Chắp cánh cho những con tàu ra khơi

PTĐT - Nghề sửa chữa, đóng mới tàu thủy không biết đã xuất hiện ở Việt Trì- thành phố ngã ba sông chính xác từ khi nào, chỉ biết rằng mấy chục năm qua, nghề có lúc thăng, lúc trầm song vẫn duy trì và phát triển đến nay. Từ những khối sắt vô tri vô giác, qua bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân lành nghề đã biến thành những con tàu có trọng tải từ vài trăm đến cả ngàn tấn lướt sóng ra khơi, mang theo bao ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chiều cuối năm, tiết trời se lạnh, bờ sông Lô lộng gió thổi bừng sắc thắm của hoa đào, người người, nhà nhà hối hả sắm Tết, thế nhưng những người thợ đóng tàu ở Công ty TNHH Hồng Lô - một doanh nghiệp chuyên đóng mới, sửa chữa tàu thủy vẫn miệt mài tay hàn, tay búa bên những khung tầu sắt, chốc chốc chùm ánh sáng xanh, đỏ nhỏ li ti từ các mũi hàn lóe lên rồi tắt vụn. Trên khoảng đất bãi ven sông rộng chừng 3ha ở khu 1, phường Dữu Lâu đang có 5 con tàu đóng mới, tải trọng từ 700 tấn đến 2.500 tấn, với gần 100 công nhân lao động làm việc miệt mài, tiếng máy móc vang liên hồi. Thấy có khách lạ, một thợ hàn ngoài 50 tuổi dừng tay chỉ lên boong tàu nói: “Cô xem nghề này không chỉ có thanh niên trai tráng mà ngay cả phụ nữ cũng tham gia, kia là cô Thúy, cô Hương, người ít cũng có 10 năm làm nghề, người nhiều thì 20 năm, nặng nhọc vất vả thế mà chẳng ai bỏ nghề”. Để làm một con tàu có trọng tải nhỏ dưới 1.000 tấn, những người thợ lành nghề sẽ phải làm liên tục trong 4 tháng, tàu lớn: 2.000- 2.500 tấn sẽ mất khoảng 5-6 tháng kể từ khi nhận thiết kế, triển khai các công đoạn tạo khung, lắp ráp vỏ, hàn gia cố, sơn, xì đánh bóng, lắp đặt máy… đến hạ tải, thử tải. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỷ mẩn, chính xác, song nặng nhọc, vất vả nhất là công đoạn lao đà tạo khung xương tàu, dán tôn tạo vỏ tàu. Sắt làm khung, thân, vỏ tàu đa phần nguyên tấm, nguyên cây, nặng từ vài chục cân tới vài tạ. Trước kia công đoạn này chủ yếu làm thủ công do nam giới đảm nhiệm, nhưng nay đã có máy móc hỗ trợ nên người thợ đóng tàu bớt nhọc nhằn hơn. Tuy nhiên do đặc thù công việc chủ yếu lao động tay chân, làm việc ngoài trời nên gương mặt ai cũng rám sạm, lưng áo đẫm mỗ hôi.

Để sản xuất những con tàu có chất lượng, các kỹ sư, công nhân lành nghề phải tính toán lắp ráp khung, sườn tàu theo đúng thiết kế, bảo đảm kỹ, mỹ thuật.

Để sản xuất những con tàu có chất lượng, các kỹ sư, công nhân lành nghề phải tính toán lắp ráp khung, sườn tàu theo đúng thiết kế, bảo đảm kỹ, mỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Bỉnh- Chủ doanh nghiệp đóng tàu Hồng Lô vốn là kỹ sư cơ khí đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Thời trai trẻ ông đầu quân cho Nhà máy đóng tàu Sông Lô. Khi Nhà nước chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, ông xin về một lần, tự mở doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu thủy, tích lũy vốn, kinh nghiệm, đầu tư máy móc, nhà xưởng để nâng suất đóng mới tàu cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa. Ông tâm sự: “Là người gắn bó với nghề, tôi hiểu rõ những nỗi nhọc nhằn của nghề cũng như tầm quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của những con tàu. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình đóng tàu cũng có thể đe dọa tính mạng của những ngư dân trên biển”. Bằng kinh nghiệm kết hợp với sáng tạo, ông Bỉnh cùng những người thợ lành nghề luôn làm ra những con tàu đúng thiết kế, có độ bền cao, nhờ đó mà tên tuổi, thương hiệu ngày càng vang xa.

Nghề đóng tàu tuy nặng nhọc, vất vả song nhiều công đoạn như hàn, sơn đều có sự tham gia của các lao động nữ.

Nghề đóng tàu tuy nặng nhọc, vất vả song nhiều công đoạn như hàn, sơn đều có sự tham gia của các lao động nữ.

Không chỉ doanh nghiệp đóng tàu của ông Bỉnh có tiếng trong nghề, ngay những cơ sở đóng tàu quy mô hộ như của gia đình anh Khương Văn Học ở khu 5, xã Sông Lô cũng được bạn hàng ở các tỉnh, thành lân cận biết đến khi anh đưa ra thị trường những con tàu trọng tải tới 1.700- 2.000 tấn. Tiết lộ với chúng tôi bí quyết làm nghề, anh Học cho hay: “Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ song người thợ phải nắm được những kỹ thuật truyền thống, có những công đoạn chỉ những thợ bậc cao, có kinh nghiệm mới làm được.Trong quá trình thi công, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật phải được giám sát rất khắt khe. Từng chi tiết dù nhỏ nhất trên thân, vỏ tàu đều phải quan tâm, chú ý để sau khi hạ thủy, tàu phải bảo đảm mức độ an toàn, cân bằng, lướt nước nhẹ nhàng, không bị nghiêng lệch...”.

Thi công mũi tàu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt song hầu hết các công nhân đều cố gắng nỗ lực.

Thi công mũi tàu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt song hầu hết các công nhân đều cố gắng nỗ lực.

Được biết giai đoạn từ những năm 1990- 2000 là thời kỳ vàng son rực rỡ nhất của công nghiệp đóng tàu ở Việt Trì, khi đó các doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi như Công ty CP cơ khí giao thông vận tải, Nhà máy đóng tàu Sông Lô, Công ty CP vận tải xây dựng giao thông… luôn nhộn nhịp, đỏ lửa, 3 ca 4 kíp với hàng trăm công nhân. Sau năm 2000, các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, bộ máy vẫn cồng kềnh, chưa tinh gọn, chưa thích ứng được với cơ chế thị trường, cộng với những tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008- 2012 khiến sản xuất ngày càng đình trệ, nghề đóng tàu như đi vào ngõ cụt. Có doanh nghiệp phải giải thể, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Trong lúc khó khăn nhất thì kinh tế tư nhân phát triển, những kỹ sư cơ khí, thợ lành nghề như ông Bỉnh, anh Học đã từng bước đưa nghề hồi sinh và phát triển theo cách riêng của mình. Đến nay theo dọc tuyến sông Lô thuộc địa phận Việt Trì có khoảng 5 cơ sở, doanh nghiệp tham gia đóng mới tàu thủy từ 700- 2.500 tấn, trung bình mỗi con tàu có giá trị từ 7- 10 tỷ đồng, thu hút, tạo việc làm cho trên 200 lao động.

Để hỗ trợ nghề đóng tàu thủy nói riêng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nói chung, thành phố Việt Trì đã và đang triển khai thực hiện các chính sách trong xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ sản xuất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… giúp cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân có cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/chap-canh-cho-nhung-con-tau-ra-khoi-168792