Chắp cánh cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp

Với chủ trương đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã đẩy mạnh phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.

Mô hình khởi nghiệp của Bùi Xuân Quế, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Mô hình khởi nghiệp của Bùi Xuân Quế, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Sau 3 năm triển khai (2017-2020), phong trào đã tạo điểm nhấn trong các hoạt động của Đoàn thanh niên cả nước. Nhờ vậy, nhiều mô hình phát triển kinh tế hay, sáng tạo xuất hiện, góp phần tạo việc làm và thu hút, tập hợp thanh niên.
Quyết tâm của hệ thống chính trị
Để thanh niên tự tin, phát huy khả năng phát triển, làm giàu trên quê hương, năm 2017, HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 75/2017/NQ-HĐND, ngày 7/12/2017 về Quy định hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Quyết định 535/QĐ-UBND, ngày 18/4/2018 của UBND tỉnh về Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã cụ thể hóa các nội dung, trong đó xác định nhiệm vụ cơ bản là “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Đây được coi như nền tảng tinh thần và vật chất to lớn cho thanh niên.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm, để hiện thực hóa chủ trương đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn qua các buổi tập huấn, sinh hoạt chi đoàn ở cơ sở để đoàn viên, thanh niên nắm được chủ trương khởi nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Đoàn đã phát động cuộc thi “Ý tưởng thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp” trong thanh niên, chỉ đạo các cơ sở Đoàn, hội đẩy mạnh thành lập và duy trì các “Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp” trên địa bàn dân cư nhằm ươm mầm, hỗ trợ và đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp mới hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh năng động, sáng tạo.
Sau khi các ý tưởng được đưa ra, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đúng mục đích, khâu thẩm định vay vốn vô cùng quan trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và tổ chức Đoàn cấp huyện. Các thủ tục thẩm định hồ sơ, thế chấp tài sản đều được thực hiện theo quy định. Phần lớn các dự án khởi nghiệp đủ điều kiện sẽ được giải ngân vốn sau 7 đến 10 ngày làm thủ tục.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 ý tưởng thanh niên khởi nghiệp; trong đó, có 81 dự án của thanh niên được hỗ trợ với số vốn được giải ngân 60 tỷ đồng. Trong số 81 dự án này, có 20 dự án vay ở quy mô lớn trên 1 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ 5%. Nhiều mô hình có tính sáng tạo cao, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương.

Đây là kết quả rất ấn tượng, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp. Các dự án khởi nghiệp tại Bắc Ninh khá đa dạng, ở tất cả các ngành, nghề. Đến nay, hầu hết các dự án đều giải ngân tốt, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 400 lao động. Bên cạnh đó, các dự án còn giúp tập hợp thanh niên, phát triển tổ chức Đoàn ở nông thôn và các khu công nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm đưa khởi nghiệp vào sâu, rộng trong phong trào thanh niên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm cho biết, công tác tuyên truyền ý tưởng, tấm gương thanh niên khởi nghiệp được Tỉnh Đoàn thường xuyên chú trọng. Từ đó, tạo động lực cho thanh niên khác học tập, vươn lên phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, thường xuyên bám sát hướng dẫn của tổ chức Đoàn cấp trên. Đến nay, 100% Đoàn xã, phường, thị trấn đã triển khai Đề án Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025 đến đoàn viên, thanh niên.

Hàng quý, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tổ chức tập huấn, trong đó có sự phối hợp với một số ngành có chuyên môn tư vấn, giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề hồ sơ vốn vay khởi nghiệp, các thủ tục cần thiết; tổ chức hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm...
Chắp cánh cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp
Nhờ phong trào khởi nghiệp, nhiều thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ý tưởng, các chủ dự án còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh nghiệm và nguồn vốn, vướng mắc về cơ chế chính sách.

Theo đó, một số dự án không đủ điều kiện về tài sản thế chấp khi thực hiện cho vay theo Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025 hoặc có dự án rất bài bản, thuyết phục nhưng không đủ điều kiện vay vốn vì phần lớn thanh niên là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ cũng không có tài sản thế chấp.
Điển hình là mô hình trồng rau sạch của anh Bùi Xuân Quế, sinh năm 1987, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Anh Quế cho biết, trong khi vẫn sống chung với bố mẹ, chưa có tài sản riêng, anh phải thuyết phục bố mẹ mượn sổ đỏ để thế chấp vay tiền.

Anh mong muốn vay được số vốn 1 tỷ đồng nhưng do tài sản thế chấp có giá trị 500 triệu đồng nên Quế chỉ được vay vốn khởi nghiệp 350 triệu đồng. Vì vậy, dự án của anh không thể thực hiện theo ý muốn, lợi ích kinh tế không cao.
Mô hình của anh Trần Văn Trường, sinh năm 1988, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình mặc dù được xã ký hợp đồng cho thuê đất 5 năm, nhưng anh cũng đắn đo khi mở quy mô đầu tư phát triển nông nghiệp. “Tôi đầu tư hàng trăm triệu làm đường, xây dựng hạ tầng vào khu trang trại mà chỉ được thuê 5 năm thì thời gian ngắn quá.

Vì vậy, tôi cũng mong muốn với những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên có tiềm năng, Nhà nước cần có cơ chế, tạo điều kiện có sự phối hợp giữa huyện và xã cho thanh niên được thuê đất 10 năm. Có vậy, tôi sẽ yên tâm hơn đầu tư phát triển kinh tế”, anh Trường bày tỏ.

Mô hình sản xuất tinh dầu của Vũ Thị Thu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Mô hình sản xuất tinh dầu của Vũ Thị Thu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Bắc Ninh còn gặp nhiều tồn tại như: công tác tìm kiếm, giới thiệu các mô hình, dự án, ý tưởng của các đơn vị còn chưa sâu sát, dẫn đến các dự án khởi nghiệp chưa đa dạng; chưa có dự án khởi nghiệp thực sự sáng tạo mang tính đột phá. Số lượng mô hình khởi nghiệp ý tưởng còn hạn chế, chất lượng chưa cao…
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của thanh niên Bắc Ninh ngày càng lan tỏa sâu rộng, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc thi “Ý tưởng thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp”, đưa vào giới thiệu các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả trong các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để thanh niên khác học tập.

Đặc biệt, để nuôi dưỡng, khuyến khích thanh niên có những ý tưởng hay, các cấp bộ Đoàn chú trọng thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp góp phần tạo môi trường cho các bạn trẻ sớm tiếp thu chính sách, thủ tục hành chính, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp của những doanh nghiệp thành công từ trong trường học…
Đối với những khó khăn về nguồn vốn, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đề nghị HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm bổ sung và duy trì nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tập huấn chuyên môn đối với cán bộ ngân hàng, phối hợp với Tỉnh Đoàn tập huấn cho cán bộ Đoàn, hội để việc lập dự án, thực hiện và thẩm định dự án nhanh và chính xác…

Bên cạnh chủ trương hỗ trợ thanh niên về nguồn vốn khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của dự án thanh niên khởi nghiệp, từ đó tạo đầu ra ổn định, chỗ đứng cho các sản phẩm đó trên thị trường./.

Thanh Thương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chap-canh-cho-cac-mo-hinh-thanh-nien-khoi-nghiep/170581.html