Chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Sau 7 năm được thành lập, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Vân Hồ đã cùng nhau vượt mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu dạy tốt và học tốt.

Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang.

Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xây dựng khang trang.

Nhà trường có 22 cán bộ, giáo viên, 378 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Mường, Dao, Tày, được tuyển sinh từ các vùng đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Thế Hưng, Hiệu trưởng, cho biết: Hiểu được tâm lý phải sống xa nhà từ nhỏ của các học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn xác định công việc của mình không chỉ là người thầy, người cô dạy kiến thức mà còn phải là những người cha, người mẹ thứ hai quan tâm, chăm sóc và giáo dục các em những quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử, nội quy nhà trường; giáo dục kỹ năng sống với các nội dung thiết thực, phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ để các em có dịp giao lưu, chia sẻ với bạn bè về học tập, sinh hoạt, giúp các em dần thích nghi với môi trường nội trú.

Cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ thi đua dạy tốt học tốt.

Cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ thi đua dạy tốt học tốt.

Hàng năm, nhà trường quan tâm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Các giáo viên bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, đặc biệt chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài giờ lên lớp, đội ngũ giáo viên nhà trường tham gia quản lý, theo dõi và hướng dẫn học sinh giờ tự học, giờ ngoại khóa.

Bên cạnh đó, nhà trường đã khảo sát chất lượng, nắm tình hình và phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu cấp để có biện pháp phụ đạo kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Cử giáo viên bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho các học sinh khá, giỏi, thành lập các đội tuyển học sinh giỏi cho các bộ môn ngay từ đầu cấp học; đồng thời có kế hoạch phụ đạo, bổ sung kiến thức cho những học sinh yếu. Do vậy, kết quả học tập của học sinh luôn được đảm bảo. Nhiều năm qua, nhà trường luôn duy trì được kết quả 100% học sinh lên lớp; trên 80% đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, 91% trở lên học sinh đạt hạnh kiểm tốt. Riêng năm học 2020 - 2021, trường đã có 1 học sinh đạt giải Ba môn Lịch sử, 5 giải Khuyến khích cấp tỉnh cùng nhiều giải học sinh giỏi ở cấp huyện.

Giờ học của cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ.

Giờ học của cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ.

Khu nhà ăn của trường vừa được đầu tư xây dựng. Thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trường không tổ chức ăn tập trung; những khẩu phần ăn có đủ thịt, rau, cơm, canh còn nóng hổi được đóng vào khay cẩn thận rồi chuyển tới từng phòng ở của các em. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Hà, Nhóm trưởng nhóm nấu ăn của trường, cho biết: Để có bữa ăn đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, đảm bảo các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm.

Nhân viên nấu ăn của nhà trường chuẩn bị bữa ăn cho các học sinh.

Nhân viên nấu ăn của nhà trường chuẩn bị bữa ăn cho các học sinh.

Với em Mùi Thị Cam, lớp 9A2, nhà ở bản Châu Phong, xã Suối Bàng thì Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Vân Hồ đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình. Từ khi vào học ngôi trường này, các thầy cô đã trở thành những người cha, người mẹ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chăm lo cho em từng bữa ăn đến giấc ngủ. Em Cam tâm sự: Em cảm thấy mình may mắn khi được vào học ở ngôi trường này. Vào đây, em đã được dạy bảo về tính tự lập, về tinh thần vượt khó vươn lên. Mơ ước của em sau này sẽ trở thành cô giáo để tiếp tục truyền dạy những kiến thức bổ ích cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa.

Học sinh nhà trường thường xuyên dọn dẹp phòng ở nội trú.

Học sinh nhà trường thường xuyên dọn dẹp phòng ở nội trú.

Còn em Bàn Thế Tường, học sinh lớp 10A2, chia sẻ: Điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở trường rất tốt, lại được các thầy cô quan tâm nên tuy sống xa gia đình nhưng em luôn có cảm giác ấm áp. Tại “mái nhà chung” này, em luôn được sự quan tâm, chăm sóc của các thầy, cô giáo và sự động viên của bạn bè nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Chia tay "ngôi nhà chung" của học sinh dân tộc thiểu số ở Vân Hồ, nơi có những thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm lặng thầm đóng góp cho sự nghiệp trồng người, góp phần chắp cánh ước mơ, thắp sáng niềm tin cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn ở Vân Hồ.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chap-canh-uoc-mo-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-48601