Hiến kế phát triển sản phẩm AI thuần Việt
Trước thềm Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025, người trẻ Việt khắp năm châu cùng lên tiếng, góp ý và hiến kế nhằm gỡ nút thắt, tạo sự bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57 (của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững bước vào kỷ nguyên mới.
GS. Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc 1 của ÐH Texas, Mỹ: Tạo ra sản phẩm AI “Made in Vietnam”

Với vai trò là một trí thức trẻ Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) tại Hoa Kỳ, tôi có cái nhìn đầy hy vọng về vai trò, tiềm năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ cả trong lẫn ngoài nước, trong hành trình hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Để hiện thực hóa nghị quyết này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình vào kỷ nguyên phát triển dựa trên tri thức, vai trò của trí thức trẻ là không thể phủ nhận. Là người nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực học máy, AI và khoa học dữ liệu tại Hoa Kỳ - những lĩnh vực mà tôi tin là xương sống của chuyển đổi số quốc gia, khát vọng lớn nhất của tôi là được trở thành một cầu nối tri thức vững chắc giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ - nơi tôi đang công tác.
Tôi không chỉ mong muốn mang những công nghệ tiên tiến và tư duy nghiên cứu hiện đại về đóng góp cho đất nước, mà còn muốn giúp Việt Nam tự tin tạo ra những sản phẩm AI “Made in Vietnam” có sức cạnh tranh toàn cầu.
Tôi đặc biệt quan tâm đến ba hướng đi cụ thể. Thứ nhất,phổ cập và đào tạo chuyên sâu về AI, không chỉ dừng ở kiến thức cơ bản, mà còn về các lĩnh vực mới như AI tạo sinh, Edge AI, MLOps hay đạo đức AI, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thứ hai, cùng cộng đồng xây dựng các bộ dữ liệu tiếng Việt lớn, chuẩn hóa và chất lượng cao - nền tảng cốt lõi để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn hiệu quả. Thứ ba, thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng AI để giải quyết các bài toán của Việt Nam, từ nông nghiệp thông minh, y tế cộng đồng đến giáo dục và đô thị thông minh.
Tôi sẵn sàng bắt tay ngay vào các hành động cụ thể như tổ chức webinar (hội thảo trực tuyến) chuyên đề, khởi xướng dự án dữ liệu cộng đồng, tư vấn chiến lược cho các bộ ngành và doanh nghiệp lớn, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh trong nước và tạo mạng lưới kết nối trí thức Việt toàn cầu. Tôi tin rằng, nếu có một hệ sinh thái đổi mới cởi mở và biết tận dụng chất xám Việt ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể đưa trí tuệ Việt ra thế giới bằng chính công nghệ do người Việt tạo ra.
PGS. TS Trần Lê Hưng, giảng viên Ðại học Gustave Eiffel, Pháp: Mong được tham gia vào các dự án lớn của đất nước

Là đại biểu đã tham gia liên tục cả 6 mùa Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và đang giữ vai trò trong Ban chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ, tôi rất vui thấy được sự phát triển lớn mạnh của Diễn đàn lần này - quy tụ được số lượng trí thức có trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ cao nhất. Điều này đã phản ánh được sự hấp dẫn về các chủ đề của diễn đàn cũng như sự mong muốn đóng góp vào sự phát triển đất nước của thế hệ trẻ. Mạng lưới là sợi dây kết nối các trí thức trẻ ở trong và ngoài nước, để các bạn ở nước ngoài hiểu rõ hơn tình hình quốc gia, đóng góp có tính thực tế, thực chất phụng sự phát triển đất nước.
Tôi đang công tác trên cương vị là giảng viên tại Đại học Gustave Eiffel, Pháp và nghiên cứu về cơ sở hạ tầng đường sắt cao tốc cùng những ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này, phục vụ mục đích duy tu, bảo trì, cảnh báo sớm, ứng phó rủi ro do các tác động bên ngoài, đảm bảo vận hành an toàn. Đây là chủ đề nghiên cứu mà tôi đã theo đuổi từ khi còn làm Nghiên cứu sinh tại trường Kỹ sư Cầu đường Paris, Pháp và cũng có một số ứng dụng nhất định.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của AI, tôi đang phát triển ứng dụng AI vào chẩn đoán sớm sức khỏe công trình, đặc biệt cầu đường sắt cao tốc. Đây là những dự án mà tôi đang theo đuổi, kết hợp với Việt Nam và sẵn sàng kết nối với các chuyên gia, chuyển giao công nghệ, tham gia góp sức vào giải quyết các bài toán lớn ở trong nước trong tình hình mới.

Các đại biểu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2021 trao đổi ý kiến về các vấn đề phát triển đất nước. Ảnh: Lâm Đăng Hải
Dù đang công tác ở nước ngoài, nhưng tôi luôn hướng về Tổ quốc và luôn mong muốn được đóng góp trí tuệ, sức lực, đưa công nghệ về với Việt Nam. Đặc biệt với 4 nhóm ngành lớn mà nước ta đặc biệt quan tâm như: AI, bán dẫn, điện hạt nhân hay đường sắt cao tốc, với khả năng của mình, tôi mong muốn được tham gia vào dự án trên.
Để phục vụ điều này, tôi đã thành lập và duy trì mạng lưới chuyên gia đường sắt cao tốc người Việt, nơi quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực đường sắt; thường xuyên trao đổi, đóng góp ý kiến cùng các đồng nghiệp trong nước.
TS. Lê Thanh Tùng, giảng viên tại khoa Công nghệ Thông tin, Trường Ðại học Khoa học Tự nhiên, ÐHQG TPHCM: Xây dựng hệ nhân lực chất lượng cao

Tôi luôn xem vai trò của mình không chỉ là một nhà nghiên cứu hay giảng viên, mà là một người kết nối giữa phòng thí nghiệm với lớp học, giữa trường đại học với doanh nghiệp, và giữa tri thức khoa học với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số, khát vọng lớn nhất của tôi là cùng các đồng nghiệp góp phần xây dựng hệ sinh thái nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, đúng như tinh thần mà Nghị quyết 57 đã xác định.
Để làm được điều đó, chúng ta cần 3 điều kiện: Thứ nhất, đào tạo gắn với thực tiễn Việt Nam. Sinh viên cần được học thông qua dữ liệu thật, hạ tầng thật, và bài toán thật để khi ra trường có thể tham gia ngay vào các dự án cụ thể. Thứ hai, nghiên cứu mở và chia sẻ tài nguyên từ dữ liệu tiếng Việt chuẩn hóa, mô hình AI mở, đến các công cụ mã nguồn mở phù hợp với điều kiện địa phương. Thứ ba, xây dựng mạng lưới trí thức trẻ trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực, cùng hợp tác giải quyết các bài toán lớn như dịch vụ công, môi trường, giáo dục, y tế hay nông nghiệp thông minh.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” được tổ chức từ ngày 19/7 đến ngày 21/7/2025 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 201 đại biểu chính thức, cùng 15 nhà khoa học uy tín cao tham gia Hội đồng tư vấn. Trong 201 đại biểu có 1 giáo sư, 31 phó giáo sư và trợ lý giáo sư, 150 tiến sĩ và 19 thạc sĩ/nghiên cứu sinh; độ tuổi bình quân 34.5; đại biểu nữ chiếm 29.3%; 35.8% là đại biểu đang công tác và làm việc tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đơn vị phối hợp tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.
Tôi mong rằng, qua các diễn đàn như thế này, trí thức trẻ không chỉ trao đổi ý tưởng mà còn cùng hành động: chia sẻ dữ liệu, đồng hướng dẫn sinh viên, phát triển phòng thí nghiệm vệ tinh, và tạo cơ hội thực tập, trao học bổng, chương trình thực tập để nuôi dưỡng thế hệ kỹ sư - nhà khoa học trẻ làm chủ công nghệ lõi. Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng Việt Nam sẽ không chỉ ứng dụng AI từ thế giới, mà còn đóng góp những giá trị công nghệ ngược trở lại cho khu vực và toàn cầu.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của tôi tập trung vào việc phát triển các ứng dụng AI phù hợp với ngữ cảnh và nhu cầu tại Việt Nam, đặc biệt là trong các tình huống gần gũi với đời sống người dân như giải đáp thông tin dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ phân tích và ra quyết định, cũng như tự động điền biểu mẫu hành chính công... Chúng tôi đang theo đuổi ba hướng chính, gồm: thu nhỏ các mô hình AI khổng lồ như ChatGPT thành các phiên bản gọn nhẹ, phù hợp triển khai tại địa phương mà không cần siêu máy tính; xây dựng các mô hình AI phục vụ cho ngữ cảnh Việt Nam; phát triển các mô hình có khả năng hiểu nhiều loại dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh… trong ngữ cảnh tiếng Việt.
Tôi tin rằng, nếu tiếp tục được đầu tư và đồng hành từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, các công nghệ AI “thuần Việt” này sẽ góp phần tạo nên những dịch vụ thông minh, thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, đúng với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và định hướng phát triển công nghệ trong thời đại AI.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hien-ke-phat-trien-san-pham-ai-thuan-viet-post1761162.tpo