc trong các ngôi chùa Khmer. “Thời đó làm gì có nhà trọ như bây giờ, mà tiền bạc cũng không dư dả là bao”, ông nói.

Trước mỗi chuyến đi các tỉnh để làm nghiên cứu, Huỳnh Ngọc Trảng luôn chuẩn bị một túi đầy đủ: Mì gói, bột ngọt, thuốc chữa bệnh, năm bộ đồ và tiền.

"Quần áo của cha tôi để lại sau khi mất, tôi soạn được cỡ 5 bộ, đem theo trong balo. Tới lúc quay về chỉ còn có 1 bộ dính da”, ông nhớ lại. Hỏi ra mới biết vì thấy một số người Khmer ở nơi mình đến không có đồ mặc, ông đã cho họ.

 Chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã dùng trong khoảng thời gian nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ. (Ảnh: Bích Duy).

Chiếc xe đạp là phương tiện di chuyển mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã dùng trong khoảng thời gian nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ. (Ảnh: Bích Duy).

Nhớ lại khoảng thời gian cơ cực trong lúc nghiên cứu, ông nghẹn ngào, trong ánh mắt hằn lên chút ưu tư: "Người Khmer tốt bụng, thân thiện, nhiệt tình giúp mình. Ông không biết biểu hiện tình cảm bằng cách nào, nên họ thiếu quần áo thì mình cho họ quần áo, họ bệnh thì cho thuốc… có cái gì thì cho cái đó".

Trong quá trình nghiên cứu sẽ có lúc không tìm được nhà dân để ở, Huỳnh Ngọc Trảng sẽ vào chùa, ngủ ở sala (khu vực ngủ nghỉ dành cho khách viếng thăm tại các ngôi chùa Khmer - PV).

Sư thầy Khmer thường không ăn cơm sau 12 giờ trưa, nên ở chùa ông thường chịu đói. “Sau đó rút kinh nghiệm, tôi mua mì ký vụn, tới nhà nào thì xin nước sôi nhà đó chế vô để ăn, thêm trái ớt nữa thì quả là tuyệt”, nhà nghiên cứu nhẹ giọng.

Đặc sắc chính là “không dừng lại”

Từ các công nghiên cứu văn học, Huỳnh Ngọc Trảng đã mở rộng nghiên cứu sang tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật của người Khmer.

Ngoài các quyển sách đã xuất bản như “Riêmkê - Tình Sử Nàng Xê Đa”, “Truyện cổ Khơ-me Nam Bộ”, “Truyện dân gian Khơ-me”..., ông còn viết kịch bản cho đoàn dù kê biểu diễn.

Ông kể: “Cứ nói tiếng Việt rồi tà-lọt viết lại thành tiếng Khmer”, từ đó mà tác phẩm của ông được trình diễn trên sân khấu dù kê của nhiều đoàn dù kê tại Nam Kỳ.

Gần đây nhất, ông cùng dịch giả Phạm Thiếu Hương, và Nguyễn Tuấn dịch sách “Thuật Xử Thế Ấn Độ - Panchatantra”, được NXB Văn hóa - Nghệ thuật xuất bản năm 2018.

 Hai trong số những đầu sách đã được xuất bản của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. (Ảnh: Bích Duy).

Hai trong số những đầu sách đã được xuất bản của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. (Ảnh: Bích Duy).

Trong lúc tác nghiệp không có máy thu âm, nên khi nghe nghệ nhân dân gian hát điệu lý, ông luôn ghi chép và học hát, hát tới khi nào người nghệ nhân nói: “Chú này sáng dạ, hát đúng rồi đó” thì mới chịu đi về.

Huỳnh Ngọc Trảng “mê” tìm tòi cái mới bất chấp nguy hiểm. Ông kể: “Lúc Pol Pot đánh vô Tri Tôn, An Giang, tôi vẫn quyết tâm đi coi cây dừa năm ngọn. Ông phải đến nơi để tận mắt thấy cây dừa năm ngọn trông ra làm sao”.

Ông Huỳnh Ngọc Trảng và con gái - nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình thường xuyên cùng nhau đến các tỉnh thuộc vùng đất Nam Kỳ xưa để tìm tòi, nghiên cứu.

Nhắc đến cha mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình từng chia sẻ: “Về văn hóa Khmer Nam Bộ, cha tôi cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu, nhất là văn học hay các loại hình sân khấu dân gian Khmer. Ông là người cung cấp những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này cho tôi”.

Ngoài nghiên cứu về văn học, văn hóa và nghệ thuật Khmer, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng còn hoạt động nghiên cứu văn hóa dân gian và hỗ trợ nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình trong quá trình nghiên cứu về nghệ thuật tranh kính, tranh tường của đồng bào Khmer tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Bích Duy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dam-duong-bon-ba-cua-nha-nghien-cuu-van-hoa-huynh-ngoc-trang-post690737.html