Chắp cánh nguồn lực mới cho ngành Công Thương thời đại số

Đào tạo nghề đang trở thành chiến lược then chốt để ngành Công Thương phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.

Nền móng vững chắc từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngành Công Thương hiện giữ vai trò xương sống trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp lớn cho GDP, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, cùng với xu thế chuyển đổi số, công nghiệp hóa bền vững, kinh tế xanh, và thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh chóng, yêu cầu về chất lượng nhân lực ngày càng trở nên khắt khe và chuyên sâu.

Không chỉ cần người lao động biết sử dụng máy móc, doanh nghiệp giờ đây cần những kỹ thuật viên, kỹ sư, cán bộ vận hành có khả năng làm chủ công nghệ, phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống và ứng xử chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu. Nhân lực ngành Công Thương không chỉ đơn thuần là những người vận hành sản xuất, mà còn là người kiến tạo chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số, tối ưu quy trình và dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ là một ưu tiên, mà là điều kiện tiên quyết để ngành Công Thương giữ vững và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sinh viên Khoa Điện điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Hueic

Sinh viên Khoa Điện điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ảnh: Hueic

Nhìn lại thực tế những năm qua, không thể phủ nhận rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế... đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị hiện đại và gắn kết sâu với doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp tại các trường này luôn duy trì trên 90%, đặc biệt ở các ngành kỹ thuật trọng điểm như cơ điện tử, tự động hóa, điện công nghiệp hay công nghệ ô tô.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết: “Khảo sát cho thấy 92% sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng có việc làm đúng chuyên ngành trong vòng sáu tháng, với mức lương khởi điểm từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Các ngành như công nghệ ô tô, điện - điện tử, kỹ thuật lạnh điều hòa, tự động hóa và công nghệ thông tin, thương mại điện tử đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, không chỉ từ khu công nghiệp VSIP Huế mà còn từ các tập đoàn lớn như Toyota, Samsung, LG, ABB cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics, da giày, dệt may.”

Đáng chú ý, ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn khởi nghiệp kỹ thuật mở xưởng cơ khí, công ty điện lạnh, khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Nhà trường đã thiết lập các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính đến 100 triệu đồng/dự án, từng bước thúc đẩy chuyển đổi từ tư duy “học nghề để đi làm thuê” sang “học nghề để làm chủ”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế: khoảng cách giữa kỹ năng đào tạo và kỹ năng thị trường vẫn hiện hữu. Đặc biệt với các ngành mới nổi như logistics xanh, IoT, AI, thương mại điện tử xuyên biên giới, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn thiếu nghiêm trọng. Đây là lúc doanh nghiệp cần được nhìn nhận không chỉ là người sử dụng lao động, mà là đối tác chiến lược, cùng tham gia thiết kế chương trình, hướng dẫn thực hành, đánh giá năng lực và đồng hành trong đổi mới giảng dạy.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành Công Thương đánh giá cao nỗ lực đổi mới đào tạo của các trường nghề khi sinh viên ngày càng linh hoạt, cầu thị và có tinh thần học hỏi trong môi trường thực tế. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường từ kỹ năng giao tiếp công nghiệp, khả năng xử lý tình huống đến việc vận hành thành thạo các thiết bị hiện đại, doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động hơn, không chỉ là nơi tuyển dụng mà còn là đối tác chiến lược trong suốt quá trình đào tạo.

Ông Lê Văn Luận nhìn nhận: “Trong giai đoạn 2025-2030, ngành Công Thương sẽ chuyển dịch mạnh theo ba hướng: công nghiệp hóa bền vững, logistics xanh và số hóa toàn diện. Vì vậy, nhà trường đã chủ động mở mới các ngành như kỹ thuật môi trường, đường sắt đô thị, điều khiển số, IoT và AI trong công nghiệp để đón đầu xu thế.”

Chắp cánh nguồn lực mới cho ngành Công Thương thời đại số

Khái niệm “hệ sinh thái đào tạo nghề mở” ngày càng trở nên hiện hữu khi các trường nghề không còn đào tạo trong phạm vi nội bộ, mà chủ động kết nối liên ngành, liên vùng và liên kết quốc tế. Thay vì nhà trường dạy, doanh nghiệp dùng, mô hình mới là doanh nghiệp tham gia từ đầu: từ thiết kế chương trình đào tạo, cử chuyên gia hướng dẫn thực hành, đến đặt hàng tuyển dụng và đồng hành trong đổi mới thiết bị, công nghệ giảng dạy.

Tại nhiều trường thuộc Bộ Công Thương, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã được thành lập, gắn kết với doanh nghiệp và địa phương để hình thành chuỗi giá trị đào tạo, sản xuất và tiêu thụ. Điều này giúp sinh viên không chỉ học để làm thuê, mà còn có cơ hội khởi nghiệp, làm chủ, hoặc nhanh chóng thích nghi với những vị trí có yêu cầu kỹ thuật cao trong các nhà máy hiện đại.

Tại nhiều trường thuộc Bộ Công Thương, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã được thành lập. Ảnh: CTTC

Tại nhiều trường thuộc Bộ Công Thương, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã được thành lập. Ảnh: CTTC

Không dừng ở đó, chuyển đổi số trong đào tạo cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều trường đã xây dựng lớp học số, học liệu mở, mô phỏng thực tế ảo và hệ thống đánh giá năng lực trực tuyến. Những nền tảng này giúp san bằng cơ hội tiếp cận tri thức giữa thành thị và miền núi, giữa sinh viên phổ thông và học viên nghề, mở ra một không gian giáo dục linh hoạt, đa dạng và công bằng hơn.

Dạy nghề không chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo mà cần được nhìn nhận như một phần trong chiến lược phát triển bền vững ngành Công Thương. Với tầm nhìn đó, Bộ Công Thương đang từng bước xây dựng chính sách đồng bộ: ưu tiên đầu tư cho các trường nghề trọng điểm theo cụm ngành; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo; mở rộng liên kết quốc tế, đặc biệt trong tiếp cận công nghệ cao và chuẩn hóa chứng chỉ nghề theo khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo cũng được thiết kế linh hoạt, cho phép người học học liên thông, học theo mô-đun kỹ năng, học suốt đời để người lao động không bị “đóng khung” trong một nghề suốt đời mà có thể chuyển đổi, thích ứng nhanh trong nền kinh tế biến động.

Đặc biệt, trong chương trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia gắn với chuyển đổi số, ngành Công Thương đóng vai trò tiên phong trong xây dựng đội ngũ nhân lực vận hành hệ thống công nghiệp số, năng lượng thông minh, thương mại hiện đại... Đó không chỉ là đào tạo nghề, mà là đào tạo tương lai của nền sản xuất mới nơi con người và công nghệ cộng sinh để tạo ra giá trị gia tăng cao.

Ngành Công Thương đang đứng trước đề nghị cấp bách về nhân lực đáp ứng chuyển đổi công nghệ và tích hợp chuỗi giá trị toàn cầu. Việc đổi mới cách dạy nghề không còn là một chọn lựa, mà trở thành chiến lược trụ cột trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thiên Kim

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chap-canh-nguon-luc-moi-cho-nganh-cong-thuong-thoi-dai-so-410411.html